e magazine
Lũy thép biên phòng toàn dân

13:46 | 03/03/2024

Trải qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; đồng thời xây dựng được thế trận lòng dân vững mạnh, làm nền tảng thực hiện tốt công tác biên phòng.

Lũy thép biên phòng toàn dân

Lũy thép biên phòng toàn dân

Lũy thép biên phòng toàn dân

Thò Ma là bản giáp biên giới, thuộc xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Bản có 60 hộ dân sinh sống với 99% là đồng bào La Hủ, trước đây tỷ lệ đói nghèo cao (42/60 hộ nghèo), đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Lai Châu luôn chăm lo, giúp đỡ đồng bào xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn bình yên biên giới. Với khẩu hiệu "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt", các đơn vị BĐBP đã tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động đồng bào tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc.

Lũy thép biên phòng toàn dân

Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu phối hợp với UBND huyện Mường Tè tổ chức chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”, tại bản Thò Ma, xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, ngày 11/1/2024. Thò Ma là bản đầu tiên và là bản điểm đại diện cho 44 bản biên giới tổ chức chương trình.

Nhờ đó, đời sống của người dân bản Thò Ma đã chuyển biến rõ rệt. Tính chung, tỷ lệ hộ nghèo của xã Pa Vệ Sủ năm 2023 đã giảm gần 11% so với năm 2022. Xã đạt 10/19 tiêu chí về nông thôn mới. Đến nay, xã Pa Vệ Sủ thành lập được 7 tổ tự quản đường biên, cột mốc với 35 thành viên tham gia tự quản 18 km đường biên và 5 mốc quốc giới; 12 tổ tự quản an ninh trật tự; 524 hộ ký cam kết thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới"…

Ông Vàng A Phà, Trưởng bản Thò Ma, xã Pa Vệ Sủ cho biết: “Được BĐBP giúp đỡ, nhân dân tin tưởng vào bộ đội, cùng nhau giữ bản, giữ vùng đất biên cương, bà con sinh sống yên bình, phát triển kinh tế”. Ông Phà mong Nhà nước đầu tư, hỗ trợ hơn nữa để giúp người La Hủ thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống ấm no.

Lũy thép biên phòng toàn dân

Đại tá Nguyễn Văn Hưng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu, gói bánh chưng cùng người dân bản Thò Ma, xã Pa Vệ Sủ.

Đại tá Nguyễn Văn Hưng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu chia sẻ: Đóng chân trên địa bàn, những năm qua, đồn Biên phòng Pa Vệ Sủ luôn bám dân, bám bản, nắm chắc tình hình cơ sở để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Ngoài công tác chuyên môn, BĐBP còn giúp dân phát triển kinh tế, dạy chữ cho đồng bào; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền nhiều cách làm hay để từng bước xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, ở nơi biên cương Tổ quốc, quân dân một lòng, bảo vệ tốt chủ quyền biên giới, an ninh quốc gia. Đây cũng là tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ biên phòng Lai Châu với nhân dân.

Tại xã Ba Tầng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), phóng viên chứng kiến các chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Tầng, đầu đội đèn pin, tay ôm sách vở đến lớp dạy chữ cho đồng bào Pa Cô, Vân Kiều. Dù đã ở tuổi 62, nhưng bà Y Hên, dân tộc Vân Kiều ở thôn Loa, xã Ba Tầng, vẫn ham học tập. Chiều đến, sau khi từ nương rẫy trở về, vào các buổi tối thứ 2, thứ 4 hàng tuần, bà Y Hên lại soạn sách vở, bút chì, bảng, phấn cho vào túi nilon, cầm chiếc đèn pin đi bộ đến Trường Tiểu học và THCS xã Ba Tầng cách nhà hơn 3 km để học chữ. Không riêng gì bà Y Hên, thôn Loa có khoảng 20 chị em là đồng bào dân tộc Vân Kiều cùng tham gia lớp học chữ. Họ có chung suy nghĩ, đó là phải biết chữ, phải đọc được tiếng Việt, biết làm những phép toán đơn giản để thuận lợi hơn trong mua bán nông sản.

