Mua thuốc cho con, cha mẹ phải khai cả số CMND
Theo quy định mới, đơn thuốc cho trẻ dưới 72 tháng buộc phải có số CNMD hoặc thẻ căn cước của cha mẹ trẻ. (Ảnh: Châu Anh)
Theo đơn thuốc mẫu được quy định trong phụ lục Thông tư 52 của Bộ Y tế ký ngày 29/12/2017 về kê đơn thuốc ngoại trú, đơn thuốc ngoại trú cho trẻ dưới 72 tháng tuổi được yêu cầu bao gồm các thông tin về họ tên, tuổi của trẻ; họ tên, tuổi cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ; số CMND/thẻ căn cước của cha mẹ, người giám hộ và địa chỉ gia đình, sau đó mới đến các thông tin như số thẻ bảo hiểm y tế, chẩn đoán, các thuốc được kê và lời dặn dò với gia đình.
Quy định làm khó
Ngay khi thông tư này mới ra đời, giới bác sĩ nhi khoa đã rất băn khoăn về việc này bởi quy định ghi số CMND/thẻ căn cước của cha mẹ, người giám hộ của trẻ không mang đến lợi ích gì mà lại gây khó cho gia đình, nhất là trường hợp gia đình vội đi chữa bệnh cho con không mang theo CMND/thẻ căn cước, hoặc người đưa trẻ đi khám bệnh không phải là cha mẹ, người giám hộ của trẻ.
"Nếu đã có quy định mà bác sĩ không ghi thì không thực hiện đúng đơn thuốc mẫu, nhưng nếu cha mẹ trẻ không mang hoặc không nhớ số CMND/thẻ căn cước thì chẳng lẽ lại yêu cầu họ về nhà lấy" - bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh, băn khoăn,
Ông Trần Minh Điển, phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cũng lo ngại quy định này khó khả thi. Theo ông, trong hồ sơ điều trị nội trú của trẻ cần ghi số CMND, thẻ căn cước của cha mẹ, người giám hộ cho trẻ vì lo ngại có gia đình cung cấp số CMND không chính xác và sau đó không thanh toán chi phí khám chữa bệnh.
Còn kê đơn thuốc ngoại trú thì gia đình bệnh nhân sẽ chi trả tiền mua thuốc tại hiệu thuốc, trẻ dưới 6 tuổi thì quy định hiện hành là 100% trẻ đều được ngân sách nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, nên cần xem xét tính khả thi của quy định này.
Từ ngày 1/3, đơn thuốc ngoại trú cho trẻ dưới 72 tháng tuổi yêu cầu thêm số CMND hoặc thẻ căn cước của cha mẹ, người giám hộ cho trẻ, nhưng các bác sĩ cho rằng điều này khó khả thi. (Ảnh: L.Anh)
Không đẩy phiền hà
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một bác sĩ nhi khoa bình luận có lẽ những người xây dựng quy định này lo ngại phụ huynh sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của trẻ này để đưa trẻ khác đi khám chữa bệnh, bởi nếu về quản lý thì người lớn đi khám chữa bệnh hiện phải mang theo giấy tờ tùy thân có ảnh kèm thẻ bảo hiểm y tế, nhưng trẻ em thì không có yêu cầu này kèm theo nên không có cách để quản lý.
"Rất khó để thực hiện vì nhiều cha mẹ, người giám hộ không có CMND/thẻ căn cước, nhiều người khi đưa con đi khám bệnh cũng quên đem theo và vì thế không thể thực hiện được yêu cầu như trong đơn thuốc mẫu, nhưng nếu cứ yêu cầu gia đình cung cấp thì lại gây phiền hà cho thân nhân bệnh nhi" - bác sĩ này cho hay.
Ông Lê Văn Phúc, phó trưởng ban phụ trách ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cũng rất băn khoăn về quy định này. Theo ông, trẻ em dưới 72 tháng tuổi nào cũng được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, vì vậy yêu cầu cung cấp số CMND hoặc thẻ căn cước của cha mẹ, người giám hộ cho trẻ không liên quan đến phía bảo hiểm.
Để tăng cường giám sát việc sử dụng thẻ, thay vì mỗi lần đi khám lại yêu cầu cung cấp số CMND của cha mẹ trẻ như trong đơn thuốc mẫu, một chuyên gia y tế góp ý ngay khi cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 72 tháng tuổi thì có thể đề nghị gia đình cung cấp số CMND/thẻ căn cước, ở khâu in ấn in luôn lên thẻ và hậu kiểm bằng cách scan mã thẻ.
"Tuy không thể quản lý hết nhưng cũng sẽ đỡ khó khăn phiền hà cho gia đình bệnh nhi" - chuyên gia này cho hay.
Lấn cấn Chị Nguyễn Thị N. có con dưới 72 tháng tuổi cho hay trong thẻ bảo hiểm y tế của con chị có ghi tên bố cháu bé, khi chị đưa con đi khám ở bệnh viện huyện, bác sĩ yêu cầu xuất trình CMND của bố cháu mà bố làm việc cách nhà 500km! Ngày 1/3 tới đây, đơn thuốc mẫu này bắt đầu được đưa vào sử dụng, nhưng chưa áp dụng đã lấn cấn vì phải xem xét tính khả thi. |
Theo Tuổi trẻ