Lộ diện mẫu quân phục ngụy trang mới của QĐND Việt Nam: Có gì đặc biệt?
Theo đó, mẫu quân phục được chọn nằm trong kế hoạch nghiên cứu, cải tiến mẫu trang phục dã chiến cho sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ. Các mẫu quân trang mới được giới thiệu có sự thay đổi về màu sắc, họa tiết ngụy trang, chất liệu, kiểu dáng cũng như một số phương án thay thế chi tiết như: dính dán nắp túi áo, cúc bấm kim loại kiểu phù hiệu.
Trong đó, quan trọng nhất là việc thay đổi họa tiết (hoa văn) ngụy trang và màu sắc. Kết quả lựa chọn các phương án được báo Quân đội nhân dân đăng tải như sau:
Kết quả tổng hợp phiếu ý kiến như sau: Tổng số có 540/693 phiếu tham gia ý kiến. Trong đó: Về quân phục dã chiến, số phiếu đồng ý phương án 1 là 317/540 bằng 58,8%.
Phương án này hoa văn của trang phục dã chiến in loang giống của đặc công nhưng sử dụng màu sắc theo màu Lục quân - Biên phòng và quân binh chủng. Các họa tiết được bố cục nằm tách rời nhau, không chồng chéo, tạo nên một tổng thể hài hòa, không bị rối mắt.
Số phiếu đồng ý với phương án 2 hoa văn in kiểu đám mây điện toán là 114/540 bằng 21,1%. Số phiếu đồng ý với phương án 3, bố cục và màu sắc in loang kiểu của Phòng không - Không quân, Hải quân, Cảnh sát biển giữ nguyên như quân phục dã chiến K17; riêng Lục quân, Biên phòng màu sẫm hơn là 106/540 bằng 19,6%.
Về mũ mềm dã chiến, số phiếu đồng ý phương án 1 là 301/540 bằng 55,7%. Số phiếu đồng ý phương án 2 là 239/540 bằng 44,3%.
3 phương án họa tiết ngụy trang mới (với màu sắc dành cho Lục quân, Biên phòng), từ trái qua phải: Phương án 1, 2 và 3.
Mẫu quân phục ngụy trang mới của các Quân chủng (từ trái qua phải) Lục quân, Phòng không - Không quân và Hải quân.
Về phương án 1:
Cận cảnh họa tiết ngụy trang của phương án 1.
Kiểu họa tiết ngụy trang của phương án này là sử dụng họa tiết như trên quân phục ngụy trang của đặc công, nhưng dùng màu sắc của Lục quân - Biên phòng và quân binh chủng. Kiểu họa tiết ngụy trang này vốn có tên gọi là Duck Hunter. Đây là họa tiết ngụy trang được Mỹ nghiên cứu và ra đời trong giai đoạn chiến tranh thế giới thứ 2, dưới tên gọi M1942.
Tổng thể họa tiết này là một mảng màu lớn cùng ít nhất 2 chấm màu loang khác chồng lên.
Quân phục ngụy trang kiểu họa tiết Duck Hunter của lực lượng đặc công Việt Nam.
Về phương án 2:
Cận cảnh họa tiết ngụy trang của phương án 2.
Mũ mềm với họa tiết ngụy trang của phương án 2.
Kiểu họa tiết ngụy trang của phương án này là sử dụng họa tiết in kiểu đám mây điện toán (họa tiết ngụy trang kỹ thuật số) hay còn được biết tới tên gọi là Digital. Đây có thể coi là họa tiết ngụy trang tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới và cũng là kiểu họa tiết được sử dụng rộng rãi nhất cùng với kiểu họa tiết Woodland (như trên bộ quân phục ngụy trang K07 của QĐNDVN).
Các họa tiết ngụy trang kỹ thuật số ra đời lần đầu vào năm 1996 (bộ quân phục CADPAT của Canada), kiểu họa tiết được tạo ra nhờ sự hỗ trợ của máy tính. Các điểm màu của họa tiết này có hình dạng ô vuông xếp cạnh nhau theo một trình tự nhất định nhằm đảm bảo khả năng làm rối và đánh lừa mắt cũng như các thiết bị quang học.
Quân phục ngụy trang kỹ thuật số MARPAT của lính thủy đánh bộ Mỹ. Nguồn: military.com
Quân phục ngụy trang kỹ thuật số Digital Flora của Quân đội Nga.
Quân phục ngụy trang kỹ thuật số của Quân đội Singapore, một nước trong cùng khu vực, khí hậu với Việt Nam.
Khi so sánh với các kiểu họa tiết ngụy trang cũ ra đời trước nó, họa tiết kỹ thuật số có 1 ưu điểm đặc biệt như sau:
Ở các kiểu họa tiết ngụy trang truyền thống, có một nguyên tắc: nếu cùng màu sắc và cách sắp đặt thì các điểm màu càng lớn thì hiệu quả ngụy trang càng cao khi nhìn từ xa và các điểm màu càng nhỏ thì hiệu quả ngụy trang cao khi nhìn gần.
Kiểu họa tiết ngụy trang kỹ thuật số đã dung hòa được 2 vấn đề này, tức là hiệu quả ngụy trang của nó vẫn tốt trong cả trường hợp nhìn xa hay nhìn gần.
Ngoài ra, có 1 nghiên cứu của Văn phòng nghiên cứu Hải quân (Mỹ) cho biết, những người lính mặc bộ quân phục MARPAT (bộ quân phục ngụy trang kỹ thuật số dành cho lính thủy đánh bộ Mỹ) thì mất khoảng 2,5 giây để bị nhận ra.
Trong khi đó, những người lính khác mang quân phục ngụy trang dạng Woodland của NATO thì chỉ mất khoảng 1 giấy để bị phát hiện. Điều này đã cho thấy tính ưu việt rất lớn của quân phục ngụy trang kỹ thuật số.
So sánh các họa tiết ngụy trang (từ trái qua phải): màu trơn, kỹ thuật số và woodland.
Việc chúng ta đã nghiên cứu được quân phục ngụy trang kỹ thuật số cho thấy bước tiến lớn trong việc thay đổi quân phục nhằm bắt kịp kỹ thuật cũng như xu hướng chung của quân đội các nước.
Về phương án 3:
Họa tiết ngụy trang của phương án 3 (ngoài cùng bên trái). Nguồn: qdnd.vn
Sử dụng kiểu họa tiết ngụy trang của quân phục K17. Quân phục K17 hiện chỉ ở bước thử nghiệm cho các đơn vị nhằm đánh giá tính hiệu quả trước khi đưa vào trang bị đại trà.
-
Nga "hắt hủi" Su-57: Đâu mới là lý do đích thực?
Tuy nhiên, ở lần bầu chọn vừa qua, kiểu họa tiết này chỉ được lựa chọn áp dụng cho lực lượng Phòng không - Không quân, Hải quân và Cảnh sát biển. Kiểu họa tiết của K17 khá giống với họa tiết Duck Hunter nhưng các mảng màu dài hơn, đan xen vào nhau khiến chúng nhìn rối mắt và khả năng đánh lừa người nhìn tốt hơn.
Hiện tại các phương án sẽ còn phải được thủ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét thông qua lần cuối trước khi trang bị đại trà cho toàn quân trong năm 2019.
Mẫu quân phục dã chiến mới của QĐND Việt Nam
Ly Vy