Luật sư của Trịnh Xuân Thanh dẫn quyền im lặng trong vụ Hoa hậu Phương Nga
Sáng 12/1, luật sư Nguyễn Văn Quynh, người bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh trình bày bài bào chữa cho thân chủ của mình.
Luật sư Quynh đã mời điều tra viên lên để hỏi về cáo buộc của VKS cho rằng thân chủ của mình là ông Trịnh Xuân Thanh quanh co, chối tội.
-
Luật sư nói gì về mức án Viện kiểm sát đề nghị với ông Đinh La Thăng?
Bản luận tội ngày 11/1 vẫn quy kết bị cáoThanh không thành khẩn khai báo, quanh co chối tội là không phù hợp với quy định tại Điều 73, Luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về suy đoán vô tội.
Theo các quy định về suy đoán vô tội trong Bộ Luật Tố tụng thì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc cơ quan có thẩm quyền, người bị buộc tội có quyền nhưng không bắt buộc phải chứng minh mình vô tội.
Ngoài ra, theo luật sư, trong Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 đã thể chế hóa chế định quyền im lặng tại các Điều 60, 61. Đối với bị cáo Thanh, đã quy định quyền của bị can, bị cáo là có quyền im lặng.
"Ngay vụ án Hoa hậu Phương Nga mà tôi là người tham gia bào chữa thì bị cáo Phương Nga đã im lặng trong suốt quá trình, sau khi ra tòa, bị cáo mới khai là bị cáo tự bảo vệ mình khi tất cả các lời khai khác đều chống lại bị cáo.
Nội dung bản luận tội vẫn cáo buộc bị cáo Thanh quanh co, chối tội là rất khiên cưỡng, không phù hợp với các quy định có lợi cho người phạm tội. Rất mong VKS lưu tâm, xem xét lại, áp dụng những quy định có lợi nhất cho người phạm tội theo tinh thần Bộ Luật Tố tụng hình sự", luật sư Quynh đề nghị.
Luật sư Quynh bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh ngày 12/1. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
"Nói PVC không đủ năng lực, không có vốn là khiên cưỡng"
Luật sư Quynh đưa ra quan điểm: Trách nhiệm đối với Hợp đồng 33 là trách nhiệm là của PVPower chứ không phải của PVN.
Về hành vi cáo buộc Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo nguyên Tổng GĐ Công ty CP xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) Vũ Đức Thuận ký hợp đồng EPC số 33 trái quy định, luật sư cho rằng bị cáo Thanh không có thẩm quyền yêu cầu ký hợp đồng.
Theo điều lệ của PVC, việc đưa ra chủ trương chỉ đạo phải thông qua HĐTV. Ngoài ra, chủ thể hợp đồng EPC là chủ đầu tư PVPower .
Tại thời điểm chuyển chủ thể Hợp đồng đã có 2 hợp đồng số 33 và 4194. Vấn đề trách nhiệm pháp lý đối với Hợp đồng 33 là trách nhiệm là của PVPower chứ không phải của PVN.
-
Đề nghị ông Đinh La Thăng và các đồng phạm bồi thường hơn 119 tỷ đồng
-
VKS đề nghị 14-15 năm tù với ông Đinh La Thăng, chung thân cho Trịnh Xuân Thanh
-
Hình ảnh các bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Xuân Sơn trong ngày xét xử thứ 3
Về câu nói của ông Trịnh Xuân Thanh: "Công ty có hợp đồng thì rất mừng, có lãi, nhân viên có việc làm", luật sư Quynh nhận xét đây là câu trả lời rất đúng, chân thật của người lãnh đạo khi có được dự án, có được việc làm cho người lao động.
"Thời điểm PVC đang gần 10.000 lao động, việc có hợp đồng xây lắp không có gì quý bằng", luật sư nói.
Luật sư Quynh dẫn báo cáo tài chính, tại thời điểm xảy ra vụ án, PVC làm ăn đều có lãi nên bản luận tội cho rằng, PVC không đủ năng lực, không có vốn là khiên cưỡng. Do đó, đề nghị VKS xem lại.
"Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tiếp quản PVC thời điểm có hơn 500 tỷ đồng, sau đó, trong thời gian ngắn đến 2010 đã tăng lên và 2011 thực hiện đề án tái cơ cấu thì PVN đã thu về 2.000 tỷ đồng như bị cáo Thăng đã nói. Tôi một lần nữa nêu ra bằng chứng cho rằng việc nhận định PVC tại thời điểm đó không có năng lực là khiên cưỡng, rất mong HĐXX, VKS quan tâm, xem xét, đánh giá đúng, khách quan", luật sư Quynh nêu.
Về hành vi của Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận rút tiền trái quy định, theo kết luận trong bản luận tội, ông Quynh cũng cho là chưa chính xác. Theo quy chế, tổng giá trị hợp đồng lớn như hợp đồng 33 thì Ban Tổng giám đốc buộc phải có tờ trình, thông qua HĐQT của công ty. Ông Thanh không có thẩm quyền chỉ đạo ông Thuận ký hợp đồng này.