Chị Y Minh, người cùng thôn với bà Y Hên cho biết: “Chúng tôi là đồng bào dân tộc, cuộc sống nơi biên giới vốn đã khó khăn lại mù chữ nên vất vả lắm. Nhiều khi cán bộ thôn bản đến nhà nói chuyện, vận động trẻ con đi học mà mình lại không biết chữ, không biết dạy con, nghĩ xấu hổ với trẻ con”.

Lũy thép biên phòng toàn dân

Phụ nữ Pa Cô, Vân Kiều ở xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đến lớp học "xóa tái mù chữ" do các thầy giáo quân hàm xanh đứng lớp.

Thượng úy Hồ Văn Hữu - Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ba Tầng (Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị) cho biết: Nhớ lại những ngày đầu đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động phụ nữ, nhất là những người trung niên và cao tuổi đến lớp, đến trường rất khó khăn. Không chỉ chị em ngại đi học, mà chính người chồng cũng ngần ngại cho vợ đi học. Họ sợ vợ, con đi học về lại giỏi hơn mình, sợ không nói được vợ... “Chúng tôi đã vận động và phân tích có trước, có sau nên nhiều ông chồng đã đồng ý cho vợ đi học. Vì lớp học diễn ra vào buổi tối nên thậm chí các ông chồng đã tình nguyện dùng xe máy đưa vợ đến trường và chờ vợ học xong rồi đón về. Nhìn những cặp đôi trên những chiếc xe máy nhấp nhô theo ánh đèn xe khuất dần trong màn đêm của núi rừng, chúng tôi cảm thấy hết sức xúc động”, Thượng úy Hồ Văn Hữu kể lại.

Trung tá Trần Đức Tứ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Tầng cho biết: Nhờ có lớp học “xóa tái mù chữ” mà nhiều chị em từ chỗ không biết tiếng phổ thông, nay đã biết đọc, biết viết, biết làm những phép toán đơn thuần. Có người sau khi học xong lớp “xóa tái mù chữ” còn biết sử dụng điện thoại để livestream bán hàng trên mạng xã hội.

Đây chỉ là hai câu chuyện trong hàng nghìn hoạt động mà lực lượng BĐBP đã và đang giúp đỡ nhân dân vùng biên giới vươn lên trong xóa đói giảm nghèo, học con chữ Bác Hồ. Hình ảnh "Thầy giáo quân hàm xanh", "Thầy thuốc quân hàm xanh", "Chiến sĩ tuyên truyền văn hóa quân hàm xanh", cán bộ biên phòng tăng cường về xã xây dựng cơ sở chính trị, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, chiến sĩ quân hàm xanh quên mình trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường... đã chiếm được tình cảm, sự tin yêu và quí mến của nhân dân cả nước, nhất là đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, hải đảo.

Lũy thép biên phòng toàn dân

Bộ đội biên phòng triển khai nhiều phong trào, chương trình, mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xã hội, như: “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”; “Thầy giáo quân hàm xanh”; “Thầy thuốc quân hàm xanh”; “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”...

Lũy thép biên phòng toàn dân

Biên giới quốc gia là bộ phận thiêng liêng, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế và đối ngoại. Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, ông cha ta luôn coi biên cương là “phên dậu” của Tổ quốc, mọi biến động nơi biên cương đều liên quan đến sự an nguy của đất nước. Ngay từ khi mới ra đời, lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) vừa làm tốt nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, các mục tiêu kinh tế, xã hội trọng yếu, đồng thời triển khai nhiệm vụ bảo vệ biên giới.

Trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc, BĐBP luôn nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, chiến đấu ngoan cường, anh dũng hy sinh, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Có thể kể đến những điển hình như: Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ đã nêu cao tấm gương dũng cảm trong xây dựng phòng tuyến nhân dân, bảo vệ biên giới; các đồn công an nhân dân vũ trang Cửa Tùng, Cù Bai (Quảng Trị), Quang Chiểu, Pù Nhi (Thanh Hóa), Pha Long (Lào Cai) trên mặt trận chống gián điệp bảo vệ biên giới, bờ biển giới tuyến; cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 600, Trung đoàn 254... và rất nhiều tấm gương khác về tinh thần anh hùng, dũng cảm, vì nước quên thân, vì dân phục vụ.

