Ngành dầu khí và lời tiên tri của Hồ Chủ Tịch 65 năm trước
Thường thì khi nói về 1 sự việc sau khi đã trôi qua lớp lớp thời gian sẽ thấy dễ dàng, đơn giản hơn rất nhiều so với những nhận định và dự đoán trước đó. Đặc biệt là với những nội dung mông lung không thực tế, và trong những thời điểm cũng ít thực tế không kém. Nhưng phải như vậy, thì nó mới toát hết được tầm vóc và viễn kiến của người dự báo, ở đây tôi muốn nói về một sự việc xảy ra 65 năm trước. Khi đó Hồ Chủ Tịch đang cùng một số lãnh đạo của Azerbaijian thăm mỏ dầu sát bờ biển Baku (thủ đô của Azerbaijan) và nói rất cô đọng, súc tích về dầu khí ở biển cho tương lai của Việt Nam.
Năm 1959, thời điểm này không phải nói lại thì chắc ai cũng rõ cuộc chiến kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam khi ấy đang cam go thế nào. Về riêng kinh tế, miền Bắc khi ấy gần như chỉ là nông nghiệp, còn tất cả những lĩnh vực khác như công nghiệp, thương nghiệp (từ phổ biến thời kỳ đó khi nói về các hoạt động thương mại) …nói chung rất mờ nhạt. Trong thời kỳ đó, công nghiệp đồng nghĩa với điện lực, hoá chất, luyện kim, khai thác khoáng sản, còn với công nghiệp dầu khí, có lẽ vào lúc ấy nếu nói ra thì rất nhiều người còn đi tìm xem khái niệm của cụm từ này là gì.
Không hề có chút cường điệu hay xám hoá sự việc ở đây, bởi thực tế khi đó là vậy. Giờ đây khi xã hội quen nghe những con số nghìn tỷ và nghìn tỷ…nộp ngân sách của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), quen với những phần trăm tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, và rồi cảm giác như điều đó là chuyện hiển nhiên, khỏi cần phải ngỡ ngàng. Thế nhưng, 65 năm về trước mà dự cảm, xác quyết rồi đưa ra một yêu cầu như của Hồ Chủ Tịch thì đúng là chuyện chỉ có ở vĩ nhân.
Thực sự mà nói thì tầm nhìn của Hồ Chủ Tịch về dầu khí ở biển vào thời điểm đó đúng là điều không tưởng, ông Trần Quang Dũng, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng uỷ, Trưởng Ban Truyền thông và Văn hoá doanh nghiệp PVN, tâm sự.
Khi ấy, nếu nói khai thác dầu trên đất liền thì không phải là mới, vẫn ông Dũng cho biết, nhưng nói về dầu trên biển, và của một đất nước có tài nguyên biển nhưng chưa có bất cứ 1 tín hiệu khả dĩ nào về dầu mỏ như ở Việt Nam thì rất khác biệt.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm Azerbaijan vào tháng 7 năm 1959 |
Năm 1959, theo số liệu thống kê thì do hoàn cảnh đặc thù chiến tranh, sản xuất công nghiệp nói chung ưu tiên cho những ngành công nghiệp nặng, và sản phẩm xuất khẩu để thu ngoại tệ thì chủ yếu là than đá. Trong bối cảnh đó, thì cơ cấu kinh tế công và thương nghiệp của hậu phương lớn (một cách gọi miền Bắc, còn miền Nam là tiền tuyến lớn) như vậy là điều dễ hiểu. Nhưng ngược lại, sẽ không dễ hiểu nếu cũng trong bối cảnh đó, nói về một ngành công nghiệp ít người biết đến là dầu mỏ.
Cần phải nhắc lại những chuyện, theo ông Dũng là dường như là không tưởng này, để thấy nền móng của ngành dầu khí hôm nay đã được bắt đầu từ cách đây 65 năm, khởi phát từ những mong mỏi của người khai sinh ra Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Kế đó là một chuỗi những sự kiện mà chúng ta đều biết. Sau khi giải phóng miền Nam chưa đầy 3 tháng, ngày 20/7/1975 Bộ Chính trị họp lần đầu tại TP.HCM để định hình đường lối phát triển ngành dầu mỏ và khí đốt Việt Nam, trên cơ sở này, ngày 9/8/1975 Nghị quyết 244-NQ/TW của Bộ Chính trị về triển khai thăm dò dầu khí được ban hành (cũng gần như ngay sau đó, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam được thành lập vào ngày 20/8/1975 sau khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn Quyết nghị). Ngày 7/7/1988, Bộ Chính trị ban hành nghị quyết 15-NQ/TW về phương hướng phát triển ngành dầu khí đến năm 2000; Ngày 23/7/2015 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Hiện nay, một dự thảo Nghị quyết mới của Trung ương về phát triển ngành công nghiệp đặc biệt quan trọng này cũng đã được trình cấp thẩm quyền xem xét.
Sẽ là dài dòng nếu liệt kê ra đây những thành tựu, những con số về kết quả hoạt động của PVN. Những thành quả của ngành dầu khí hôm nay, ngoài việc xác định đúng tiềm năng và vị thế ngành dầu khí trong chiến lược phát triển của lãnh đạo quốc gia thì đương nhiên là kết tinh của trí tuệ tập thể, của nỗ lực không mệt mỏi của những cán bộ dầu khí, những thế hệ con người ở dầu khí.
Đương nhiên, cuộc đời không chỉ có trái ngọt và màu hồng. Ngành dầu khí cũng có những lúc trải qua thăng trầm, những thăng trầm mà có lẽ nếu rơi vào ngành khác thì chưa chắc đã gượng dậy được. Nhưng, nói như ông Trần Quang Dũng thì gen của người dầu khí đã giúp vượt qua tất cả!
“Nước nào có dầu mỏ thì sẽ giàu rất nhanh”, câu nói này của Hồ Chủ Tịch khi ở Baku đến nay là tròn 65 năm, và giá trị của tính thời sự trong câu nói giờ vẫn còn nguyên vẹn. Giờ đây tất nhiên tầm quy mô cùng ảnh hưởng của PVN đã rất khác so với những thủa ban đầu, và với gen của người dầu khí, tất cả đều có thể hy vọng vào một tương lai phát triển đầy chắc chắn. Đặc biệt trong điều kiện chính trị rất thuận lợi khi một Nghị quyết mới về ngành có thể sớm được ban hành và tạo nền tảng cho ngành cất cánh.