Nhà lãnh đạo Singapore Lý Hiển Long: Người luôn tìm ra những giải pháp "cùng thắng" cho những vấn đề khó
Ngày 15/5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã từ nhiệm sau 20 năm, chuyển giao chức vụ cho người kế nhiệm, Đại sứ có thể chia sẻ về lý do và bối cảnh nhà lãnh đạo Singapore quyết định chuyển giao quyền lực vào thời điểm này?
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Thủ tướng Phạm Minh Chính trong buổi đối thoại với Lãnh đạo Trẻ tiêu biểu Việt Nam - Singapore, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, tháng 8/2023. |
Sự chuyển giao lãnh đạo ở Singapore luôn diễn ra một cách bài bản, trật tự xuất phát từ yêu cầu bên trong và những cơ hội, thách thức mới từ bên ngoài. Từ vị Thủ tướng đầu tiên Lý Quang Diệu (1959 – 1990) qua Thủ tướng Ngô Tác Đống (Goh Chok Tong 1990 – 2004), Thủ tướng Lý Hiển Long (2004 – 2024) và đến nay là Thủ tướng Hoàng Tuần Tài (Lawrence Wong) thuộc thế hệ lãnh đạo thứ Tư của Singapore.
Chuyển giao quyền lực lãnh đạo ở Singapore dựa trên các nguyên tắc nhất quán, bao gồm: Tài năng quản lý toàn diện đất nước về chính trị, kinh tế, an ninh-quốc phòng; Phẩm chất đạo đức của một nhà lãnh đạo và là biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc trong một xã hội đa văn hoá, đa sắc tộc.
Đại sứ Nguyễn Đức Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Việt Nam - Singapore, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Singapore (1996-2000). |
Những thế hệ lãnh đạo trước đã hoàn thành sứ mệnh đưa Singapore từ một cảng cá nghèo nàn trở thành một thành phố toàn cầu, một con rồng của Đông Á. Ngày nay, sứ mệnh lịch sử của Chính phủ Thủ tướng Lawrence Wong là bảo đảm sự hài hoà giữa phát triển kinh tế và kết nối xã hội, thu hẹp khoảng cách trong thu nhập của công dân, bảo đảm môi trường tự nhiên bền vững trong biến đổi khí hậu và bảo đảm an sinh xã hội trước xu hướng già hoá dân số.
Hơn thế nữa, cũng như các Chính phủ tiền nhiệm, một ưu tiên chiến lược với mục tiêu xuyên suốt là tiếp tục thúc đẩy sự sáng tạo không ngừng và tinh thần kinh doanh (entrepreneurship) nhằm duy trì vai trò, uy tín của một trung tâm năng động hàng đầu về kinh tế - tài chính - thương mại của châu Á và thế giới, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng trong khu vực và trên thế giới.
Theo Đại sứ, di sản lớn nhất mà Thủ tướng Lý Hiển Long để lại cho Singapore là gì?
Thủ tướng Lý Hiển Long trong suốt hai thập kỷ lãnh đạo đất nước luôn gắn những chính sách của Chính phủ với lợi ích của người dân và của quốc gia cả về phát triển kinh tế và quan hệ đối ngoại. Facebook của ông thường xuyên có 1,7 triệu người quan tâm theo dõi, đặc biệt là các bạn trẻ thế hệ Gen Z. Ông hết sức chú trọng những chính sách an sinh xã hội bao trùm và đã thành công đưa Singapore hội nhập vào quá trình Toàn cầu hoá, nhanh chóng tiếp cận và thích ứng với những tiến bộ phát triển mới của công nghệ.
Về đối ngoại, đường lối xuyên suốt của Singapore nói chung cũng như của Chính phủ Lý Hiển Long là “một nước nhỏ như Singapore cần phải có một mạng lưới bạn bè". Tinh thần này đã được Thủ tướng nhắc lại trong phát biểu tại lễ kỷ niệm Quốc khánh Singapore năm 2016.
Theo đó, Thủ tướng Lý Hiển Long đã thúc đẩy lợi ích quốc gia, dân tộc bằng nhiều hoạt động phong phú, linh hoạt vừa là một thành viên tích cực, xây dựng của Cộng đồng quốc tế vừa biết chia sẻ lợi ích chung với láng giềng và với những nước lớn. Coi ASEAN là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại, Thủ tướng Lý Hiển Long đặc biệt coi trọng quan hệ hữu nghị, gắn bó láng giềng thân thiện với Malaysia, Indonesia và những nước thành viên khác trong gia đình ASEAN.
Với các nước lớn, Singapore xây dựng quan hệ hợp tác có tầm nhìn dài hạn với Mỹ, tạo dựng quan hệ thực chất và hướng về tương lai với Trung Quốc, trong đó mọi khác biệt đều có thể giải quyết theo tinh thần tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.
