Mai Châu, Hòa Bình: Tăng cường vai trò của phụ nữ trong bảo vệ môi trường sống, vì sức khỏe cộng đồng
Thăm thực địa triển khai dự án “Tăng cường vai trò của phụ nữ trong bảo vệ môi trường sống, vì sức khỏe cộng đồng” tại huyện Mai Châu (Ảnh: Báo Hòa Bình). |
Theo báo cáo kết quả triển khai thực hiện dự án "Tăng cường vai trò của phụ nữ trong bảo vệ môi trường sống, vì sức khỏe cộng đồng” tại xã Vạn Mai, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hòa Bình đã xây dựng các văn bản triển khai các hoạt động dự án chỉ đạo Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vạn Mai phối hợp tổ chức các hoạt động.
Cụ thể: tổ chức khảo sát nhu cầu thực tế về bảo vệ môi trường; ra mắt mô hình; tổ chức 4 lớp tập huấn tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường cho cán bộ cộng đồng, các thành viên trong mô hình và cán bộ, hội viên phụ nữ 3 xóm: Nghẹ, Củm và Lọng; chỉ đạo rà soát thành lập mô hình "Mỗi rác thải là một cây xanh”; tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng, triển khai trồng và duy trì hàng cây xanh với 500 cây hoa: ban, giấy, nhài nhật.
Tại buổi làm việc, đoàn đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền địa phương về hoạt động triển khai dự án và tiến hành thăm thực địa mô hình "Mỗi rác thải là một cây xanh” tại xóm Nghẹ, xã Vạn Mai, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.
Trước đó, ngày 30/3, Hội Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hòa Bình đã tổ chức hội nghị triển khai Dự án "Tăng cường vai trò của phụ nữ trong bảo vệ môi trường sống, vì sức khỏe cộng đồng”. Dự án được Quỹ Thúc đẩy sáng kiến Tư pháp (JIFF) tài trợ và được triển khai từ tháng 10/2021 đến 10/2022 tại 12 xóm của 2 xã: Vạn Mai, Mai Hạ (Mai Châu) và 2 xã: Thanh Hối, Nhân Mỹ (Tân Lạc). Tổng số người được hưởng lợi từ dự án khoảng 2.000 người (1.500 nữ, 500 nam).
Dự án thực hiện mục tiêu: Nâng cao nhận thức cho phụ nữ, cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường sống, từ đó dần thay đổi hành vi ứng xử với môi trường, góp phần nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng. Với kết quả hướng tới là: bảo vệ môi trường sống bền vững và có tác động sâu rộng, có khả năng nhân rộng.
Dự án triển khai 6 nhóm hoạt động chính là: Khảo sát thực trạng bảo vệ môi trường sống; tập huấn nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ và các thành viên trong cộng đồng về Luật bảo vệ môi trường; tập huấn, tọa đàm "Lồng ghép giới trong thực thi các chính sách bảo vệ môi trường sống tại địa phương”; thành lập 4 mô hình "Mỗi rác thải là một cây xanh”; truyền thông tư vấn trợ giúp pháp lý thay đổi hành vi ứng xử với môi trường sống và tài liệu hóa truyền thông "Phụ nữ phục hồi hệ sinh thái”.