Người Việt ăn gì để tránh ung thư
Bữa ăn gia đình.
Mua thực phẩm an toàn ở đâu là điều trăn trở của rất nhiều người, trong đó đặc biệt là các bà nội trợ.
Hầu như tất cả đang cùng chung một câu hỏi: “Biết tìm mua thực phẩm sạch, an toàn ở đâu khi xung quanh nhìn đâu cũng thấy hiểm họa”.
Sạch nhưng mắc quá, làm sao mua nổi?
Chị Bích Phương (TP.HCM) cho biết: “Ai cũng biết là nên lựa chọn rau quả, thịt cá đảm bảo vệ sinh nhưng vấn đề là biết tìm ở đâu, khi chợ nào cũng như chợ nào, rau nào cũng phun thuốc, thịt cá nào cũng ướp hóa chất ?”.
Đa phần người có thu nhập trung bình thường lựa chọn mua thực phẩm tại các chợ và đều cùng chung những nỗi lo trên. Những hộ gia đình có mức sống khá giả hơn thường chọn lựa thức ăn trong các cửa hàng “thực phẩm sạch”.
Tuy nhiên giá của chúng lại quá đắt.
“Mua một bó rau sạch trong cửa hàng được quảng cáo là “đạt chuẩn chất lượng” cũng mất trên dưới 30.000đ/bó, giá thịt, cá đều đắt hơn giá chợ từ 3-4 lần. Lâu lâu có mua ăn một vài bữa cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì, còn ngày nào cũng ăn thì lấy tiền đâu ra mà mua?”, chị Ngọc (Quận 1, TP.HCM) chia sẻ.
Anh Lê Văn Dương, lái xe ba gác ở Thủ Đức cho biết anh và gia đình không có thời gian để ăn, "lấy đâu ra thời gian để chọn lựa thực phẩm, sơ chế rồi nấu nướng kĩ", anh nói.
"Cả nhà mạnh ai nấy ăn vì ai cũng bận đi làm, ăn chỉ thường 15 phút là xong một bữa. Gia đình rất ít khi ăn nhà, chủ yếu là bạ đâu ăn đó cho qua bữa thôi. Biết là ăn uống như vầy không tốt cho sức khỏe nhưng đành chịu vì không có điều kiện", anh Dương nói thêm.
Không chỉ anh Dương mà nhiều gia đình nơi anh ở đều là dân lao động, quen với việc ăn uống như vậy. Nhiều người mắc các bệnh về dạ dày, gan... nhưng chỉ điều trị qua loa.
Ung thư ngày càng gia tăng do nhiều nguyên nhân
Bác sĩ Đào Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho biết một bữa ăn đủ dưỡng chất phải cân bằng được tỉ lệ các thành phần bột đường (60%), đạm (15%), béo (25%), bên cạnh đó còn có rau quả và các chất dinh dưỡng khác.
- Rửa sạch rau bằng cách: + Lặt bỏ những lá vàng, rửa sạch bùn, cát bám vào rau + Ngâm ngập rau trong nước khoảng 15-20 phút để đủ thời gian cho thuốc trừ sâu tan vào nước + Tiếp tục rửa rau với nước sạch 2,3 lần đến khi nước rửa rau trong thì có thể mang đi nấu - Khi nấu nước sôi để luộc rau thì không đậy nắp vung với mục đích là để thuốc trừ sâu bay ra ngoài - Hâm kỹ thức ăn trước khi cất vào tủ lạnh và hâm nóng trở lại khi ăn. - Thức ăn bị mốc, ôi thiu thì tuyệt đối không được rửa sạch, nấu lại để sử dụng mà phải bỏ ngay vì có chất gây ung thư trong những thực phẩm bị hư này. |
"Nói cho dễ hình dung thì ví dụ một đĩa thực phẩm thì 1/2 đĩa sẽ là rau và trái cây, với 1/2 đĩa còn lại thì 50% là cơm, bánh mì và còn lại là thịt, cá, trứng, tôm, đậu hủ...", bác sĩ Thủy ví dụ.
Bác sĩ Yến Thủy nhận định nhiều người chưa quan tâm đến vấn đề cân bằng dinh dưỡng. Họ có thể ăn quá ít dẫn đến thiếu chất, thậm chí ăn nhiều đến béo phì nhưng vẫn bị thiếu chất.