Những thành tựu nào trong quan hệ Việt Nam-Singapore dưới thời Thủ tướng Lý Hiển Long mà Đại sứ ấn tượng nhất, trong đó có việc thúc đẩy giao lưu nhân dân, cây cầu nối hữu nghị giữa hai nước, thưa Đại sứ?
Trong 20 năm trên cương vị lãnh đạo đất nước, Thủ tướng Lý Hiển Long đã để lại dấu ấn và đóng góp to lớn vào sự kết nối cùng phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa Viêt Nam và Singapore: năm 2004 hai bên ra Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện trong thế kỷ 21.
Trong 20 năm trên cương vị lãnh đạo đất nước, Thủ tướng Lý Hiển Long đã để lại dấu ấn và đóng góp to lớn vào sự kết nối cùng phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa Viêt Nam và Singapore. Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 8/2023, hai Thủ tướng tiếp tục chứng kiến hai nước ký kết 7 văn kiện hợp tác quan trọng. Trong đó có Thỏa thuận giữa hai Bộ Ngoại giao về Chương trình nghiên cứu theo chuyên đề dành cho cán bộ cao cấp Đảng Cộng sản Việt Nam (giai đoạn 2024-2026) do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan ký kết. |
Năm 2013 hai bên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP), câu chuyện thành công của hợp tác giữa hai nước từ một VSIP đầu tiên ở tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương) đến nay đã mở rộng ra hơn 10 VSIP trên khắp lãnh thổ Việt Nam từ Nam ra Bắc.
Sự trùng hợp về tầm nhìn xa của lãnh đạo hai nước đối với vận mệnh mỗi nước và tương lai khu vực, về lợi ích chiến lược của mỗi nước trong bối cảnh những biến chuyển mạnh mẽ về địa - chính trị, địa - kinh tế, về tinh thần tự lực tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của hai dân tộc đã là mẫu số chung, là động lực to lớn tạo ra những bước đi vững chắc trong quan hệ hai nước suốt nửa thế kỷ qua, đặc biệt trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 21.
Trong bối cảnh đó, năm 2014 Hội Hữu nghị Việt Nam-Singapore (VSFA) được thành lập và năm 2017 Thủ tướng hai nước đã chứng kiến lễ ký MOU giữa Hội Hữu nghị Viêt Nam – Singapore và Quĩ phát triển Singapore (SIF) xác định hành lang pháp lý cần thiết tạo thuận lợi cho hoạt động đối ngoại nhân dân đóng góp thiết thực vào tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước nói chung và thực sự đã tạo đà cho đối ngoại nhân dân với Singapore phát triển mạnh mẽ và ngày cảng mở rộng.
Các chương trình và hoạt động giao lưu nhân dân của VSFA trên cơ sở thực hiện những Thoả thuận hợp tác với nhiều dự án cụ thể trên các lĩnh vực từ thiện nguyện, nhân đạo, giáo duc, y tế, giao lưu văn hoá đến hỗ trợ tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại, đầu tư kết nối doanh nghiệp hai bên vừa nhằm không ngừng tăng cường hiểu biết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước vừa bám sát phục vụ thiết thực nhất các chương trình và những ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung và các địa phương nói riêng, góp phần lầm sâu sắc thêm nội dung quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.
Đại sứ có kỷ niệm hay câu chuyện thú vị nào không với cá nhân Thủ tướng Lý Hiển Long với vai trò là Đại sứ Việt Nam tại Singapore (1996-2000) cũng như trong vai trò Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội hữu nghị Việt Nam – Singapore hiện nay?
Tôi không có may mắn được làm việc trực tiếp với Thủ tướng Lý Hiển Long, song nhìn vào những thành tựu trong sự nghiệp chính trị của ông và đóng góp cho quan hệ Việt Nam - Singapore, tôi luôn nghĩ rằng, Ông là người kế tục xứng đáng sự nghiệp của các vị Thủ tướng Singapore tiền nhiệm.
Tuy nhiên, trong những dịp hiếm hoi được gặp và trao đổi với Thủ tướng Lý Hiển Long khi ông đi thăm Việt Nam hoặc trong những hội nghị ASEAN, ASEM do Singapore chủ trì mà tôi có cơ hội được tham dự, tôi nhìn thấy ở Thủ tướng Lý Hiển Long một chính khách có tầm nhìn xa trông rộng, một người đối thoại sắc sảo luôn tìm ra những giải pháp “cùng thắng" cho những vấn đề khó.
Đồng thời, ông cũng là một người bình dị hết lòng với đồng bào và đồng sự của mình. Một con người như vậy chắc chắn sẽ luôn có vị trí cao trong trái tim mọi người- đồng bào mình và bạn bè quốc tế.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!