LS đề nghị xem xét lại việc xử lý tài sản kê biên của vụ án
Luật sư Trần Hồng Phúc, bào chữa cho bị cáo Thanh cho rằng việc bị cáo Thanh không có trách nhiệm trong vấn đề tham ô tài sản là không đúng.
"Bị cáo Thanh có trách nhiệm là người đứng đầu. Rõ ràng, ý thức của bị cáo tại cơ quan điều tra trong những ngày làm việc với luật sư trước phiên tòa và tại phiên tòa, bị cáo Thanh vẫn xác định, thể hiện trách nhiệm là người đứng đầu PVC, nhận trách nhiệm với số tiền quy buộc 4 tỷ chưa tìm ra thủ phạm.
Bị cáo Thanh sẵn sàng đề nghị gia đình khắc phục số tiền vì đấy là thiệt hại của PVC, thiệt hại tài sản của Nhà nước cho nên bị cáo rất đau lòng, ân hận vì ở vị trí Chủ tịch HĐQT bị cáo không thực hiện giám sát hoạt động của Ban TGĐ, phòng ban tham mưu, Ban điều hành dự án để xảy ra hiện tượng chiếm đoạt tài sản của Nhà nước", luật sư nói.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm tại phiên tòa ngày 12/1. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Theo luật sư, ngày 3/1/2018, theo đề nghị của bị cáo Trịnh Xuân Thanh, gia đình nộp số tiền thuộc cấp chiếm đoạt ở PVC.
"Tại phiên tòa hôm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục nộp biên lai của chi cục thi hành án Hà Nội đã thu tiếp số tiền 2 tỷ đồng. Như vậy, chúng tôi mong HĐXX lưu tâm, xem xét, đánh giá ý thức trách nhiệm của bị cáo Thanh đối với việc xảy ra tham ô tại PVC về phần khắc phục hậu quả để từ đó xem xét…", luật sư Phúc nêu rõ.
Trong quá trình luật sư trình bày, bị cáo Thanh cúi mặt, lấy tay chống cằm một lúc rồi đưa hai tay chống xuống ghế.
Một vấn đề cũng được luật sư đề nghị xem xét lại là việc kê biên căn hộ, ôtô trả góp của anh Trịnh Hùng Cường, con trai bị cáo Trịnh Xuân Thanh.
Theo luật sư, căn cứ hợp đồng cho tặng tiền và lời khai tại cơ quan điều tra thì số tiền anh Cường dùng để mua căn hộ, ôtô là từ tiền ông bà nội cho bằng 6 sổ tiết kiệm. Hợp đồng cho tặng tiền cũng được xác lập từ năm 2011, trước thời điểm xảy ra vụ án ở PVC.
Luật sư Trần Hồng Phúc đề nghị HĐXX xem xét lại việc xử lý tài sản kê biên của vụ án này.
Luật sư cho rằng, nếu xác định đây là tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham ô của bị cáo thì việc kê biên tài sản là đúng. Tuy nhiên, theo lời khai trong hồ sơ cũng như thẩm vấn anh Cường công khai tại tòa, anh Cường hoàn toàn không có lời khai nào xác định đây là tiền do bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho con trai.
"Đây không phải là tài sản anh Cường có được từ nguồn tiền tham ô của bố anh ấy (nếu có), đây là tài sản hợp pháp của ông bà nội anh Cường cho. Còn trách nhiệm chứng minh vấn đề này thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Đề nghị HĐXX xem xét xử lý giải quyết việc dỡ bỏ lệnh kê biên tài sản", luật sư Phúc bày tỏ.
Ngoài ra, nữ luật sư đặt nghi vấn một ngân hàng đã cung cấp chứng cứ không khách quan. Bà Phúc nói chứng từ giao dịch ngân hàng phải lưu từ 15-20 năm. Thời điểm số tiền 5 tỷ đồng được Lương Văn Hòa rút năm 2012. Khi cơ quan điều tra thu thập chứng từ năm 2017 thì các giấy tờ này có dấu hiệu tự chế, tự sao theo mẫu ngày 19/4/2017.
Cho rằng chứng từ không phải chứng từ gốc, luật sư nói giấy tờ này chỉ có chữ ký kiểm soát (không đề họ tên), thiếu chữ ký khách hàng, thủ quỹ, giám đốc.
Điều tra viên giải thích việc bị cáo Trịnh Xuân Thanh quanh co, chối tội
Luật sư Phúc cũng nêu quan điểm, PVC là nhà thầu phải lệ thuộc chủ đầu tư nên không thể chỉ đạo ngược lại PVPower. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh không có quyền chỉ đạo Tổng giám đốc PVPower.
Theo bà Phúc, việc Tổng giám đốc PVPower không bị xem xét trách nhiệm có nghĩa hợp đồng EPC số 33 không có hiệu lực, không phát sinh quyền và nghĩa vụ các bên.
Nữ luật sư cho rằng trong trường hợp bị cáo Thanh chỉ đạo được lãnh đạo PVPower thì việc này cũng phát sinh hậu quả. Việc tạm ứng sau này thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư.
Hoàng Đan