Nghị sĩ trẻ Việt Nam tích cực đóng góp ý kiến về ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu
Trong tuần qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam (gồm 5 thành viên) do bà Đinh Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ khoá XV làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu IPU lần thứ 8 do Quốc hội Hy Lạp và Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) phối hợp tổ chức tại Thành phố Sharm El Sheikh, Ai Cập.
Đoàn nghị sĩ trẻ Việt Nam tham gia các phiên thảo luận về chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu IPU lần thứ 8. Ảnh: Đoàn cung cấp |
Tham dự Hội nghị có khoảng 200 đại biểu đến từ hơn 60 quốc gia và các tổ chức quốc tế. Hội nghị là diễn đàn hội tụ các nghị sĩ trẻ trên khắp thế giới cùng trao đổi và định hình các chiến lược chung nhằm trao quyền cho thanh niên.
Trong thời gian diễn ra Hội nghị, các nghị sĩ trẻ, đại diện các tổ chức quốc tế và các chuyên gia đã tham dự 4 phiên thảo luận để trao đổi về các giải pháp nhằm giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu và để đảm bảo tình trạng ấm lên toàn cầu không vượt quá mức 1,5 độ C theo Thỏa thuận chung Paris. Các chủ đề thảo luận bao gồm: Tình hình biến đổi khí hậu, tác động của biến đổi khí hậu với vấn đề nhân quyền; Hành động chống biến đổi khí hậu của Nghị viện; Phát huy vai trò của xã hội dân sự và sự tham gia của người dân trong hoạt động của Quốc hội; Hỗ trợ chống biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Đoàn cung cấp |
Tại Hội nghị lần này, Đoàn Việt Nam đã tham gia đóng góp ý kiến tại hầu hết các phiên thảo luận. Phát biểu tại Hội nghị, Đoàn Việt Nam chia sẻ quan ngại chung với các nước về tác động của vấn đề biến đổi khí hậu, thông tin về những nỗ lực của Quốc hội Việt Nam trong đó có các nghị sĩ trẻ trong việc ứng phó với vấn đề này từ việc ban hành pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho Chính phủ thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên, đưa cam kết thực hiện giảm phát thải khí nhà kính vào hệ thống pháp luật để toàn dân thực hiện. Thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch; tăng cường năng lực chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái. Quốc hội cũng tăng cường phân bổ nguồn lực cho thích ứng với biến đổi khí hậu, quan tâm các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Khẳng định chủ trương của Việt Nam vừa phát triển kinh tế để vươn lên, đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho người dân, đồng thời đóng góp trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Nội dung trao đổi của Đoàn Việt Nam tại Hội nghị đã nhận được sự quan tâm của các đoàn tham dự. Một số tổ chức quốc tế (OECD, FAO) cũng đã tiếp cận và bày tỏ mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong vấn đề đảm bảo an ninh lương thực, xây dựng ngân sách xanh và chống biến đổi khí hậu.