Nền móng vững chắc cho tương lai Việt Nam-Nhật Bản
Đại sứ Phạm Quang Hiệu phát biểu trong buổi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới thăm cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và cộng đồng người Việt, ngày 27/11/2023. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Năm 2023 là năm đặc biệt trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, đánh dấu cột mốc 50 năm phát triển của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác sâu rộng, ngày càng bền chặt giữa hai bên.
Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản chính thức được thiết lập vào ngày 21/9/1973. Trải qua nhiều thăng trầm, thay đổi của tình hình thế giới, khu vực và của mỗi nước, quan hệ hai nước chứng kiến sự phát triển nhanh chóng, vượt bậc và toàn diện, đến nay đã trở thành đối tác hết sức quan trọng của nhau, chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược chung.
Động lực tiếp nối động lực
Theo Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, điểm nhấn nổi bật trong năm 2023 là hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (26-30/11). Đây là nền tảng vững chắc để hai nước tiếp tục xây dựng mối quan hệ gắn bó bền chặt hơn trước những thay đổi nhanh chóng ở quy mô toàn cầu và khu vực.
Một điểm rất thuận lợi cho quan hệ Việt Nam-Nhật Bản là ngay sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên tầm mức Đối tác chiến lược toàn diện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có chuyến tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Nhật Bản, tại Tokyo (15-18/12).
Đại sứ Phạm Quang Hiệu cho rằng, chuyến thăm tiếp tục tạo động lực mạnh mẽ cho việc tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, đưa quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất. Trước đó vào cuối tháng Năm, Thủ tướng Kishida đã mời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm làm việc và dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima (18-21/5), thể hiện sự coi trọng lớn của Nhật Bản đối với vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Về phía Nhật Bản, các chuyến thăm Việt Nam của Hoàng Thái tử Akishino, Chủ tịch Thượng viện Otsuji Hidehisa trong tháng 9/2023, Bộ trưởng Ngoại giao Kamikawa trong tháng 10/2023 và nhiều Thống đốc các địa phương Nhật Bản làm “dày thêm” sự hiểu biết, tình cảm quý trọng lẫn nhau ở các cấp, có lợi cho việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ hai nước trong thời gian tới.
Mọi lĩnh vực đều có điểm nhấn
Điểm lại các khía cạnh hợp tác của quan hệ song phương, Đại sứ Phạm Quang Hiệu bày tỏ niềm vui khi mọi lĩnh vực đều có nhiều điểm nhấn. Về thương mại - đầu tư, trong năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 44 tỷ USD; Nhật Bản đầu tư 3,2 tỷ USD vào Việt Nam.
Giao lưu nhân dân, hợp tác giáo dục và văn hóa được chú trọng thúc đẩy. Hiện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản có hơn 520.000 người, trong đó du học sinh là gần 40.000. Trong năm, hai bên tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác văn hóa lớn kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ tại cả hai nước. Các lễ hội lớn như Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản, Lễ hội Việt Nam tại Kanagawa, Saitama, Aichi, Nagoya... Lễ hội Nhật Bản tại Việt Nam, Lễ hội Kanagawa tại Hà Nội, Hokkaido tại Hạ Long... thu hút hàng trăm nghìn lượt người dân hai nước tham dự. Vở Opera “Công nữ Anio” công diễn đúng dịp kỷ niệm, được dư luận đánh giá cao, góp phần thắt chặt tình cảm chân thành, tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
Bên cạnh đó, trong năm qua, giao lưu, hợp tác địa phương là điểm sáng với hơn 40 đoàn lãnh đạo địa phương Việt Nam sang Nhật Bản và hơn 10 đoàn Nhật Bản sang Việt Nam. Nhiều địa phương hai nước có quan hệ gắn bó, ký kết hợp tác trên các lĩnh vực, tạo xung lực mới cho quan hệ hai nước.
Ngoài ra, du lịch là lĩnh vực phục hồi mạnh mẽ, năm 2023 có hơn 550.000 lượt khách du lịch Việt Nam sang Nhật Bản, vượt qua kỷ lục đạt 495.000 lượt năm 2019 (trước đại dịch), số lượng khách Nhật Bản sang Việt Nam cũng tương đương.
“Có thể nói, năm 2023 mở ra một trang mới trong quan hệ hai nước, đặt nền móng cho quan hệ trong nhiều năm tiếp theo”, Đại sứ Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh.
