Nghệ thuật tạo hoa văn của người Mông trở thành di sản
Tối 3/3, tỉnh Điện Biên tổ chức lễ công nhận nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông (Mông hoa), tại xã Sa Lông, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên là loại hình tri thức dân gian, nghệ thuật dân gian đặc sắc, lưu giữ kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong, dệt và thêu hoa văn trên trang phục truyền thống.
Hầu hết các sản phẩm như: váy áo, thắt lưng, khăn cuốn đầu, xà cạp… của đồng bào Mông đều dựa trên kỹ thuật thêu, trang trí chắp vải màu, vẽ sáp ong với các hình chữ thập, chữ đinh kết hợp với ô hình quả trám, tam giác.
Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông ngành Mông hoa, tại xã Sa Lông, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên là loại hình tri thức dân gian, nghệ thuật dân gian đặc sắc
Các sản phẩm này có kiểu hoa văn phong phú hàm chứa những giá trị đẹp đẽ, sự linh hoạt, khác biệt, không lẫn với các kiểu trang trí của các dân tộc khác và mang sự riêng biệt của người phụ nữ Mông.
Kỹ thuật tạo hình hoa văn trên vải còn cho thấy, người Mông hoa đã phản ánh cá tính, ước vọng của con người trong suốt chiều dài lịch sử phát triển.
Họ quan niệm hoa văn trên trang phục, đồ dùng sinh hoạt sẽ giúp người thường giao tiếp được với các thần linh, mời các thần linh tới nhà ban phát cho điềm lành, xua đi những điều dữ.
Mỗi họa tiết hoa văn đều thể hiện những khát vọng cao đẹp của con người. Đó là vốn tri thức dân gian quý giá phản ánh trình độ kinh tế, văn hóa, xã hội, lịch sử, dấu ấn thời đại, bản sắc văn hoá của những người nghệ nhân Mông hoa.
Vũ Lợi