Nậm Pồ (Điện Biên): Kiên quyết đấu tranh đẩy lùi tà đạo
Cứ 1 tuần 1 buổi vào ngày cuối tuần, 39 hộ dân với 215 nhân khẩu bản Huổi Đáp, xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, lại tập trung tại nhà trưởng nhóm đạo để đọc kinh thánh và cầu nguyện. Ông Thào A Giàng, người dân bản Huổi Đáp cho hay: Những nội dung sinh hoạt của bà con ngợi khen Chúa, cầu nguyện cho cuộc sống an lành. Chúa dạy bà con sống phải tốt đời đẹp đạo, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước. Thuộc hệ phái Tin Lành được pháp luật Việt Nam công nhận và cho phép hoạt động, thế nên trong những năm qua, bà con nhân dân trong bản Huổi Đáp luôn chấp hành nghiêm mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thường xuyên giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật. |
Thế nhưng những câu chuyện như vậy không phải địa bàn nào ở biên giới Nậm Pồ cũng có được. Theo số liệu thống kê, toàn huyện Nậm Pồ hiện có hơn 4.200 hộ với hơn 25.000 nhân khẩu, thuộc 15 xã của hơn 120 thôn bản. Là địa bàn rộng, Nậm Pồ lại có nhiều thành phần dân tộc thiểu số sinh sống, cộng với trình độ nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân còn hạn chế, đời sống gặp nhiều khó khăn... Đây chính là cơ hội để các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tụ tập đông người; lôi kéo người dân theo tà đạo “Giê Sùa”, gây phức tạp về an ninh trật tự tại cơ sở. Cụ thể trong 4 năm trở lại đây, trên địa bàn huyện biên giới này đã có 78 hộ với 460 nhân khẩu, tập trung tại 2 xã Na Cô Sa và Chà Cang, bị ảnh hưởng bởi tà đạo Giê Sùa.
Khác biệt của tà đạo “Giê Sùa” với các hệ phái tôn giáo khác là: Không thừa nhận tên Chúa là Giê su; chuyển ngày sinh hoạt từ Chủ nhật sang thứ Bảy hàng tuần; không tổ chức Lễ Giáng sinh, Lễ Phục sinh hàng năm… Điều đáng nói, thông qua hoạt động tuyên truyền, các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện âm mưu lợi dụng vấn đề tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động tư tưởng ly khai nhằm chống phá Nhà nước ta.
Trước tình hình đó, huyện Nậm Pồ đã triển khai các biện pháp để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động của các hội, nhóm hoạt động tà đạo. Trao đổi với Trung tá Vì A Dũng – Phó Trưởng Công an huyện Nậm Pồ cho biết: Trước mắt là giao cho lực lượng chức năng nắm tình hình, báo cáo, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống tà đạo. Trong đó kiên quyết xử lý các đối tượng đã được xác định có hoạt động tà đạo "Giê Sùa" để kịp thời ngăn chặn. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng tích cực vận động quần chúng Nhân dân kịp thời phát hiện, thông báo cho cơ quan chức năng các hoạt động vi phạm của các đối tượng liên quan đến các loại tà đạo trên địa bàn, để kiên quyết đấu tranh và xử lý.
Một biện pháp khác không thể bỏ qua là: tuyên truyền, vận động nhân dân đề phòng và ngăn chặn các đối tượng hoạt động tà đạo. Cụ thể trong năm 2020 lực lượng Công an huyện Nậm Pồ đã tổ chức 52 buổi họp dân với hơn 2.600 lượt người tham gia để tuyên truyền vận động nhân dân không tin, không nghe theo luận điệu tuyền truyền của kẻ xấu. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an đã triệu tập, đấu tranh vô hiệu hóa các đối tượng cầm đầu. Nhờ đó đến nay tình trạng này đã được giải quyết triệt để, hầu hết người dân lầm đường lạc lối đã cam kết từ bỏ tà đạo Giê Sùa để quay trở lại hoạt động theo hệ phái tôn giáo đã được Nhà nước công nhận.
“Chúng tôi sẽ phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị tại địa phương, của toàn dân, nhất là những người có uy tín trong tôn giáo tham gia với cấp ủy, chính quyền, tuyên truyền các hộ, khẩu theo tà đạo Giê Sùa quay trở lại sinh hoạt theo hệ phái tôn giáo cũ. Năm 2019, 2020 chúng tôi đã tiến hành rà soát, truy bắt những đối tượng cầm đầu, hiện nay trên địa bàn không còn hộ nào, khẩu nào bị ảnh hưởng tà đạo Giê Sùa.” Trung tá Vì A Dũng nói thêm.
Sau khi được tuyên truyền, vận động người dân đã nhận thức từ bỏ tà đạo trở về với phong tục tập quán của cha ông. |
Trao đổi với ông Lê Khánh Hòa – Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ cho biết: Một trong những giải pháp khá quan trọng đã và đang được huyện biên giới Nậm Pồ triển khai - đó chính là cấp phép hoạt động cho các điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo đã được pháp luật Việt Nam công nhận. Điều này không chỉ tạo niềm vui, phấn khởi cho người dân, mà còn là thuận lợi cho chính quyền địa phương trong quá trình quản lý. Sau khi có Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016, thì việc sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của bà con rất thuận lợi. Trước đây thời gian sinh hoạt tập trung của các điểm nhóm tôn giáo phải từ 20 đến 25 năm trở lên mới được đăng ký hoạt động, thì nay chỉ cần 5 năm sinh hoạt liên tục thường xuyên sẽ được đăng ký hoạt động. Qua rà soát, vận động tuyên truyền, đến nay Nậm Pồ đã có 92/101 điểm nhóm tôn giáo được cấp phép hoạt động, đây đang là địa phương thành công nhất trong việc cấp phép cho các điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo hợp pháp./.