Cụ thể hóa nội hàm hợp tác
Trên đà tốt đẹp của quan hệ song phương, Đại sứ Phạm Quang Hiệu đặt mục tiêu trong năm 2024, Đại sứ quán sẽ phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành hai nước triển khai các thỏa thuận cấp cao đạt được trong chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (11/2023) và Thủ tướng Phạm Minh Chính (12/2023); cụ thể hóa nội hàm Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới; thúc đẩy quan hệ hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới thực chất, hiệu quả, sâu rộng hơn.
Đồng thời, Đại sứ nhấn mạnh việc tiếp tục tăng cường quan hệ chính trị tin cậy, hiệu quả, thực chất; xây dựng quan hệ gắn bó mật thiết giữa lãnh đạo cấp cao, các giới, các ngành và nhân dân hai nước.
Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đặt trọng tâm vào công tác ngoại giao kinh tế; nâng cao chất lượng, đưa hợp tác kinh tế đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả; thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, chuyển giao công nghệ; hợp tác trong lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, cơ sở hạ tầng chất lượng cao... Bên cạnh đó tăng cường hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội hai nước.
Công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ bà con yên tâm sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản tiếp tục được Đại sứ quán chú trọng trong năm 2024 nhằm chung tay xây dựng cộng đồng đoàn kết, vững mạnh. “Chúng tôi cũng phát huy tinh thần tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, văn hóa, giao lưu nhân dân, trong đó đặc biệt là thúc đẩy quan hệ địa phương hai nước để củng cố nền tảng vững chắc cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước”, Đại sứ Phạm Quang Hiệu bổ sung.
Luôn có nhau trong mọi hoàn cảnh
Ngay ngày đầu tiên của năm mới 2024, Nhật Bản đã phải hứng chịu một trận động đất rất lớn với tâm chấn ở bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Chỉ số cường độ địa chấn ở trận động đất ở Ishkikawa đã đến mức 7, mức cao nhất theo thang đo động đất tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, theo Đại sứ Phạm Quang Hiệu, với tâm thế luôn sẵn sàng ứng phó với các trận động đất lớn có thể xảy ra, sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho các tình huống thảm họa của chính quyền và người dân, một lần nữa người Nhật Bản lại khiến cả thế giới phải nể phục vì tính kỷ luật, điềm tĩnh, kiên cường của mình.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản cảm nhận trong những thời khắc vô cùng khó khăn như những ngày qua, ngay tại những nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi động đất, không hề ghi nhận bất kỳ thông tin nào về sự hỗn loạn, mất trật tự hay cướp phá. Cuộc sống của nhiều người dù bị mất nhà cửa, không điện nước, thiếu thốn thực phẩm, thức ăn song mọi người vẫn tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn của chính quyền địa phương, không hề hoảng loạn hay dẫn đến cướp bóc, người dân giúp đỡ lẫn nhau.
“Đấy chính là yếu tố rất quan trọng, giúp giảm thiểu các thiệt hại về người và của, giúp chính quyền và người dân nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường”, Đại sứ Phạm Quang Hiệu nhận định.
Với hơn 5.000 người Việt sinh sống, làm việc tại tỉnh Ishikawa, trong đó có khoảng 600 người tại tâm chấn bán đảo Noto, theo Đại sứ Phạm Quang Hiệu, ngay trong chiều ngày 1/1, Đại sứ quán đã thành lập nhóm công tác chuyên trách về tình hình cộng đồng người Việt bị ảnh hưởng bởi động đất do Đại sứ trực tiếp chỉ đạo. Trong suốt những ngày qua, nhóm công tác đã theo sát tình hình, thường xuyên cập nhật các thông tin liên quan; trực tiếp xuống các khu vực bị ảnh hưởng tại tỉnh Ishikawa tìm hiểu, thăm hỏi, động viên bà con.
Đại sứ quán đã làm việc với chính quyền trung ương và các địa phương, công ty tiếp nhận lao động Việt Nam bị ảnh hưởng, cơ quan chức năng của Nhật Bản với mục đích tính mạng, an toàn của bà con là trên hết, trước hết; đồng hành cùng doanh nghiệp và địa phương sớm giúp người lao động Việt Nam ổn định công việc, cuộc sống. Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản có nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ người Việt Nam và người dân Nhật Bản tại khu vực bị động đất.