"Việc ăn uống không cân bằng các chất, quá dư cái này, quá thiếu cái kia sẽ dẫn đến những nguy cơ bệnh lý", BS Thủy đánh giá.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), những thống kê về y khoa gần đây cho thấy, bệnh ung thư đang ngày càng gia tăng do nhiều nguyên nhân.
Bên cạnh việc thực phẩm hiện nay không đạt tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn thì cách ăn cũng khiến cho chúng ta dễ mắc các căn bệnh ung thư về thực quản, gan, dạ dày, ruột già…
Theo bác sĩ Phương, thói quen uống nhiều rượu, bia, hút thuốc lá, ăn các loại thức ăn nhanh, thịt nguội, thịt đỏ hoặc các loại thực phẩm quá nóng đều có hại cho sức khỏe và tiềm tàng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Một bữa ăn vội vàng, qua loa sẽ khó có thể đảm bảo dinh dưỡng (Ảnh: Thanh Tùng)
Tăng rau xanh, cân bằng các chất để tự bảo vệ mình
Bác sĩ Lưu Phương đưa ra khuyến cáo về việc hạn chế ăn các món chiên xào nhiều dầu mỡ, thức ăn bị khét và nên tăng cường ăn rau củ quả giàu chất xơ. Mỗi người cần biết cách cân bằng bữa ăn hằng ngày đủ dưỡng chất, trong đó tăng cường rau xanh, giảm thịt và bột, đường.
PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia đề xuất các bậc phụ huynh cũng phải quan tâm hơn đến thành phần dinh dưỡng trong bữa ăn của trẻ em.
“Hãy cho trẻ ăn nhiều rau lá, được ngâm rửa kĩ để tăng cường chất xơ cho trẻ. Bên cạnh đó vấn đề kiểm soát chất béo là vô cùng quan trọng”, bà Mai nhấn mạnh.
Theo bà Mai, các bà nội trợ nên dùng riêng biệt và phân loại dầu dùng để xào, rán khác với dầu để trộn sống các món salad. Dầu ăn không nên để cạnh gần bếp làm dầu trong chai bị nóng không tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó chúng ta không nên dùng dầu đã qua sử dụng để chế biến món ăn khác.
Bác sĩ Đào Yến Thủy cho biết thêm, nếu sử dụng lại thức ăn còn thừa thì chúng ta phải đun lại thật kĩ, tuyệt đối không sử dụng thức ăn ôi thiu hoặc có dấu hiệu hết hạn, hư hỏng.
Người tiêu dùng nên chọn thực phẩm có uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Đối với việc ăn ngoài hàng quán, bác sĩ Thủy đưa ra khuyến cáo nên chọn lựa hàng quán sạch sẽ, cao ráo, tránh xa cống rãnh dơ bẩn.
Bên cạnh đó mỗi người cũng phải cân nhắc để lựa chọn thực phẩm sao cho cân bằng dinh dưỡng, tránh chọn các loại thức ăn bày bán ngoài đường quá nhiều màu sắc vì chúng sẽ hàm chứa những phẩm màu độc hại cho cơ thể.
Khi lựa chọn và chế biến thực phẩm, bác sĩ Thủy đưa ra lời khuyên người tiêu dùng nên chọn thực phẩm có uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Thực phẩm mua về phải được sơ chế kĩ lưỡng để thải bớt độc tố ra nước hoặc dung dịch rửa thực phẩm.
Mỗi người dân cần phải ý thức trong việc chăm sóc sức khỏe của mình và gia đình, trước hết phải từ việc chăm chút những bữa ăn.
3 câu hỏi về chất béo Bà Lê Bạch Mai chỉ ra ba câu hỏi mà các bà nội trợ nên cân nhắc trước khi sử dụng chất béo để nấu nướng. Thứ nhất là dùng chất béo đó để làm gì: chiên, xào hay trộn sống. Tùy vào mục đích sử dụng mà chúng ta lựa chọn dầu cho hợp lý. Thứ hai là đối tượng sử dụng là người lớn hay trẻ em? Và cuối cùng là nguyên liệu để tạo ra loại dầu đó là gì? Khi nắm vững những kiến thức cần thiết, chúng ta sẽ biết cách chọn lựa từng loại chất béo phù hợp cho từng đối tượng sử dụng.
|
Theo Tuổi Trẻ