Lễ hội Xương Giang là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Công bố quyết định đưa Lễ hội Xương Giang vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc Gia (Ảnh: Báo Bắc Giang). |
Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái đã trao chứng nhận Lễ hội Xương Giang là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho cán bộ và nhân dân thành phố Bắc Giang.
Sau màn trống khai hội, các đại biểu, nhân dân được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Chiến thắng Xương Giang - muôn thuở còn truyền” gồm 3 phần: “Xương Giang - Bản hùng ca vang mãi”; “Bài ca đất nước; “Bắc Giang - niềm tin, khát vọng”.
Cách đây 597 năm, tại mảnh đất Xương Giang lịch sử đã diễn ra trận quyết chiến của nghĩa quân Lam Sơn, lập nên chiến công vang dội, tiêu diệt 10 vạn quân Minh, buộc chủ tướng Vương Thông phải đầu hàng và rút quân về nước. Chiến thắng Xương Giang năm 1427 đã chấm dứt 20 năm đô hộ của nhà Minh đối với nước ta, mở ra thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc.
Ngược dòng lịch sử vào đúng mùa xuân năm Mậu Tuất 1418, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi khởi xướng, bắt đầu từ thượng du Thanh Hóa, đến giữa năm 1426, nghĩa quân tiến ra phía Bắc bao vây thành Đông Quan.
Trước tình hình đó, tướng giặc là Vương Thông một mặt âm mưu giảng hòa, mặt khác phái người về nước cầu cứu viện binh. Triều đình nhà Minh đã quyết định điều 2 đạo viện binh sang tiếp viện. Nắm được mưu đồ của giặc, so sánh lực lượng địch - ta, Lê Lợi đã chọn kế sách “vây thành, diệt viện”. Vây chặt các thành, tập trung lực lượng để tiêu diệt các đạo viện binh sắp tới.
Thực hiện sách lược đó, Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã cử các tướng tài lên vùng biên ải để chặn đánh viện binh. Đồng thời hợp sức cùng nghĩa quân đánh chiếm các thành địch. Trong các trận bao vây, chiếm thành, gay go và quyết liệt nhất là chiếm thành Xương Giang. Trải qua hơn 6 tháng bao vây bền bỉ, tiến công liên tục, với hơn 30 trận đánh lớn nhỏ, nghĩa quân Lam Sơn và Nhân dân địa phương đã hạ được thành Xương Giang, trước khi viện binh kéo sang nước ta 10 ngày...
Sau chiến thắng Xương Giang, quân Vương Thông ở Đông Quan bị vây hãm lâu ngày vô cùng khiếp sợ, tuyệt vọng không còn kế thoát thân. Vương Thông và các tướng giặc xin giảng hòa, thực chất là đầu hàng. Cuối tháng 12 năm 1427, chúng phải trao trả tất cả các thành còn lại và rút quân về nước, mở ra thời kỳ thái bình của quốc gia Đại Việt.
Chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang là điển hình của nghệ thuật quân sự “Lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh”, là biểu tượng của sức mạnh, tinh thần và ý chí quyết thắng của dân tộc Việt Nam. Chấm dứt 20 năm đô hộ bạo tàn của Nhà Minh, mãi mãi trở thành một dấu son chói lọi, viết thêm trang sử vẻ vang trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
Để mừng chiến thắng quân Minh, năm 1428, sau khi lên ngôi, vua Lê Lợi đã mở hội khao quân, tuyên đọc “Đại cáo Bình Ngô”. Trong đó, ở Kinh Bắc có trị sở là thành Xương Giang cũng được hưởng lộc và tổ chức lễ hội lớn, để cáo tế trời đất ban phúc lộc cho nhân dân.
Từ đó về sau, nhân dân địa phương tổ chức rước lễ vật về thành Xương Giang làm lễ tế, mở hội ăn mừng chiến thắng, dâng hương tưởng nhớ tới các anh hùng, nghĩa sỹ Lam Sơn và nối tiếp cho đến nay cứ vào dịp đầu xuân (từ mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng), lễ hội được duy trì ở quy mô cấp thành phố, mang giá trị văn hóa và tinh thần sâu sắc của vùng đất Kinh Bắc - Bắc Giang.
Với những giá trị to lớn trong lịch sử, Địa điểm chiến thắng Xương Giang, Bắc Giang đã được Bộ VHTTDL công nhận xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2009 và Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt năm 2019.
Cũng như hàng năm, Lễ hội kỷ niệm 597 năm chiến thắng Xương Giang được tổ chức trang trọng tại đền Xương Giang, là sự tôn kính, ghi nhớ công ơn đối với các bậc tiền nhân, hiền tài và nghĩa sỹ, người dân Xương Giang - Bắc Giang đã chiến đấu anh dũng, hy sinh trên mảnh đất lịch sử hào hùng. Đồng thời khơi dậy, cổ vũ sức mạnh khối đại đoàn kết của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố.
Qua các tiết mục diễn xướng sử thi “Phá thành giặc”, “Mừng Xương Giang chiến thắng”, các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Bắc Giang đã đem đến cho nhân dân và du khách thấy được tinh thần anh dũng của quân dân ta trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Qua đó khẳng định Chiến thắng Xương Giang là chiến thắng của sự tài trí và sức mạnh đoàn kết của cha ông ta. Lễ hội chiến thắng Xương Giang giúp cho mọi các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc hơn về truyền thống tốt đẹp của quê hương, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo trong lao động và học tập, góp phần xây dựng TP Bắc Giang ngày càng giàu mạnh và phát triển. Tiếp nối chương trình là các ca khúc mang âm hưởng đồng bằng Bắc Bộ, chủ đề mừng xuân, mừng Đảng và ca ngợi quê hương, đất nước qua phần biểu diễn của các ca sĩ, nghệ sĩ của Bắc Giang và trung ương.
Ngày 15/2 (tức mùng 6 tháng Giêng), lễ hội Xương Giang tiếp tục với các đoàn rước; thỉnh chiêng, thỉnh trống khai hội; trình diễn di sản văn hóa phi vật thể (hát chèo, ca trù, quan họ…); trình diễn thư pháp; trưng bày ảnh, không gian văn hóa chợ quê; liên hoan hương sắc ẩm thực; chiếu phim hoạt hình lịch sử chiến thắng Xương Giang, các trò chơi dân gian: Vật, kéo co, chọi chim, đu cây, bịt mắt đập niêu, cờ người…
Vovinam được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Mới đây, Vovinam đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |
Mới đây, nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |