Nga cảnh báo tấn công khu vực có căn cứ Mỹ ở Syria: Moscow nói là làm hay chỉ "dọa suông"?
Nga chuẩn bị tấn công vào At Tanf?
Trong những ngày gần đây, Nga được cho là đã cảnh báo Mỹ ít nhất 2 lần rằng họ, cùng với quân chính phủ Syria, sẵn sàng tấn công vào khu vực gần biên giới với Iraq và Jordan – nơi lực lượng đối lập do Mỹ hậu thuẫn đang chiếm quyền kiểm soát.
Lời đe dọa này được đưa ra sau khi Mỹ, cùng một số bên khác, lên tiếng cảnh báo Kremlin và Tổng thống Syria Bashar Al Assad về cuộc tấn công liều lĩnh nhằm vào Idlib – thành trì cuối cùng của phiến quân ở tây bắc Syria.
CNN là hãng tin đầu tiên đưa thông tin về căng thẳng gia tăng tại căn cứ biên giới của Mỹ gần thành phố At Tanf (hoặc Al-Tanf). Theo nhà phân tích Joseph Trevithick trên trang mạng Drive, hiện chưa rõ tuyên bố của Nga là dấu hiệu của một chiến dịch tấn công sắp diễn ra hay đơn thuần là một lời đe dọa chung chung nhằm vào căn cứ này.
"Chúng tôi khuyến cáo Nga nên tránh xa At-Tanf. Chúng tôi sẵn sàng cho các hành động đáp trả" – một quan chức giấu tên nói với CNN.
Vị này cũng nhấn mạnh rằng, các lực lượng Mỹ có quyền tự vệ nếu căn cứ của họ bị đe dọa. Hiện lực lượng do Mỹ dẫn đầu đang thường xuyên tuần tra "vùng cấm" rộng 55km xung quanh căn cứ At Tanf.
"Mỹ không tìm cách chống lại chính phủ Syria hay bất cứ tổ chức nào hỗ trợ họ. Tuy nhiên, nếu bị tấn công, Mỹ sẽ không nề hà sử dụng lực lượng cần thiết và tương xứng để bảo vệ Mỹ, đồng minh và các lực lượng đối tác" – Một quan chức khác tuyên bố với CNN.
Lần này, Moscow có thực sự "nói là làm"?
Theo ông Trevithick, lực lượng đặc nhiệm Mỹ, Jordan và các đơn vị/hệ thống hỗ trợ (trong đó có các hệ thống rocket cơ động cao trên khung gầm xe tải HIMARS) hiện đang kiểm soát khu vực này cùng với các thành viên của Maghawir al-Thawra – một nhóm phiến quân Syria còn được biết đến với tên gọi "Revolutionary Commando Army".
Thử nghiệm hệ thống phóng rocket HIMARS tại At Tanf
Hiện không rõ Nga đã thông qua phương thức nào để thông báo với Mỹ về việc họ sẵn sàng tiến vào khu vực At Tanf. Có khả năng Moscow đã dùng đường dây nóng mà hai phía đã thiết lập trong nhiều năm qua để tránh nguy cơ va chạm tại Syria.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, các quan chức Mỹ từng thất bại trong việc sử dụng hệ thống này để chấm dứt các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng do Mỹ hậu thuẫn tại At Tanf, cũng như ở tây bắc Syria. Điều đó khiến chúng ta phải đặt câu hỏi về tính hiệu quả của nó.
Ông Trevithick cho hay, trước khi lời cảnh báo mới của Moscow được đưa ra, máy bay chiến đấu Nga từng tấn công vào khu vực gần At Tanf năm 2016, tiêu diệt nhiều phần tử phiến quân thuộc tổ chức "Quân đội Syria mới" (New Syrian Army) tại đây. Lần này, lời đe dọa của họ đã khiến Mỹ phải triển khai lực lượng tăng cường tới khu vực.
Trong năm 2017, lực lượng do Mỹ hậu thuẫn tại Syria đã đẩy lùi nhiều cuộc tấn công do quân chính phủ Syria, với sự hỗ trợ của Iran, tiến hành (trong đó huy động nhiều xe tăng, xe bọc thép và pháo).
Các cuộc không kích của Mỹ cũng trở thành phương tiện để bảo vệ căn cứ At Tanf , và các máy bay chiến đấu F-15E Strike Eagle của Không quân Mỹ đã bắn hạ 2 máy bay không người lái tiên tiến của Iran trong các cuộc giao tranh riêng rẽ.
Tiền đồn của Mỹ tại At Tanf tiếp tục trở thành cái gai trong mắt chính quyền Syria, ngăn Assad, cùng hai đồng minh Nga và Iran, tái khẳng định hoàn toàn quyền lực của mình ở phần phía nam Syria.
Đối với Iran, đây là trở ngại lớn khiến nước này không có được tuyến đường bộ nối liền mạch từ lãnh thổ Iran cho tới một số vùng ở Lebanon – nơi tổ chức phiến quân Hezbollah do Iran hậu thuẫn đang hoạt động.
Các phương tiện của lực lượng đặc nhiệm Mỹ, cùng trực thăng UH-60 Black Hawk gần At Tanf năm 2017. Ảnh: US Army
Tuy nhiên, theo ông Trevithick, lời đe dọa mới nhất của Nga có vẻ có liên quan đến những cảnh báo trước đó của Mỹ về khả năng can thiệp nhằm đáp trả cuộc tấn công của quân chính phủ Syria vào tỉnh Idlib.
Dường như nó mang theo một thông điệp rõ ràng từ Kremlin rằng, Nga có thể sẽ trả đũa bất cứ sự can thiệp nào của Mỹ, bằng cách tấn công vào At Tanf.
-
Sau 3 tháng bám đuôi Kilo tới tận Syria, NATO vẽ viễn cảnh đáng sợ về uy lực của tàu ngầm Nga
Trước đó, trang mạng Drive từng đặt ra khả năng Nga tiến hành chuỗi động thái này để đáp trả các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình của liên quân Anh-Pháp-Mỹ nhằm vào Syria trong tháng 4/2018.
Tuy nhiên cuối cùng, Nga đã lựa chọn không tiến hành bất cứ hành động quân sự công khai nào nhằm vào các nhóm lực lượng do Mỹ hậu thuẫn, dù ở At Tanf hay đông Syria.
Giờ đây, khi Mỹ một lần nữa cảnh báo rằng họ có thể tiến hành các đợt tấn công mới chống lại chính phủ Syria do chiến dịch nhằm vào Idlib, đặc biệt là trong trường hợp quân Assad sử dụng vũ khí hóa học, thì Nga đã quyết định có một bước đi quyết liệt hơn.
Moscow đã điều chuyển một lượng lớn máy bay và tàu chiến tới khu vực này, trên danh nghĩa là để tập trận nhưng có thể thấy rõ, đợt hành quân này là nhằm răn đe quân đội Mỹ, cũng như hỗ trợ chiến dịch sắp diễn ra của quân Assad.
Ông Trevithick nhận định, hiện vẫn còn phải chờ xem liệu Nga hoặc Syria có làm theo những lời đe dọa mới nhất của họ để "hất cẳng" Mỹ và đối tác của Washington ra khỏi At Tanf hay không. Tuy nhiên, ít nhất tính tới thời điểm hiện tại, thì quân đội Mỹ và tổ chức phiến quân Maghawir al-Thawra không có ý định rời khỏi nơi này.
Vy Lam