Lũy thép biên phòng toàn dân

Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Pồn (Bộ đội Biên phòng Điện Biên) tuần tra.

Trong thời bình, kế thừa và phát huy tinh thần một lòng, một dạ vì dân, gắn bó máu thịt với nhân dân của các thế hệ đi trước, BĐBP tiếp tục góp phần quan trọng cùng các lực lượng chức năng đấu tranh làm thất bại âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; vừa giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, vừa xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng. Qua đó, xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu của các tập thể, cá nhân dũng cảm “Vì nhân dân quên mình” trong đấu tranh chống tội phạm, công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường.

Lũy thép biên phòng toàn dân

Theo Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chính ủy BĐBP, thời gian qua BĐBP đã tham mưu, phối hợp với các cấp, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, xác định rõ trách nhiệm, quyền lợi trong tham gia bảo vệ biên giới. Ý thức về quốc gia, quốc giới của công dân mà trực tiếp, thường xuyên là cán bộ, nhân dân ở khu vực biên giới được nâng lên rõ rệt. Trong giai đoạn mới, đã triển khai nhiều hoạt động đối ngoại biên phòng, như: Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới; Biên cương thắm tình hữu nghị với các nước có chung đường biên giới; tổ chức ký kết nghĩa 188 cặp đồn - trạm; tham mưu với địa phương tổ chức ký kết nghĩa 215 cặp cụm dân cư hai bên biên giới. Góp phần củng cố, tăng cường, phát triển tình đoàn kết, hữu nghị giữa lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới và nhân dân hai bên biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.

Đồng thời với việc thực hiện nhiệm vụ nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ biên giới, nhiệm kỳ 2020 - 2025, BĐBP đã phối hợp với cấp ủy các địa phương thực hiện hiệu quả Kết luận số 68 của Ban Bí thư, triển khai 688 lượt cán bộ Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã; 229 đồng tham gia Hội đồng nhân dân cấp huyện, xã; đang tăng cường 289 cán bộ cho các xã biên giới; giới thiệu trên 2.000 đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt đảng tại các chi bộ thôn, bản biên giới và phân công khoảng 9.000 đảng viên phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới. Triển khai nhiều phong trào, chương trình, mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xã hội, như: “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”; “Thầy giáo quân hàm xanh”; “Thầy thuốc quân hàm xanh”; “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”... Trực tiếp cùng địa phương củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất của địa phương; xây dựng khu vực biên giới từng bước ổn định và phát triển.

Lũy thép biên phòng toàn dân

Bộ đội biên phòng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, lực lượng bảo vệ biên giới bảo vệ đường biên, cột mốc chủ quyền của Tổ quốc.

Bên cạnh đó, BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành Trung ương và địa phương trong biểu dương, khen thưởng, tôn vinh hàng nghìn điển hình tiên tiến trong tham gia bảo vệ biên giới; tổ chức chương trình “Điểm tựa của bản làng”, gặp mặt đội ngũ người có uy tín trong đồng bào các dân tộc. Kịp thời động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân có thành tích trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ biên giới.

Đặc biệt, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, cùng chung một ý chí “chống dịch như chống giặc” với cả nước, tại các vùng biên cương của Tổ quốc, cán bộ chiến sĩ BĐBP đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân vùng biên giới thực hiện các quy định về phòng chống dịch, vừa tuần tra, canh trực để ngăn chặn hiệu quả hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép. Đồng thời đấu tranh với các loại tội phạm, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh trật tự vùng biên; hàng nghìn chiến sĩ ngày đêm cần mẫn tuần tra, kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu, đường mòn, lối mở, không để dịch bệnh xâm nhập từ cửa ngõ vào nội địa. Nhiều cán bộ, chiến sĩ bố mất, mẹ mất không thể về chịu tang; vợ sinh con đầu lòng không thể về thăm. Một số anh em trẻ phải tạm hoãn cưới lần 1 rồi lần 2 để bám chốt cùng đồng đội. Các anh giữ vững hình ảnh đẹp, là “lá chắn thép” trên tuyến đầu Tổ quốc.

