Người nước ngoài ở Việt Nam có được tham gia Bảo hiểm y tế không?
Thủ tục tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nước ngoài
Tại chương trình, bạn đọc có địa chỉ email ngocxuan@gmail.com gửi tới 2 câu hỏi.
Câu hỏi 1: Vợ tôi là người có quốc tịch Trung Quốc, lấy chồng Việt Nam, vợ tôi đang tạm trú tại TP Hà Nội. Hiện nay, tôi muốn mua thẻ BHYT hộ gia đình liệu có được không ạ?
Câu hỏi 2: Trường hợp trẻ sinh ở Việt Nam nhưng quốc tịch là Hàn Quốc thì có được cấp thẻ BHYT miễn phí tại Việt Nam không?
Phó TGĐ BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh tặng hoa khách mời, chuyên gia tham dự chương trình (Ảnh: T.L). |
Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời câu hỏi 1, như sau:
Tại khoản 1 khoản 2 Điều 5 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 được sửa đổi bổ sung tại khoản 1 khoản 2 Điều 2 Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công thì nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình được quy định như sau:
(1) Người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký thường trú, trừ những người thuộc đối tượng quy định tại các điều 1, 2, 3, 4 và 6 Nghị định này.
(2) Những người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký tạm trú, trừ đối tượng quy định tại các điều 1, 2, 3, 4 và 6 Nghị định này và đối tượng đã tham gia BHYT theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHYT không quy định cụ thể về việc tham gia BHYT theo nhóm hộ gia đình đối với người nước ngoài (quốc tịch nước ngoài) sinh sống ở Việt Nam.
Với câu hỏi 2, BHXH Việt Nam trả lời như sau:
Tại khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, khoản 5 Điều 11 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT quy định: Trẻ em dưới 6 tuổi thuộc đối tượng được hưởng BHYT và được cấp thẻ BHYT miễn phí (nhóm do ngân sách nhà nước đóng). Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lập danh sách tham gia BHYT đối với trẻ em dưới 6 tuổi, cơ quan BHXH cấp huyện căn cứ trên danh sách cấp thẻ do Ủy ban nhân dân cấp xã gửi đến để cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định.
Vì vậy, đề nghị bạn liên hệ với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú để được hướng dẫn chi tiết.
Nhận BHXH một lần khi ra nước ngoài
Chương trình cũng nhận được câu hỏi của bạn đọc có email: mylinh240299@gmail.com: Em có tới cơ quan tiếp nhận BHXH để làm thủ tục nhận BHXH một lần. Do tính chất công việc nên em chỉ đóng 4 tháng (4-7/2022 với mức lương là 5.200.000 đồng). Em đang chuẩn bị ra nước ngoài định cư và làm việc lâu dài nên quyết định đi làm thủ tục nhận BHXH một lần. Nhưng cán bộ không đồng ý cho em làm và nói nhận về số tiền rất thấp. Mong anh/chị có thể giải thích giúp em cán bộ đó làm như vậy là đúng hay sai ạ?
Với câu hỏi này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:
Về điều kiện hưởng BHXH một lần đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật BHXH năm 2014, khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động và Điều 8 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc và Điều 1 Thông tư số 18/2022/TT-BYT ngày 31/12/2022 sửa đổi Điều 4 Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế, người lao động mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật BHXH mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện;
b) Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục đóng BHXH;
c) Ra nước ngoài để định cư;
d) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS quy định tại khoản c điểm 1 Điều 60 Luật BHXH; người mắc các bệnh, tật có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
Về mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau:
a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014;
b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
c) Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Điều kiện hưởng BHXH một lần đối với người lao động tham gia BHXH tự nguyện.
Theo quy định tại Điều 77 Luật BHXH năm 2014 thì:
1. Người lao động quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đủ điều kiện về tuổi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 73 của Luật này nhưng chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội mà không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội;
b) Ra nước ngoài để định cư;
c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.
2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
a) 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014;
b) 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
c) Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
3. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của đối tượng được Nhà nước hỗ trợ thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
Như vậy, nếu bạn ra nước ngoài để định cư thì bạn thuộc đối tượng được giải quyết hưởng BHXH một lần. Bạn liên hệ với BHXH địa phương nơi cư trú để được hướng dẫn nộp hồ sơ và xem xét, giải quyết theo quy định.