Lý do Tổng thống Bolivia từ chức sau 14 năm cầm quyền
Tổng thống Bolivia Evo Morales tuyên bố từ chức. Ảnh: Reuters |
Tổng thống Bolivian Evo Morales hôm 10/11 tuyên bố sẽ từ chức sau khi quân đội nước này kêu gọi ông từ chức và các đồng minh đã bỏ rơi ông sau nhiều tuần biểu tình về một cuộc bầu cử tranh chấp đã gây chấn động quốc gia Nam Mỹ.
Trong các bình luận trên truyền hình, ông Morales cho biết sẽ đệ trình đơn từ chức để giúp khôi phục sự ổn định cho đất nước, mặc dù ông gọi những gì nhắm vào là “cuộc đảo chính dân sự”.
“Tôi đã gửi thư từ chức tới Hội đồng lập pháp,” ông Morales nói thêm đó là nghĩa vụ của ông với tư cách là Tổng thống người bản địa và Tổng thống của tất cả người dân Bolivia tìm kiếm hòa bình.
Sau đó ông đã đăng trên Twitter cá nhân, “Tôi muốn người dân Bolivian biết rằng tôi không có lý do gì phải chạy trốn, họ phải có bằng chứng chứng minh nếu tôi ăn cắp thứ gì đó.”
Nhà lãnh đạo bản địa đầu tiên của Bolivia, đã chấm dứt 14 năm nắm quyền của mình sau khi các đồng minh bỏ rơi ông sau nhiều tuần phản đối cuộc bầu cử đầy tranh cãi ngày 20/10 đã gây chấn động đất nước. Vào Chủ nhật, quân đội Bolivian và những người ủng hộ chính trị quan trọng kêu gọi ông từ chức.
Tướng Williams Kaliman, người đứng đầu lực lượng vũ trang Bolivia, trước đó vào 10/11 cho biết quân đội đã yêu cầu Morales từ chức để giúp khôi phục hòa bình và ổn định sau nhiều tuần biểu tình về cuộc bỏ phiếu.
Kaliman nói thêm quân đội đang kêu gọi người dân Bolivia kiềm chế bạo lực và rối loạn.
Bế tắc trong cuộc bầu cử ngày 20/10 vừa qua đã làm sứt mẻ hình ảnh của ông Morales - người đã đưa Bolivia vào thời kỳ ổn định tương đối và tăng trưởng kinh tế - và làm chấn động quốc gia không giáp biển này.
Người dân Bolivia xuống đường biểu tình kêu gọi ông Morales từ chức. Ảnh: Reuters |
Người cuối cùng của "Thủy triều hồng"
Sự ra đi của Morales, một biểu tượng cánh tả và là người sống sót cuối cùng của phong trào "Thủy triều hồng" tại nước Mỹ Latinh từ hai thập kỷ trước, gây nên phản ứng khắp khu vực vào thời điểm các nhà lãnh đạo cánh tả đã trở lại nắm quyền ở Mexico và Argentina.
Các chính phủ cánh hữu ở Mỹ Latinh, trong đó có Colombia và Peru, kêu gọi nhà nước Bolivia đảm bảo các cuộc bầu cử sắp tới sẽ hợp pháp. Brazil, đã đi xa hơn và tỏ ra vui mừng trước việc ông Morales từ chức.
Trong khi đó, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, từng là cố vấn cho ông Morales, nói với các đồng minh vận động ủng hộ ông Morales.
“Chúng ta phải chăm sóc người anh trai Evo Morales,” ông Maduro nói trong một tuyên bố phát trên truyền hình nhà nước Venezuela. “Chúng tôi phải ra một tuyên bố đoàn kết để bảo vệ ông ấy.”
Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel, một đồng minh lâu năm khác của Morales, đã đăng trên Twitter kêu gọi sự đoàn kết: Thế giới phải cùng nhau chung tay đảm bảo mạng sống và tự do của Evo.
Chính phủ Mexico đã phản đối cái mà họ gọi là một chiến dịch quân sự đang diễn ra ở Bolivia. Mexico có thể cho phép Morales tị nạn cho nếu ông muốn, Bộ trưởng Ngoại giao Marcelo Ebrard viết trên Twitter, mặc dù không có yêu cầu ngay lập tức.
Tổng thống đắc cử Argentina, ông Alberto Fernandez, người đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng trước tại nền kinh tế lớn thứ ba của Mỹ Latinh, cho biết việc phá vỡ thể chế ở Bolivia là không thể chấp nhận được.
Ông Morales vào 10/11 đã đồng ý để tổ chức các cuộc bầu cử mới sau khi một báo cáo từ Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS), nơi tiến hành kiểm phiếu cuộc bầu cử ngày 20/10, chỉ ra sự bất thường nghiêm trọng trong số lá phiếu.
Báo cáo của OAS cho biết cuộc bỏ phiếu tháng 10 nên bị hủy bỏ sau khi phát hiện ra những dấu vết thao túng rõ ràng của hệ thống bầu cử, đặt câu hỏi về việc giành chiến thắng của Morales, với chỉ hơn 10 điểm so với đối thủ chính Carlos Mesa.
Chính phủ Brazil, cho biết sẽ ủng hộ một quá trình chuyển đổi dân chủ ở nước láng giềng Bolivia và bác bỏ những thành viên cánh tả, lập luận rằng một cuộc đảo chính đã xảy ra.
Brazil sẽ ủng hộ một quá trình chuyển đổi dân chủ và hiến pháp, Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Ernesto Araujo viết trong một tweet trên trang Twitter.
Bộ Ngoại giao Colombia cũng kêu gọi các tổ chức nhà nước và các đảng chính trị của Bolivia hợp tác với nhau để đảm bảo công dân Bolivia có thể tự do thể hiện ý kiến tại các cuộc thăm dò. Nước này yêu cầu một cuộc họp của hội đồng thường trực OAS, để thảo luận về tình hình.
Ông Morales trở thành tổng thống năm 2006, cùng ông Chavez, Nestor Kirchner của Argentina và Luiz Inacio Lula da Silva của Brazil, trong một cuộc “cánh tả hóa” trong chính quyền các nước Nam Mỹ từ những năm 1990 đến nay.
Sự kết thúc bùng nổ giá hàng hóa cơ bản ở Mỹ Latinh đã khiến một số chính phủ cánh tả được thay thế bởi chính quyền bảo thủ.
Tuy nhiên, kể từ năm ngoái, bất bình trong dân chúng về nạn tham nhũng, bất bình đẳng và nghèo đói đã đẩy những người bảo thủ ra khỏi Mexico và Argentina, đồng thời thúc đẩy các cuộc biểu tình trong những tuần gần đây buộc các chính phủ ở Ecuador và Chile phải bỏ các chính sách kinh tế tự do./.