Ngoại giao Việt Nam khẳng định vị thế đất nước
Nhà báo Gaston Fiorda, tác giả cuốn sách “Việt Nam, biên sử kháng chiến”. Ảnh: Diệu Hương/Phóng viên TTXVN tại Buenos Aires |
Nhà báo Gaston Fiorda, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á của Đài Phát thanh Quốc gia Argentina đã nhấn mạnh như trên khi đề cập những thành tựu của ngoại giao Việt Nam thời gian qua.
Trong các cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN, nhiều chuyên gia, học giả quốc tế nhất trí cho rằng "ngoại giao cây tre" của Việt Nam đã gặt hái những thành tựu mới có ý nghĩa lịch sử, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp hơn so với dự báo, làm nảy sinh những thách thức mới trong quan hệ quốc tế. Nguyên Phó Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Satyendra Pradhan nhận định “ngoại giao cây tre” giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và đảm bảo tăng trưởng kinh tế đất nước. Cụ thể, Việt Nam đã tạo dựng quan hệ đối tác chiến lược với các nước thuộc các khối khác nhau và bảo đảm duy trì nền độc lập nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia. Theo Tiến sĩ Thành Hán Bình - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam thuộc trường Đại học Công nghiệp Triết Giang (Trung Quốc), “ngoại giao cây tre” đã tạo nên những kỳ tích kinh tế lớn cho Việt Nam, trở thành độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á, đồng thời đưa vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng cao hơn, niềm tự hào của người dân ngày càng tăng.
Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia đánh giá: “Việt Nam đã tạo ra một mạng lưới quan hệ chính trị - ngoại giao rộng khắp, nhiều mặt với tất cả các nước lớn và các tổ chức đa phương quan trọng trên toàn cầu. Điều này đã giúp Việt Nam có được uy tín, vị thế cao trên cộng đồng quốc tế và hỗ trợ phát triển kinh tế của Việt Nam”.
Cùng chung quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Khương, công tác tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, lưu ý ngoại giao Việt Nam có những điểm rất đặc sắc mà thế giới phải học hỏi, đó là làm bạn với tất cả các nước, biến những cái gọi là hiềm khích, tiềm tàng trở thành sự hiểu biết chân thành lẫn nhau để xây dựng tương lai. Chính sách này không chỉ củng cố vị thế của Việt Nam, mà còn đem lại lợi ích cho khu vực và cả toàn cầu.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải - nghiên cứu viên Trung tâm Tương lai chính sách, Đại học Queensland (Australia) - nêu rõ thành tựu của trường phái "ngoại giao cây tre Việt Nam” chính là góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tạo môi trường hòa bình và thuận lợi để phục vụ phát triển đất nước; đồng thời có đóng góp tích cực và trách nhiệm vào đảm bảo an ninh, hòa bình và phát triển trong khu vực và trên thế giới, góp phần tạo cho Việt Nam "có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Ấy vậy mà, các thế lực thù địch, phản động, những tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam vẫn cố tình bóp méo, diễn giải sai lệch bản chất của trường phái "ngoại giao cây tre" hòng tạo cớ bôi nhọ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng và Nhà nước ta. Một số tổ chức và phần tử chống đối ở trong và ngoài nước dùng thủ đoạn "đánh tráo khái niệm", xuyên tạc rằng trường phái “ngoại giao cây tre” là “không có chính kiến, thiếu lập trường nhất quán”. Một số trang tin, báo, đài quốc tế có phiên bản tiếng Việt phát tán các bài viết với nội dung phiến diện, một chiều, dẫn những nhận định mang tính võ đoán, quy chụp về quan hệ của Việt Nam với các nước, rêu rao rằng "Việt Nam bị lệ thuộc, chịu sự chi phối của nước ngoài"; sử dụng chiêu thức bịa đặt, suy diễn mục tiêu, ý nghĩa các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước hòng bao biện cho luận điệu rằng chính sách ngoại giao của Việt Nam “không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi”, nếu không sẽ trở thành “lực cản” đối với sự phát triển đất nước. Các luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật như vậy rõ ràng là ý đồ phá hoại chủ trương ngoại giao của Việt Nam, gây chia rẽ, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước, kích động tư tưởng dân tộc cực đoan, làm “ngòi nổ” để truyền bá tư tưởng chống đối...
Có thể thấy rõ các thế lực thù địch đã cố tình phớt lờ thực tiễn sinh động và những thành tựu ngoại giao ấn tượng của Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là những quyết sách đúng đắn, những bước đi chủ động, sáng tạo trong triển khai chính sách đối ngoại, qua đó khẳng định sự hình thành, phát triển của trường phái "ngoại giao cây tre Việt Nam”. Việt Nam tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, trọng tâm là các nước láng giềng, đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống. Vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam với tư cách là thành viên tích cực, tin cậy, có trách nhiệm ngày càng được củng cố, nâng cao.
Việt Nam tiếp tục được cộng đồng quốc tế tín nhiệm bầu chọn tham gia nhiều tổ chức quốc tế: hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) (9/2022 - 9/2023); đảm đương Phó Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) lần thứ 42; trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025… Chỉ trong hơn 1 năm trở lại đây, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với thêm 4 quốc gia, gồm Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia. Cùng với Trung Quốc, Nga và Ấn Độ, Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 7 nước.
