Nghề rèn của người Mông được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Sáng 21/10, tại Trung tâm Hội nghị huyện Tủa Chùa đã diễn ra lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia nghề rèn của người Mông tỉnh Điện Biên.
Theo Quyết định số 1406/QĐ-BVHTTDL ngày 1/6/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nghề rèn thủ công truyền thống của người Mông tỉnh Điện Biên được công nhận vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Nghề rèn của người Mông tỉnh Điện Biên được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. (Ảnh: Báo Điện Biên) |
Nghề rèn của người Mông ở Điện Biên là một trong những nghề truyền thống lâu đời, gắn liền với hoạt động sản xuất của bà con người Mông. Để làm ra một sản phẩm, người thợ rèn phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ cắt sắt tạo hình, nung, đập, nhúng nước, rồi lại nung, đập, tới khi định hình được sản phẩm thì mài cho sắc, làm tay cầm.
Trong khâu tôi thép của người Mông có bí quyết riêng để tạo nên những sản phẩm nông cụ truyền thống có chất lượng cao, đó là khả năng nhìn màu thép để đưa vào tôi. Người Mông có nhiều cách tôi thép khác nhau, có loại thép thì tôi bằng nước, có cho một lượng muối vừa phải, có loại thì tôi bằng nước của thân cây chuối và cũng có thể là bằng dầu nhớt...
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lò Văn Tiến ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, ngành văn hóa và sự đóng góp của các thế hệ nghệ nhân, cộng đồng dân tộc Mông cùng bảo tồn, giữ gìn di sản văn hóa nghề rèn của người Mông.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể; tạo điều kiện, khuyến khích, động viên nghệ nhân và cộng đồng dân cư tích cực tham gia bảo vệ, tăng cường truyền dạy nghề rèn cho thế hệ trẻ. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức mở các lớp tập huấn, truyền dạy, xây dựng mô hình bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống của các dân tộc. Có giải pháp thiết thực, cụ thể giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống các dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội; góp phần đưa di sản thành tài sản, biến tiềm lực thành nguồn lực phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.