Người Việt làm gì trong ngày "Tết giết sâu bọ"
Tết Đoan ngọ hay còn gọi là Tết Đoan dương vào ngày 5/5 âm lịch. Đoan Ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa). Còn Dương là mặt trời, là khí dương, Đoan Dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.
Chính vì vậy, ở Việt Nam, ngày Đoan Ngọ là ngày dân chúng cúng lễ để đánh dấu một thời tiết mới, mừng sự trong sáng, quang đãng. Hơn nữa, giữa tiết mùa hạ oi bức thường có bệnh thời khí nên người ta hay cúng lễ để cầu an.
Người Việt Nam còn gọi Tết Đoan Ngọ là "Tết giết sâu bọ" vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Vào ngày này, dân gian có nhiều tục trừ trùng phòng bệnh.
Ngày xưa, vào ngày này, người ta còn có tục nhuộm móng chân, móng tay, tục khảo cây lấy quả, tục treo ngải cứu để trừ tà... Những em bé chưa biết đi thì được lấy một ít vôi quyệt vào thóp, vào ngực và rốn để chúng không bị đau bụng, nhức đầu. Tuy nhiên, phần lớn các tục lệ này nay đã được bãi bỏ, chỉ còn giữ lại tục tắm nước lá và tục đi hái lá thuốc.
Tại Hà Nội và một số vùng của miền Bắc ngày này, rượu nếp, đặc biệt là rượu nếp cẩm, là món không thể thiếu.
Rượu nếp được bày bán tại các cửa hàng ăn sáng vào ngày 5/5
Người ta cho rằng, bộ phận tiêu hoá của con người thường có các loại ký sinh gây hại và chúng nằm sâu trong bụng nên không phải lúc nào cũng diệt được. Duy có ngày mồng 5/5 âm lịch, các loại ký sinh này thường ngoi lên, con người có thể ăn thức ăn, hoa quả vị chua, chát và nhất là rượu nếp, có thể loại bỏ chúng.
Còn đối với những người dân miền trong như TP.HCM thì thịt vịt là một thứ không thể thiếu cho ngày lễ này. Các loại thịt như heo quay cũng trở nên đắt hàng.
Thịt vịt trở thành món yêu thích từ lâu cũng người miền trong từ xưa vào dịp 5/5
Nếu như người miền Bắc thường ăn cơm rượu, người miền Nam thường ăn thịt vịt quay,..., thì ở miền Trung, người Quảng Nam - Đà Nẵng cũng có nhiều tục lệ (ăn món gì, làm những gì) riêng trong ngày mà người xứ Quảng vẫn coi là ngày tết đoàn viên, gia đình sum họp này.
Tục lệ đầu tiên phải kể tới là tục hái lá mùng 5. Các loại lá mùng 5 rất phong phú có thể kể ra như lá ổi, lá vối, dủ dẻ, rễ tranh, mã đề, ngãi cứu... thường có vị thuốc nam.
Những món ăn thường thấy theo tục lệ trong ngày mùng 5 ở xứ Quảng cũng rất phong phú từ thịt vịt, quả mít, quả chôm chôm,..., và đặc biệt không thể thiếu là bánh ú tro. Hễ tới mùng 5 là nhà nào ít nhất cũng có vài ba chục chiếc bánh ú tro.
Bên cạnh đó, món thịt vịt cũng là món được ưa chuộng vào ngày này.
Trong ca dao Việt Nam có câu: “Tháng Tư đong đậu nấu chè/Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm”. Và truyền thuyết đó gắn kết trong đời sống tâm linh của người dân Việt với ý nghĩa gần gũi hơn.
Hương Sơn