Nghị sĩ Mỹ: Trung Quốc "âm thầm tiếp tục" hoạt động tại Doklam, Ấn Độ vẫn án binh bất động
Hãng truyền thông NDTV (Ấn Độ) trích phát biểu của hạ nghị sĩ Mỹ Ann Wagner trong phiên điều trần của nhóm nghị sĩ về các vấn đề liên quan tới ASEAN tại Quốc hội Mỹ cho biết Trung Quốc đã "âm thầm tiếp tục" các hoạt động trên cao nguyên Doklam. Cả Ấn Độ và Bhutan đều chưa tiến hành bất kì động thái nào để ngăn chặn điều đó.
Cụ thể, trong phiên điều trần, bà Wagner đã đặt câu hỏi chất vấn bà Alice G Wells - một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ - về những hành động của Bắc Kinh tại khu vực Himalaya, đồng thời liên hệ với những động thái của nước này trên Biển Đông.
Căng thẳng giữa 2 nước Trung-Ấn đã lên đến đỉnh điểm hồi tháng 5/2017, trong cuộc "giằng co" đầy căng thẳng kéo dài 73 ngày trên cao nguyên Doklam gần biên giới Bhutan. Cuộc đối đầu này xảy ra sau khi New Delhi quyết định điều lực lượng quân đội đến ngăn chặn Trung Quốc xây dựng đường cao tốc tại Doklam.
-
Ông Tập chơi nước cờ khéo, Bộ Tứ lộ "mắt xích yếu" khi đối đầu Trung Quốc trên Biển Đông
Cuộc đối đầu 73 ngày nói trên đã kết thúc sau khi hai bên đồng thuận rút quân khỏi cao nguyên Doklam.
Kể từ đó đến nay vẫn chưa có báo cáo chính thức nào về việc Trung Quốc tiếp tục tiến hành các hoạt động tại khu vực này.
Tuy nhiên, theo hạ nghị sĩ Wagner: "Dù hai nước đã nhất trí rút quân, nhưng [gần đây] Trung Quốc lại âm thầm tiếp tục các hoạt động trên cao nguyên Doklam, và cả Bhutan lẫn Ấn Độ đều chưa có bất kì động thái nào để ngăn chặn điều đó. Tôi cho rằng hành động của Trung Quốc trên dãy Himalaya có điểm tương đồng với chính sách của họ trên Biển Đông."
"Liệu thất bại của chúng ta [Mỹ] trong việc ngăn chặn Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông sẽ có tác động như thế nào đến phản ứng của cộng đồng quốc tế trước những xung đột tại các khu vực biên giới trên dãy Himalaya?", bà Wagner đặt câu hỏi chất vấn đại diện Bộ Ngoại giao tại phiên điều trần.
Tuy nhiên bà Wagner không giải thích thêm về cáo buộc Trung Quốc tiếp tục hoạt động trên cao nguyên Doklam.
Đối với câu hỏi của hạ nghị sĩ Wagner, bà Wells, quyền Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách khu vực Nam và Trung Á, không đề cập trực tiếp vấn đề cao nguyên Doklam mà trả lời như sau: "Tôi cho rằng Ấn Độ đang bố trí lực lượng dày đặc bảo vệ biên giới phía Bắc, và điều này (tình hình tại biên giới phía Bắc) cũng là vấn đề chính phủ Ấn Độ hết sức quan tâm".
-
Trung Quốc bất ngờ 'làm thân' với Ấn Độ: Bắc Kinh không thể để tranh chấp Doklam tái diễn
Bà Wells khẳng định Mỹ cũng áp dụng chiến lược tương tự như trên Biển Đông tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đang ngày càng tăng cường quân sự hóa và gia tăng ảnh hưởng trên Biển Đông.
"Chúng ta [Mỹ] phải làm thế nào để duy trì khu vực mở cửa, để có an ninh hàng hải, và ngăn chặn việc quân sự hóa có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến 70% thương mại toàn cầu?
[Nước Mỹ] cần trao quyền tự chủ cho các quốc gia có chủ quyền, để họ tự lựa chọn đường hướng phát triển và hợp tác với các quốc gia khác", bà Wells nói.
New Delhi ngày hôm qua (26/7) đã bác bỏ lời khẳng định trên của nữ nghị sĩ Mỹ. Ngoại trưởng Ấn Độ VK Singh đã khẳng định Trung Quốc không có động thái mới trên cao nguyên Doklam và các khu lân cận.
Mặc dù chủ đề chính của phiên điều trần là yêu cầu về ngân sách của chính quyền ông Trump cho năm tài chính 2019, nhưng Chủ tịch tiểu ban, nghị sĩ Ted Yoho, lại đề cập đến những hành động hiếu chiến của Trung Quốc trong khu vực Nam Á.
"Cách tốt nhất để đối phó với Trung Quốc tại khu vực đó là gì?", ông Yoho chất vấn bà Wells và đã nhận được câu trả lời rằng tốt nhất là Mỹ không nên tìm cách cạnh tranh đến từng đồng bạc lẻ với Trung Quốc.
Bà Wells cũng nêu ý kiến rằng thay vì các khoản vay kì hạn không đem lại nhiều lợi nhuận, Mỹ nên đầu tư 850 tỉ USD vào khu vực này theo hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhiều hơn tổng số tiền Trung Quốc đã đầu tư trong khu vực.
Hồng Anh