Nhiều chuyên gia nêu bật “ngoại giao cây tre” của Việt Nam là tổng hòa của sự chủ động, khả năng thích ứng cao trong một thế giới đầy biến động, đồng thời cũng khôn khéo, sáng tạo và mềm mỏng để "dung hòa" với tất cả các cực trong thế giới đa cực. Tiến sĩ Tomotaka Shoji, Giám đốc Ban nghiên cứu khu vực thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng của Bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định trường phái ngoại giao này phù hợp với môi trường chiến lược và bối cảnh lịch sử, cho thấy chính sách đối ngoại của Việt Nam không giáo điều mà thể hiện sự linh hoạt tùy theo đối tác và tình thế. Tiến sĩ Abed Akbari, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại Tehran (Iran) nhận định trong thời đại đầy biến động, Việt Nam đã xây dựng một trường phái đối ngoại “độc nhất và xuất sắc” giúp bảo vệ đất nước trước những mối đe dọa và tạo sự tin cậy trong mắt bạn bè thế giới. Điều đó cho thấy việc triển khai đường lối “ngoại giao cây tre” là hoàn toàn đúng đắn
Dư luận quốc tế cũng đề cao “tính cân bằng chiến lược” trong đường lối đối ngoại của Việt Nam. Trang nationalinterest.org (Mỹ) cho rằng “ngoại giao cây tre” có thể được mô tả là “cách tiếp cận cân bằng”, cho phép duy trì quan hệ ổn định đồng thời với cả các cường quốc lớn như Mỹ và Trung Quốc. Chia sẻ quan điểm trên, chuyên gia Peter Mumford thuộc Công ty Tư vấn về rủi ro chính trị toàn cầu Eurasia Group (trụ sở tại Mỹ) đánh giá: “Quan điểm chính sách đối ngoại của Việt Nam luôn là cân bằng giữa các siêu cường. Một phần trong chiến lược của Việt Nam là luôn duy trì mối quan hệ đặc biệt với Trung Quốc, đồng thời phát triển mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ và các cường quốc khác". Trong khi đó, chuyên gia Layton Pike, đồng sáng lập Viện Chính sách Việt Nam-Australia (AVPI), cho rằng Việt Nam tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận cẩn trọng, chủ động và nhất quán đối với các cường quốc toàn cầu, từ Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia..., qua đó Việt Nam đã chứng minh được chủ trương “làm bạn với tất cả các nước”.
Nhà văn Hàn Quốc Cho Chul Hyeon, tác giả cuốn sách đầu tiên trên thế giới viết riêng về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xuất bản tháng 5/2024, cho biết "ngoại giao cây tre" được đánh giá rất cao trên trường quốc tế vì cách thức Việt Nam triển khai chính sách ngoại giao hiệu quả với cả 3 cường quốc là Mỹ, Trung Quốc và Nga. Nêu bật việc lần lượt nguyên thủ 3 cường quốc đã đến thăm Việt Nam trong vòng 1 năm qua và thực hiện các hoạt động ngoại giao cấp cao nhất, nguyên Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Satyendra Pradhan khẳng định đây là thành công của "ngoại giao cây tre". Cuối năm 2023, trong bài viết đánh giá một loạt sự kiện ngoại giao nổi bật của Việt Nam: hai chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Mỹ; nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ và Nhật Bản, hãng tin Anh Reuters đã gọi đây là thành công từ sức mạnh của trường phái "ngoại giao cây tre”.
Quan trọng hơn, Việt Nam đã chứng tỏ là một trong những quốc gia đáng tin cậy nhất để thắt chặt quan hệ, như lời Tiến sỹ Ruvislei González Saez, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba-Việt Nam, Giám đốc Chương trình Quan hệ quốc tế tại Cuba. Chuyên gia Cuba nhấn mạnh Việt Nam là bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào các tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực, điều đó đã củng cố vị thế ngoại giao của Việt Nam, phù hợp với sự năng động ngày càng tăng của quốc gia Đông Nam Á này “như một trong những con hổ châu Á đang trỗi dậy”.
Có thể khẳng định trường phái "ngoại giao cây tre" đã mang lại cho Việt Nam vai trò ngày càng cao trên trường quốc tế, giúp Việt Nam thành công trong việc duy trì mối quan hệ với các cường quốc trong khi vẫn đảm bảo các lợi ích quốc gia. Những hoạt động đối ngoại sôi nổi của Việt Nam thời gian qua, sự tham gia chủ động và tích cực của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế đã thể hiện đầy đủ vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao của Việt Nam. Đó cũng là minh chứng sống động và rõ nét nhất cho thành tựu của "ngoại giao cây tre", bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, bóp méo chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Theo Trần Thanh Bình (TTXVN)
https://baotintuc.vn/thoi-su/ngoai-giao-viet-nam-khang-dinh-vi-the-dat-nuoc-20240828135706379.htm
Việt Nam - Trung Quốc đẩy mạnh giao lưu nhân dân, vun đắp tình hữu nghị truyền thống Ngày 19/8, tại Đại lễ đường Nhân dân, thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội kiến Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh. |
Hoạt động bang giao dưới triều Nguyễn qua tư liệu Ngày 22/8, tại website Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, đã diễn ra triển lãm 3D Bang giao triều Nguyễn: Giữa làn gió Đông - Tây. Triển lãm mang đến công chúng những trải nghiệm, khám phá thú vị, thông tin bổ ích, góc nhìn mới mẻ và hiểu biết sâu sắc hơn về hoạt động ngoại giao của Việt Nam dưới triều Nguyễn trong hơn 50 năm đầu độc lập, tự chủ (1802 - 1858). |