Nguyên nữ Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Liên hiệp quốc: Nữ “sứ giả” cần thiết nhất là cân đối gia đình và công việc
Bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch VUFO, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc |
Thưa bà, bắt đầu từ khi nào và yếu tố gì để bà chọn nghề ngoại giao làm sự nghiệp đời mình?
Với tôi điều này khá đơn giản. Thứ nhất do bố mẹ tôi làm trong ngành ngoại giao nên từ nhỏ tôi đã được nghe nhiều câu chuyện về nghề này. Tôi thấy quen và hấp dẫn. Thứ hai là khi học tiểu học, tôi được đọc cuốn tiểu thuyết về bà Alexandra Mikhailovna Kollontai - chiến sĩ cách mạng Liên Xô, nhà nữ ngoại giao đầu tiên sau Cách mạng Tháng 10, cũng là nữ đại sứ đầu tiên trong lịch sử thế giới. Từ đó, tôi ấn tượng về nhân vật này và nghĩ rằng sẽ rất thú vị nếu một ngày nào đó mình được làm Đại sứ. Lớn lên, khi chọn ngành học, tôi đã chọn ngoại giao. Tốt nghiệp Đại học ngoại giao, tôi được làm việc đúng ngành. Mọi thứ đều tự nhiên và khá thuận lợi.
Giữa thực tế và sự hình dung về nghề ngoại giao trước đó, bà có thấy sự khác biệt?
Tháng 11/1988, tôi trở thành chuyên viên của Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao. Khi tôi bắt đầu đi làm là lúc có nhiều diễn biến chính trị phức tạp như sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô cũ, các nước Đông Âu, vấn đề Việt Nam với Campuchia... Lúc đó tôi thấy thực tế công việc khác biệt và vất vả hơn hình dung rất nhiều. Nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi hay giảm nhiệt huyết với nghề này.
Lần đầu khi nhận nhiệm vụ làm đại sứ bà có cảm xúc gì đặc biệt?
Khi vào nghề ngoại giao, nhiều người ước mong sẽ được làm đại sứ - đại diện cao nhất của đất nước mình tại nước khác. Đến khi tôi được đảm nhận cương vị Phó Vụ trưởng rồi Vụ trưởng và sau làm Thứ trưởng thì tôi thấy việc có thể làm đại sứ nằm trong khả năng của mình. Nên khi nhận quyết định làm đại sứ thì tôi không quá bất ngờ nhưng rất xúc động bởi mơ ước của mình đã được toại nguyện.
Hơn nữa, làm Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc tôi nghĩ rằng đó là một trong những vinh dự lớn. Song song với đó là trách nhiệm rất lớn và cũng thấy rất lo lắng.
Bà Nguyễn Phương Nga tham dự sự kiện Kết nối những Nhà lãnh đạo nữ có tầm ảnh hưởng ngày 13/10 tại Hà Nội |
Người đầu tiên bà chia sẻ niềm vui khi được làm Đại sứ là ai?
Tháng 11 năm 2014, tôi làm Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền, Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. Khi nhận được quyết định thì người đầu tiên tôi chia sẻ là chồng tôi. Lúc đó anh nói rằng “Làm Đại sứ tại Liên hợp quốc là vinh dự rất lớn”. Thực tế thì anh là người ủng hộ từ khi tôi đăng ký ứng viên vào cương vị này. Anh cũng lo cho vợ nhưng rất mừng. Anh có nói rằng anh tin tôi sẽ làm tốt... Tôi có may mắn là “đồng chí chồng” cũng học cùng trường ngoại giao ở Nga, nên mặc dù không theo nghề ngoại giao nhưng chồng tôi vẫn hiểu công việc và đồng hành ủng hộ tôi trong từng chặng đường.
Thưa bà, bà làm thế nào để đảm bảo cả 2 vai trò: nữ sứ giả và người phụ nữ của gia đình?
Tôi nghĩ trong cuộc sống mỗi người đều có những giai đoạn khó khăn, quan trọng là cách tiếp cận khó khăn của mình và cách để cùng mọi người giải quyết.Thử thách lớn nhất đối với tôi đó là mình không có mặt ở nhà trong thời gian gia đình gặp biến cố lớn.Tôi đã không thể có mặt ở nhà khi mẹ chồng và mẹ đẻ qua đời. Đó là những cú sốc mà rất lâu sau tôi mới có thể vượt qua được. Mình biết là cha mẹ mình ốm yếu nhưng mình lại không thể về được. Đó là khó khăn và day dứt nhất mà tôi, cũng như rất nhiều đồng nghiệp làm nhiệm vụ ngoại giao ở nước ngoài gặp phải.
Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là trong 1 lần làm sự kiện lớn tại nước ngoài, ngay trước giờ tôi phải đến sự kiện thì con gái của tôi bị ngã, bầm dập mặt mũi. Tôi chỉ kịp lau qua và khử trùng cho con rồi phải đi ngay vì sự kiện sắp bắt đầu và mình dưới cương vị là Đại sứ thì không thể đến muộn. Tối hôm đó hơn 12h đêm tôi mới về nhà. Tôi thấy con đã ngủ bên cạnh cô cấp dưỡng và con gái của cô ấy. Người con gái của cô cấp dưỡng đã thức trông em và nắm chặt tay con gái tôi.
Nếu có thể nhắn nhủ với đồng nghiệp nữ sau này khi làm ở sứ quán, bà sẽ nói gì?
Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là cần cố gắng để cân bằng giữa công việc và gia đình. Đó là điều ảnh hưởng lớn nhất đến hạnh phúc. Tôi muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ rằng: Cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ như mình mong muốn, có những giai đoạn vui, buồn, khó khăn và thuận lợi. Do đó mình cần xác định được mục tiêu mình sẽ làm gì và sống thế nào, cần cố gắng để có được sự hỗ trợ từ người thân xung quanh.
- Xin cảm ơn bà!
Đại sứ Ngô Thị Hòa trải lòng về 30 năm theo nghề ngoại giao Sức lan tỏa ngày một rộng rãi và đậm nét của bản sắc Việt Nam ở xứ sở hoa Tulip có phần đóng góp không ... |
Đại sứ Nguyễn Thị Hồi - “bóng hồng” hiếm hoi trên mặt trận ngoại giao thập niên 70 Là một trong số những “bóng hồng” hiếm hoi trên mặt trận ngoại giao trong thập niên 70, là thế hệ Đại sứ trẻ đầu ... |
Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi để các Đại sứ hoàn thành tốt nhiệm vụ Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi để các Đại sứ hoàn ... |