Lũy thép biên phòng toàn dân

Bộ đội Biên phòng đã triệt phá được nhiều đường dây buôn bán ma túy và địa điểm trồng cây thuốc phiện.

Trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy và tội phạm, giữ vững an ninh trật tự, các đơn vị BĐBP đã tiến hành thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản địa bàn, tuyến hoạt động của tội phạm, chuyên đề nghiệp vụ; sưu tập địa bàn ngoại biên, xây dựng lực lượng mật. Từ năm 2008 đến tháng 8/2023, các đơn vị BĐBP đã xác lập và đấu tranh thành công hàng ngàn chuyên án... Phát hiện, điều tra, bắt giữ, xử lý 160.920 vụ với 322.811 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật. Trong đó, tội phạm về ma túy 14.513 vụ với 19.292 đối tượng; buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới 29.820 vụ với 29.185 đối tượng; mua bán người 1.509 vụ với 1.645 đối tượng, giải cứu và tiếp nhận 1.824 nạn nhân; tội phạm hình sự và các vi phạm pháp luật khác 114.357 vụ với 271.375 đối tượng. Tang vật thu giữ trên 10,8 tấn ma túy các loại; 527.020 tấn than; 51.300 tấn quặng; 57.840.000 lít xăng, dầu; 10.180.022 bao thuốc lá; 205 tấn lá thuốc lá; 1.006.7 tấn đường; 2.306.49 m3 gỗ; 53,13 kg vàng, 1.760 viên kim cương và nhiều tang vật khác...

Lũy thép biên phòng toàn dân

Là lực lượng luôn gắn bó với đồng bào các dân tộc trên biên giới, cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, tích cực tham gia phát triển kinh tế, xã hội, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song các đồn Biên phòng trên tuyến biên giới đã tích cực xây dựng nhiều công trình, mô hình giúp người dân phát triển kinh tế.

Đến với các bản làng đồng bào Vân Kiều, sống bên dãy Trường Sơn của tỉnh Quảng Bình, chúng tôi được chứng kiến nhiều mô hình phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo mà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô trao tặng cho bà con như mô hình trồng cây dổi ghép, vườn ổi gia đình, cây dứa cao sản, tiếng máy vùng biên, du lịch cộng đồng... Những mô hình này đã giúp bà con giảm bớt khó khăn trong cuộc sống và thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế, từ đó, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương giảm còn 30,56% so với 60 đến 70% thời gian trước đây.

Lũy thép biên phòng toàn dân

Các đồn Biên phòng trên tuyến biên giới luôn vững tay súng, bảo vệ biên giới.

Ông Hồ Biên, 50 tuổi, người dân tộc Mã Liềng ở bản Lòm, xã Trọng Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình chia sẻ: “Được các chiến sĩ Đồn Biên phòng Ra Mai trao tặng mô hình và trực tiếp hướng dẫn nên gia đình tôi đã trồng được 40 cây mít giống Thái. Qua 3 năm, cây đã cho thu hoạch với năng suất khá cao. Nhiều gia đình trong bản Lòm cũng đã có thu nhập ổn định nhờ trồng loại mít này”.

Đồng bào các dân tộc trên vùng cao thường hay có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên ý thức tự vươn lên thoát nghèo không cao, chính vì thế, các đồn Biên phòng đã từng bước khơi dậy khát vọng ấm no, làm giàu cho người dân. Thiếu tá Cao Xuân Hoàng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ra Mai cho biết: “Việc xây dựng và trao tặng các mô hình kinh tế, các công trình dân sinh cho người dân là rất quan trọng, song, để người dân thoát nghèo bền vững thì phải xây dựng được cho họ ý thức tự vươn lên, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại... Thời gian qua, đơn vị chúng tôi đã tích cực bám địa bàn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thay đổi tư duy, cách nghĩ để tự mình vươn lên thoát nghèo”.

