Ngoại giao nhân dân đặt nền móng cho quan hệ Việt Nam - Hà Lan
Đại sứ Hà Huy Thông. |
Thưa ông, đối ngoại nhân dân Việt Nam - Hà Lan có vai trò thế nào trong việc thúc đẩy quan hệ song phương hai nước?
Năm 2023, Việt Nam - Hà Lan kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, tuy nhiên thực tế quan hệ hai nước đã có lịch sử hình thành, phát triển hơn 420 năm. Theo các nhà sử học hai nước như Phan Huy Lê, John Kkeinen…, quan hệ hai nước bắt đầu vào khoảng năm 1601 khi những thương nhân người Hà Lan đầu tiên đến đến bờ biển ở Hội An của Việt Nam. Họ đã nhận được nhiều cử chỉ thân thiện của người dân Việt Nam bản xứ và triều đình nhà Nguyễn. Người Hà Lan và những người nước ngoài khác sinh sống, làm ăn ở đó đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế phong kiến Đàng trong, làm cho các ngành tơ lụa, gốm sứ…. của Việt Nam được biết đến ở nhiều nơi trên thế giới.
Từ thập kỷ 1640, sau khi ở Phố Hiến (nay là Hưng Yên) mấy năm, những người Hà Lan đầu tiên ở Việt Nam đã đến kinh đô Thăng Long (nay là Hà Nội) để kinh doanh làm ăn đến năm 1700.
Việt Nam và Hà Lan đều giáp biển, phải đối phó với bão tố biển cả, biến đổi khí hậu hơn 4000 năm nay. Về lịch sử, hai nước từng là nạn nhân của sự xâm lược, đô hộ của các thế lực bên ngoài, nhất là chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945). Có thể xem hai nước là đối tác và đồng minh tự nhiên, cùng đối phó những thách thức chung. Từ đó, nhân dân hai nước có thêm sự thấu hiểu, sẻ chia, gắn bó với nhau.
Nhân dân Hà Lan xuống đường biểu tình phản đối Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam tại thành phố Utrecht, tháng 1/1973. (Ảnh: NVCC) |
Trong những năm 60 và đầu 70, nhân dân Hà Lan đã nhiều lần xuống đường tuần hành, biểu tình truyền đi thông điệp mạnh mẽ phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Tháng 11/1968, những người Hà Lan yêu Việt Nam đã thành lập Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) hỗ trợ thuốc men cho những nơi bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhất ở Việt Nam. Khi Việt Nam còn bị bao vây, cấm vận, nhân dân hai nước đã thúc đẩy tăng cường hiểu biết và quan hệ hữu nghị, hợp tác và hỗ trợ nhân đạo.
Nửa thế kỷ qua, quan hệ hai nước không ngừng phát triển và tiến những bước dài, từ thiết lập quan hệ Đối tác về biến đổi khí hậu và quản lý nước (năm 2010) đến Đối tác toàn diện (năm 2019).
Có thể thấy, trong quan hệ Việt Nam – Hà Lan, ngoại giao nhân dân có vai trò quan trọng. Nhân dân hai nước không chỉ giữ vai trò đặt nền móng mà còn là động lực góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước. Nhân dân và doanh nghiệp là trung tâm của ngoại giao kinh tế hai nước. Lợi ích người dân là yếu tố quyết định hiệu quả dự án hợp tác.
Năm 2023, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Hội hữu nghị Việt Nam- Hà Lan sẽ có những sự kiện, hoạt động gì nổi bật?
Năm nay, kỷ niệm 50 năm thành lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hà Lan, đồng thời cũng kỷ niệm 10 năm thành lập Hội hữu nghị Việt Nam - Hà Lan (29/1/2013-29/1/2023). Hội đã phối hợp với phía Hà Lan, Hội hữu nghị ở các địa phương với Hà Lan tổ chức một số sự kiện, như giao lưu bóng đá tại Đại học Hàng hải Việt Nam ngày 25/2/2023.
Sắp tới, Hội sẽ tiếp tục phối hợp với các Hội hữu nghị Việt Nam - Hà Lan tại Hải phòng, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, các đối tác Hà Lan…. thúc đẩy một số hoạt động giao lưu, kết nối hợp tác khác.
Các hoạt động không chỉ góp phần đánh dấu chặng đường 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao mà còn là dịp để những người làm công tác Hội nhìn lại những kết quả đã đạt được, rút bài học kinh nghiệm từ đó đưa ra định hướng để tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.
Đại sứ Hà Huy Thông (thứ hai, từ phải sang) cùng Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar (ở giữa) tham dự Giao lưu bóng đá Việt Nam-Hà Lan tại Hải Phòng ngày 25/2. (Ảnh: NVCC) |
Theo ông, Hội hữu nghị Việt Nam - Hà Lan cần làm gì để nâng cao chất lượng, quy mô hiệu quả của quan hệ hợp tác, giao lưu nhân dân giữa hai nước trong thời gian tới?
Trước hết, Hội sẽ bám sát quan điểm ngoại giao nhân dân là một trong ba trụ cột (cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước) xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại đã được đề ra tại Đại hội XIII của Đảng.
Thứ hai, tham gia, phối hợp triển khai các thỏa thuận và dự án cụ thể, thiết thực giữa hai nước nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, thuỷ lợi, đối phó biến đổi khí hậu, quản lý nước, phát triển nguồn nhân lực…..
Thứ ba, tăng cường thông tin, tuyền truyền, hiểu biết và tin cậy giữa Hội và các đối tác phía Hà Lan. Hội sẽ tăng cường chia sẻ thông tin, viết bài, trả lời báo chí, triển khai các hoạt động nhằm tăng cường sự giao lưu, hiểu biết giữa nhân dân hai nước.
Thứ tư, thu hút cộng đồng người Việt ở Hà Lan hiện khoảng 25.000, trong đó có hơn 3.000 sinh viên và nghiên cứu sinh (đã thành lập Hội sinh viên ngày 18/10/2007), thanh thiếu niên, những người Việt đã từng học tập và làm việc tại Hà Lan tham gia, đóng góp nhiều hơn nữa vào các hoạt động của Hội.
Sự quan tâm và đầu tư của các cơ quan có thẩm quyền hai nước đóng vai trò định hướng để các nội dung trên thực chất hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!