Người dân khốn khổ vì trang trại nuôi lợn giữa khu dân cư
Theo phản ánh của người dân các thôn Đông Biên 2,3,4, xã Thanh An thì tình trạng ô nhiễm môi trường chỉ bắt đầu từ năm 2016, khi trên địa bàn xuất hiện cơ sở nuôi lợn với quy mô lớn nằm ở giữa khu dân cư. Tình trạng ô nhiễm môi trường đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe và gây xáo trộn cuộc sống và sinh hoạt của người dân.
Nước thải của cơ sở nuôi lợn xả thải trực tiếp ra môi trường.
Là Trưởng thôn Đông Biên 2 và cũng là nạn nhân chịu ảnh hưởng trực tiếp tình trạng ô nhiễm môi trường do cơ sở nuôi lợn gây ra ông Nguyễn Quốc Oai cho biết: "Từ ngày gia đình anh Đào Xuân Huyên xây dựng trại chăn nuôi lợn, cuộc sống của người dân bị đảo lộn nhiều. Không khí thường xuyên có mùi hôi thối nồng nặc từ cơ sở nuôi lợn đến khu dân cư, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Nhất là vào những ngày nắng nóng mùi hôi thối càng đáng sợ, khi đi ngủ tôi cũng phải đeo thêm khẩu trang. Nhà nào cũng phải đóng cửa kín, bật quạt liên tục mà không hết mùi. Thậm chí, đến bữa cơm, nhiều gia đình không thể ăn được bởi không khí nồng nặc mùi hôi thối xộc vào mũi".
“Không chỉ có vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường đã làm cho những trẻ em, người già, phụ nữ mang thai thường xuyên mắc các bệnh tiêu chảy, hô hấp và nhiễm khuẩn. Nhiều gia đình đã phải di dời đến nơi khác sống nhờ”, ông Nguyễn Quốc Oai bức xúc chia sẻ.
Năm nay, đã ngoài 70 tuổi, gia đình ông Trần Văn Đức thôn Đông Biên 4, là một trong nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nhất, bởi nhà ông nằm ngay cạnh khu cơ sở chăn nuôi lợn. Ông Trần Văn Đức cho biết: “không chỉ ô nhiễm môi trường không khí đến nay nguồn nước của giếng khơi cũng bị ô nhiễm. Nước giếng múc lên có màu đen, mùi hôi thối và không thể dùng vào bất cứ việc gì ngoài việc tận dụng để tưới cho cây cối.
“Người dân chúng tôi đã nhiều lần viết đơn gửi đến UBND xã, các cơ quan chức năng của huyện Điện Biên xuống xử lý, tuy nhiên mọi chuyện không có gì thay đổi”, ông Trân Văn Đức bức xúc nói.
Ông Trần Văn Đức ngậm ngùi nhìn giếng khơi bị bỏ hoang vì nước có mùi hôi thối
Đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Quốc Oai và ông Trần Văn Đức, tại thôn Đông Biên 2,4 anh Phạm Văn Trọng chia sẻ: “Những năm trước gia đình thuê lại hồ rộng hơn 4000 m2 của UBND xã để thả cá. Mỗi năm trừ chi phí gia đình anh cũng thu về lợi nhuận từ 30 – 40 triệu đồng, cuộc sống của gia đình cũng từ đó trở lên khấn khá. Từ khi có trang trại nuôi lợn xả thải ra hồ, mọi chuyện đã chấm dứt, cá nuôi bị chết, hồ trở thành hố chứa chất thải”.
“Trước tình trạng ô nhiễm môi trường người dân tại các thôn Đông Biên 2,3,4 đã có đơn kiến nghị tới các cấp chính quyền của huyện Điện Biên, tuy nhiên đến nay mọi sự vẫn không có gì thay đổi”, anh Phạm Văn Trọng bức xúc nói.
Để tìm hiểu rõ sự việc phóng viên báo Thời Đại đã làm việc với lãnh đạo UBND xã Thanh An. Tại đây bà Lò Thị Dương – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Việc cơ sở nuôi lợn của gia đình anh Đào Xuân Huyên gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường chính quyền xã đã biết và cũng đã có những động thái nhắc nhở gia đình phải có biện pháp đảm bảo môi trường.
Người dân phát hiện đường ống của cơ sở nuôi lợn xả thải ra môi trường
Theo tìm hiểu của PV ngày 20/9/2017, huyện Điện Biên đã cử một đoàn công tác liên ngành xuống làm việc với chủ cơ sở nuôi lợn về tình trạng ô nhiễm môi trường. Đoàn yêu cầu cơ sở nuôi lợn phải thực hiện nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường; thực hiện nghiêm túc các cam kết và kế hoạch bảo vệ môi trường đã được các cơ quan chức năng xác nhận nhằm giảm thiểu mùi, tiếng ồn và nước thải ra môi trường. Tất cả những việc làm trên phải thực hiện trước ngày 30/10/2017.
Tuy nhiên, đến nay đã gần 1 năm kể từ ngày đoàn kiểm tra yêu cầu cơ sở chăn nuôi lợn đảm bảo môi trường người dân các thôn Đông Biên 2,3,4 xã Thanh An vẫn phải khốn khổ đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin cho bạn đọc ở những bài tiếp theo.
Duy Linh