Lũy thép biên phòng toàn dân

Các chiến sĩ Biên phòng không chỉ vững tay súng mà giúp ngư dân bám biển, xây dựng kinh tế.

Không riêng gì đồng bào vùng biên giới tỉnh Quảng Bình mà dọc các tuyến biên giới, các chiến sĩ Biên phòng đã “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn tỉ mỉ để bà con hiểu và thực hiện, mạnh dạn đưa những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, từng bước hình thành và phát triển vùng nông sản mang tính hàng hóa, tạo động lực thúc đẩy hiệu quả những chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn biên giới.

Lũy thép biên phòng toàn dân

Thiếu tướng Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị BTL BĐBP cho biết: Trong những năm gần đây các chính sách của Đảng và Nhà nước tập trung chăm lo phát triển cho đồng bào ở vùng đồng bào dân tộc thiếu số, miền núi. Cùng với các địa phương tham gia vào xóa đói giảm nghèo giúp đỡ người dân vươn lên thoát nghèo phát triển kinh tế xã hội ở địa bàn miền núi được xác định là nhiệm vụ thường xuyên và cũng là trách nhiệm của mỗi cán bộ chiến sĩ Biên phòng ở biên giới.

Nỗ lực giúp đỡ của BĐBP trong thời gian qua không chỉ đơn thuần là góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân miền biên viễn mà còn góp phần xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu, đời sống bà con đã và đang thay đổi từng ngày. Chỉ khi bà con vùng biên giới có đời sống ổn định, yên tâm làm ăn sản xuất, yên tâm bám làng, bám bản thì mới có thể cùng lực lượng chức năng cùng tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Lũy thép biên phòng toàn dân

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Thơm (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Điện Biên) tuyên truyền chính sách pháp luật cho người dân tộc Cống ở bản Púng Bon.

Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chính ủy BĐBP cho biết: “Việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở địa bàn miền núi, biên giới đòi hỏi phải kiên trì, bám sát địa bàn dân cư. Để tạo niềm tin cho nhân dân, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng tốt các mô hình trình diễn, sau đó nhân rộng cho người dân học tập, đồng thời phải cử cán bộ thường xuyên bám dân, bám địa bàn và chuyển giao công nghệ cho người dân thực hiện... Cách làm này đã khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của bà con, người dân thấy được vai trò của chính bản thân mình, lấy đó làm động lực để vươn lên trong cuộc sống”.

Việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn vùng cao biên giới của BĐBP đã từng bước giúp đồng bào các dân tộc ở vùng biên giới vươn lên thoát nghèo, bộ mặt các bản, xã ở vùng biên ngày càng khởi sắc. Đây cũng chính là động lực để BĐBP tiếp tục phấn đấu, nỗ lực, cống hiến và mãi là điểm tựa vững chắc cho người dân trên địa bàn biên giới. Đặc biệt, những năm gần đây, Ngày Biên phòng toàn dân đã trở thành ngày hội của đồng bào các dân tộc nơi biên giới, gắn với thực hiện hiệu quả Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, với gần 2.000 tổ tự quản, 46.000 hộ gia đình và trên 96.000 cá nhân đăng ký tự quản đường biên, mốc quốc giới; hơn 3.000 tổ tàu thuyền đoàn kết; 400 bến, bãi an toàn và hơn 16.000 tổ an ninh, trật tự.

Lũy thép biên phòng toàn dân

Bộ đội Biên phòng huy động cán bộ, chiến sĩ xuống đồng giúp nhân dân địa phương gặt lúa.

Nhiều chương trình hoạt động hướng về biên giới được tổ chức thường xuyên, hiệu quả như: “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”; “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; “Mái ấm người nghèo nơi biên giới”, “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”... Qua đó, tăng cường đoàn kết, phối hợp, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau giữa lực lượng BĐBP với các lực lượng và nhân dân.

Có thể khẳng định, trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã lập nên nhiều chiến công và thành tích xuất sắc, được Đảng, Nhà nước ghi nhận; được đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, biển đảo và nhân dân cả nước tin yêu. Những chiến công, thành tích xuất sắc của BĐBP đã góp phần giữ ổn định biên giới quốc gia, phục vụ đắc lực nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”.

