Ngôi nhà hữu nghị của sinh viên Lào tại thành phố Hồ Chí Minh
Hòa nhập văn hóa, cống hiến sức trẻ
Tết Trung thu 2022, du học sinh Lào đã có những giây phút vui vẻ, ấm áp trong chương trình “Trung thu hữu nghị” do Ký túc xá sinh viên Lào tại thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Hội Sinh viên trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Tham gia chương trình, các em có dịp tìm hiểu thêm về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết Trung thu ở Việt Nam, giao lưu tìm hiểu về các món ăn truyền thống của hai đất nước, trải nghiệm chế tác lồng đèn và cùng nhau phá cỗ rước đèn.
Sinh viên Lào vui Tết Trung thu ở Ký túc xá Lào tại thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Thanh Nhã). |
Sống ở Ký túc xá, các sinh viên Lào đã coi nơi đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Đều đặn vào một ngày chủ nhật trong tháng, các em tiến hành tổng vệ sinh ký túc xá, từ dọn dẹp vệ sinh phòng ở, các khu sinh hoạt cộng cộng đến loại bỏ các đồ dùng không còn sử dụng, kiểm tra và đậy kín các dụng cụ chứa nước để phòng chống bệnh sốt xuất huyết...
Mỗi phòng sinh viên Lào còn được Ký túc xá tặng hai loại rau xanh và đất để chăm sóc, góp phần tăng thêm diện tích mảng xanh tại Ký túc xá và cung cấp nguồn rau sạch cải thiện bữa ăn hàng ngày cho các em.
Các sinh viên Lào cũng nhiệt tình hòa mình cùng tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh khi tham gia các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè. Tháng 7 vừa qua, 28 bạn sinh viên Lào đã hăng hái tham gia chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh tại xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè. Các em coi đây là cơ hội để góp một phần sức trẻ cống hiến cho cộng đồng, đồng thời là môi trường để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao các kỹ năng cần thiết khi học tập tại thành phố. Qua đó, góp phần giới thiệu hình ảnh đẹp của sinh viên Lào đến với người dân, thanh niên thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.
Khoác trên mình chiếc áo xanh của Đoàn Thanh niên Việt Nam để chung tay thực hiện các hoạt động tình nguyện, Khaphone Bouathiphan (Trường đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Em rất vui vì không chỉ được học các kiến thức hữu ích cho công việc, mà còn được thực hiện các chuyến về nguồn, tìm hiểu các khu di tích lịch sử… như một người con của thành phố. Sau khi hoàn thành tốt nghiệp, hành trang em mang về nước là luận văn thạc sĩ về nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tổ chức hiệu quả công tác tài chính cho tỉnh đoàn Champasak, trên hết, là tình cảm yêu mến dành cho con người và mảnh đất này. Em tin rằng sẽ còn nhiều dịp quay lại thành phố Hồ Chí Minh công tác cũng như đón những đoàn công tác của thành phố Hồ Chí Minh sang Lào”.
Ngôi nhà hữu nghị
Ký túc xá sinh viên Lào tại thành phố Hồ Chí Minh không chỉ hỗ trợ việc học tập, ăn ở cho sinh viên mà còn hướng tới xây dựng mối quan hệ gắn kết, giao lưu các giá trị văn hóa và lịch sử của thế hệ trẻ Việt - Lào. Từ khi thành lập đến nay, Ký túc xá vẫn thường tổ chức những chuyến đi khám phá, tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, mà trước hết là các địa điểm du lịch, di tích lịch sử tại thành phố Hồ Chí Minh. Các em được trải nghiệm chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia” do Thành đoàn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh thực hiện; cùng thầy cô và các bạn đón tết Bunpimay truyền thống…
Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các em được Ban quản lý Ký túc xá quan tâm chăm lo, hỗ trợ các nhu yếu phẩm cần thiết. Chia sẻ với báo chí về thời điểm hơn một năm trước, Meksouly Silatikoun, sinh viên ngành y Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết: Cùng với yêu cầu giãn cách toàn thành phố, không khí tại ký túc xá sinh viên Lào (quận 3) luôn căng thẳng và trầm lắng.
Hàng ngày, các em vào trang tin của Bộ Y tế để theo dõi tình hình dịch bệnh. Thời điểm cả thành phố nặng nề với con số người nhiễm, tử vong tăng cao, các em không chỉ lo lắng cho bản thân, bạn bè, người dân thành phố, mà còn thắt lòng khi nghĩ đến gia đình ở quê nhà. Tuy nhiên, Ban quản lý Ký túc xá đã có nhiều hoạt động tăng cường tương tác trên mạng, trên fanpage, nhóm. Hàng tuần, các sinh viên tham gia cuộc thi tự quay clip về hoạt động thể dục thể thao để đưa lên diễn đàn, ai nhiều “like” nhất sẽ được thưởng. Nhờ vậy, các bạn chăm tập thể thao hơn và không khí trong Ký túc xá cũng dần có sức sống hơn.
Còn cựu du học sinh Lào Sisouvong Malivankham vẫn luôn nhớ về những kỷ niệm đẹp trong khoảng thời gian sống và học tập tại thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là sự chăm lo của các anh chị quản lý tại Ký túc xá sinh viên Lào cùng tình cảm nồng hậu của các bạn học Việt Nam và người dân thành phố Hồ Chí Minh.
Sisouvong kể, khi vừa đến thành phố Hồ Chí Minh học tập, anh rất rụt rè và hạn chế tiếp xúc với người lạ do cách biệt ngôn ngữ, văn hóa. Ban Quản lý Ký túc xá đã động viên, thuyết phục anh tham gia vào các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ do Ký túc xá tổ chức định kỳ, giúp anh hòa nhập tốt hơn với môi trường mới, đồng thời kết nối, phát triển thêm nhiều mối quan hệ bạn bè với sinh viên Việt Nam và quốc tế. Ký túc xá đã thực hiện nhiều chương trình tư vấn tâm lý, giải đáp thắc mắc hoặc hỗ trợ những du học sinh gặp khó khăn trong học tập và cuộc sống.
Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời, anh Sisouvong dần trở nên tự tin và chủ động tham gia nhiều chương trình, hoạt động dành cho sinh viên tại trường học và Ký túc xá để rèn luyện kỹ năng sống, mở rộng các mối quan hệ xã hội. Anh Sisouvong nhờ các du học sinh đồng hương đã sống tại Việt Nam nhiều năm cùng các bạn sinh viên người Việt giúp mình cải thiện vốn tiếng Việt để khắc phục tình trạng bất đồng ngôn ngữ, giúp anh học tập và giao tiếp dễ dàng hơn.
“Từ một du học sinh trẻ tuổi nhút nhát, thu mình, tôi đã trưởng thành, tự tin và sống mạnh mẽ giữa môi trường mới; thuận lợi hoàn thành chương trình Đại học. Tất cả đều nhờ có sự quan tâm, chăm sóc của các cấp, ngành và sự đồng hành, hỗ trợ của Ban Quản lý Ký túc xá, những người bạn Việt Nam và người dân thành phố Hồ Chí Minh thân thiện, hiếu khách. Suốt bốn năm sống tại đây, Thành phố và Ký túc xá như trở thành ngôi nhà thứ hai của tôi”, anh Siouvong nói.