Mạng xã hội: cầu nối văn hóa, giới trẻ Việt Nam - Campuchia
Xóa nhòa khoảng cách địa lý
Bài viết của Pheach Theavy nhận được nhiều lượt yêu thích từ bạn bè Campuchia và Việt Nam. |
Những ngày đầu tháng 8, Pheach Theavy (quốc tịch Campuchia, sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội) trở về Campuchia tận hưởng kỳ nghỉ hè kéo dài hơn một tháng. Trên trang Facebook cá nhân của Theavy đã đăng tải bài viết về chuyến du lịch cùng gia đình với dòng trạng thái: “Cuối tuần đi chơi cùng gia đình. Cuối tuần trước ở Kong Koh, tuần này ở Kampot - Kep”.
Kèm theo đó là những bức ảnh gia đình Pheach Theavy tận hưởng khung cảnh thiên nhiên tại các địa danh nổi tiếng của Campuchia. Bài viết nhanh chóng nhận được nhiều lượt yêu thích từ không chỉ bạn bè Campuchia mà còn từ những người bạn Việt Nam. Phía dưới bài viết xuất hiện nhiều bình luận bằng tiếng Việt như “Tất cả mọi người đều đẹp và xinh”; “Biển Campuchia đẹp quá, khi nào dẫn mình đi nhé”…
Bên cạnh Facebook, những màn tương tác trực tuyến giữa người Việt Nam và người Campuchia còn mở rộng trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác. Trên TikTok, video của một bạn trẻ người Việt tham dự lễ hội Chol Chnam Thmay tại Campuchia đã đạt hơn 1 triệu lượt xem, với gần 50 nghìn lượt yêu thích. Video nhận về nhiều bình luận bằng tiếng Khmer thể hiện sự chào đón nồng nhiệt, không chỉ khen ngợi tinh thần ham học hỏi văn hóa mà còn chia sẻ thêm những câu chuyện thú vị về lễ hội truyền thống này.
Đồng thời, nhiều bình luận bằng tiếng Việt bày tỏ sự hứng thú và tò mò về lễ hội Chol Chnam Thmay. Họ đặt câu hỏi về ý nghĩa, cách tổ chức và những trải nghiệm đặc sắc trong lễ hội, từ các nghi thức truyền thống cho đến các món ăn đặc trưng. Đáp lại, nhiều người dùng Campuchia đã giải thích, hướng dẫn, có bình luận còn mời người Việt Nam trực tiếp đến tham gia vào dịp lễ hội năm sau.
Cũng có không ít TikToker từ Campuchia chia sẻ các video về ẩm thực, phong tục và những điểm đến nổi tiếng ở Việt Nam. Những video quay cảnh người Campuchia thưởng thức phở Hà Nội hay dạo chơi ở Đà Nẵng đều nhận được nhiều lượt bình luận tích cực từ cả hai phía.
Ngoài ra, Instagram cũng là một nền tảng phổ biến để người Việt Nam và người Campuchia chia sẻ cho nhau những khoảnh khắc đáng nhớ. Các hashtag như #vietnamcampuchia, #campuchiavietnam, #vietnamcambodia… xuất hiện ngày càng nhiều, minh chứng cho sự gắn kết và giao lưu văn hóa giữa hai cộng đồng. Trong một thế giới số hóa, những tương tác trực tuyến đang góp phần xóa nhòa khoảng cách địa lý, làm sâu sắc thêm tình cảm giữa hai dân tộc.
Mở ra cơ hội hợp tác bền vững
Thống kê của Google cho thấy, hiện 97% người dùng Việt Nam tìm kiếm thông tin qua các thiết bị cầm tay như điện thoại thông minh, máy tính bảng. Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, với nhiều ứng dụng tiện ích khác nhau, các trang mạng xã hội đã đáp ứng được gần như đầy đủ các mục đích, nhu cầu của giới trẻ. Giờ đây, mạng xã hội không chỉ là công cụ giải trí, mà còn là cầu nối gắn kết Việt Nam - Campuchia trên đa dạng lĩnh vực, xây dựng một tương lai hợp tác bền vững.
Mạng xã hội đang thay đổi cách người Việt Nam và Campuchia khám phá lẫn nhau qua các nền tảng như TikTok, Facebook và YouTube. Những người sáng tạo nội dung từ cả hai quốc gia đóng vai trò như những "đại sứ du lịch" không chính thức, truyền cảm hứng cho hàng triệu người khám phá những vùng đất mới. Các bài đăng thường khuyến khích du khách đến trải nghiệm, từ đó đóng góp tích cực vào ngành du lịch hai nước.
Nhiều nhóm, cộng đồng trên Facebook, LinkedIn được lập ra nhằm thúc đẩy việc trao đổi thông tin về cơ hội học tập, học bổng, việc làm. Các hội nhóm này thường xuyên đăng tải thông tin tuyển sinh, hội thảo trực tuyến và các chương trình trao đổi sinh viên. Những bài viết chia sẻ kinh nghiệm sống, học tập và làm việc của người Campuchia tại Việt Nam hay người Việt Nam tại Campuchia cũng luôn nhận được nhiều sự chú ý.
Nhiều hội, nhóm Facebook được thành lập nhằm chia sẻ thông tin giữa người Việt Nam và Campuchia. |
Mạng xã hội còn mở ra cánh cửa cho hợp tác kinh tế. Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ Campuchia như khăn rằn Krama thường xuyên được giới thiệu trên các nhóm bán hàng trực tuyến của người Việt. Nhiều bạn trẻ Campuchia lại ưa chuộng các sản phẩm thủ công từ làng gốm Bát Tràng hay những đặc sản như cà phê Việt Nam. Mạng xã hội chính là cầu nối giúp các sản phẩm này tiếp cận thị trường mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng rõ ràng, mạng xã hội cũng ẩn chứa một số thách thức. Sự khác biệt ngôn ngữ đôi khi là rào cản trong việc chia sẻ và tiếp nhận thông tin một cách trọn vẹn. Ngoài ra, các nội dung tiêu cực hoặc sai lệch nếu lan truyền trên mạng xã hội có thể tạo ra những xung đột không đáng có, làm xói mòn sự hiểu biết và tin tưởng giữa hai cộng đồng. Nhưng chính từ những thách thức này, mạng xã hội lại trở thành cơ hội để giới trẻ Việt Nam và Campuchia học cách giao tiếp tinh tế hơn, tôn trọng sự khác biệt, phát huy điểm chung, xây dựng quan hệ gần gũi và gắn bó giữa hai dân tộc.
Âm nhạc bắc cầu tình cảm nhân dân Việt Nam - Campuchia Từ những năm tháng chiến tranh đến thời bình, âm nhạc đã trở thành nhịp cầu kết nối trái tim nhân dân Việt Nam và Campuchia. Những giai điệu không chỉ ngân vang trong các chương trình giao lưu mà còn thấm sâu vào đời sống, gắn kết hai dân tộc bằng tình hữu nghị. |
Những mái ấm thắp sáng nghĩa tình đồng đội Việt Nam - Campuchia Từ chiến trường ác liệt năm xưa, nhiều cựu quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia trở về với cuộc sống muôn vàn khó khăn. Nhưng chính trong gian khó, tình đồng đội lại là điểm tựa. Những mái nhà "Nghĩa tình đồng đội" không chỉ giúp họ có chốn đi về, mà còn thắp sáng niềm tin vào sự sẻ chia của đồng đội và cộng đồng. |