Theo Báo Tin tức

https://baotintuc.vn/long-form/emagazine/luy-thep-bien-phong-toan-dan-20240302100224969.htm

Theo Báo Tin tức

Tin bài liên quan

Chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quản lý biên giới với bộ đội Biên phòng nước bạn Lào

Chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quản lý biên giới với bộ đội Biên phòng nước bạn Lào

Ngày 16/9, tại tỉnh Nghệ An, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An đã khai mạc lớp tập huấn công tác quản lý biên giới cho 40 cán bộ bộ đội biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Xiêng Khoảng và tỉnh Hủa Phăn của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
Bộ đội Biên phòng trao 300 phần quà cho người dân biên giới tỉnh Đắk Nông

Bộ đội Biên phòng trao 300 phần quà cho người dân biên giới tỉnh Đắk Nông

Ngày 11/7, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Nông phối hợp với Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh và chính quyền địa phương tổ chức Chương trình “Về lại chiến khu - Ấm tình biên giới” tại xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.
Bồi đắp tình yêu Tổ quốc cho thế hệ trẻ qua "Tiết học biên cương"

Bồi đắp tình yêu Tổ quốc cho thế hệ trẻ qua "Tiết học biên cương"

Từ năm 2023, các Đồn Biên phòng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với các trường học trong tỉnh tổ chức hiệu quả chương trình “Tiết học biên cương”, qua đó góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ…

Tin mới

Bộ đội biên phòng Việt - Lào tuần tra song phương bảo vệ biên giới

Bộ đội biên phòng Việt - Lào tuần tra song phương bảo vệ biên giới

Từ ngày 21-22/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Salavan (Lào) tiến hành tuần tra song phương đoạn biên giới Việt Nam - Lào, từ mốc quốc giới 634 đến mốc quốc giới 637.
1.950 tàu cá ở Bình Thuận được hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ VMS

1.950 tàu cá ở Bình Thuận được hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ VMS

Tại kỳ họp thứ 28 (chuyên đề) – Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Thuận khóa XI ngày 13/11 đã thống nhất thông qua Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình (VMS) tàu cá trên địa bàn tỉnh.

Tin khác

Địa chỉ tin cậy chăm sóc sức khỏe của nhân dân hai bên biên giới Việt - Lào

Địa chỉ tin cậy chăm sóc sức khỏe của nhân dân hai bên biên giới Việt - Lào

Trạm xá Quân dân y hữu nghị biên giới Việt - Lào (thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập - Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La) đứng chân tại xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Đây là địa chỉ tin cậy của nhân dân hai bên biên giới khi cần khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe.
Khai giảng Lớp xóa mù chữ, chống tái mù chữ cho người dân ở xã biên giới Tây Nghệ An

Khai giảng Lớp xóa mù chữ, chống tái mù chữ cho người dân ở xã biên giới Tây Nghệ An

Ngày 12/11, tại xã Tri Lễ (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An), Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 (Quân khu 4) phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức Lễ khai giảng Lớp xóa mù chữ, chống tái mù chữ kỳ 1, giai đoạn 1 cho 26 học viên là người dân trên địa bàn bản Lam Hợp của xã này.
Khi hai thôn Việt - Lào hòa chung nhịp sống

Khi hai thôn Việt - Lào hòa chung nhịp sống

Mô hình kết nghĩa thôn bản ở biên giới Việt - Lào đang dần trở thành biểu tượng của tình hữu nghị bền vững giữa hai dân tộc. Tại những khu vực biên giới xa xôi này, người dân hai quốc gia không chỉ chung sống hòa bình mà còn hỗ trợ nhau trong mọi hoàn cảnh, tạo nên tình đoàn kết, gắn bó như ruột thịt.
Người dân 3 xã biên giới ở Nghệ An vui ngày Hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Người dân 3 xã biên giới ở Nghệ An vui ngày Hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Nhân kỷ niệm 94 năm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930-18/11/2024), tại nhiều bản biên giới ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, với nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao đầy ý nghĩa, thiết thực, thắm tình đoàn kết quân dân.
Phiên bản di động