Lập Ban chỉ đạo quốc gia Chống suy thoái kinh tế là đặc biệt cần thiết
Chống suy thoái kinh tế như chống "giặc" |
Kinh tế Mỹ đối mặt nguy cơ suy thoái trầm trọng như năm 2008 |
Kinh tế Việt Nam chịu tác động không nhỏ từ dịch COVID-19 (Ảnh minh hoạ) |
Trao đổi với Tạp chí Thời Đại về tình hình Kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2020, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã chia sẻ về những giải pháp có thể chặn được đà suy thoái kinh tế trong những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021.
-Ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế trong nước 6 tháng cuối năm 2020?
Tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm có thể sẽ rất xấu. Khó khăn nhất hiện nay với nền kinh tế nước ta chính ra đầu ra sản phẩm, khó khăn trong khâu xuất khẩu.
Các quốc gia tiêu thụ và nhập khẩu hàng hoá lớn của ta đều bị dịch bệnh tàn phá. Việc không tìm được đầu ra sản phẩm cũng sẽ khiến việc làm của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Theo số liệu mà tôi có được thì trong 6 tháng đầu năm nay đã có khoảng hơn 8 triệu lao động bị ảnh hưởng do kinh tế sụt giảm.
Thêm 1 yếu tố nữa là cơ cấu của nền kinh tế hiện nay của chúng ta cũng khiến những khó khăn này thêm phần nặng nề. Tôi chỉ lấy 1 ví dụ đơn giản, hiện tại nhiều người đưa ra giải pháp cần thúc đẩy tiêu thụ tại thị trường trong nước, nhưng nếu để ý, GDP bình quân đầu người nước ta chỉ khoảng 2.700 USD, cho nên dù có cố thúc đẩy thì mức tiêu thụ này cũng chỉ bằng 1 phần nhỏ các thị trường mà chúng ta xuất khẩu sang. Đó là vì những thị trường đó có GDP trung bình trên 10.000 USD/người. Nói vậy để thấy giải pháp này không sai, nhưng theo tôi nó không phải biện pháp dài hơi hay có tính hiệu quả cao.
Theo tôi cần một "gói" giải pháp tổng thể gồm cả thị trường trong nước và thị trường quốc tế.
Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên |
-Mới đây Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề xuất thành lập Ban chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế, theo ông có cần thiết không?
Đây là đề xuất hoàn toàn hợp lý, ở thời điểm nhạy cảm và đặc thù như hiện tại thì cần thành lập những Ban chỉ đạo mang tính đặc thù.
Phải nói thêm, mục tiêu quan trọng nhất của chúng ta ở thời điểm này không phải là phát triển mà là "chặn đà suy thoái" của nền kinh tế. Đây là mục tiêu cấp bách nhất ở thời điểm này.
Theo những số liệu có được và dự báo của nhiều chuyên gia, các chỉ số kinh tế của nước ta có thể sẽ xấu đi trong những tháng cuối năm nay. Sức ép về kiểm soát lạm phát là rất lớn, thị trường đầu ra cho sản xuất kinh doanh, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, da giày... sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn.
Không nằm ngoài vòng xoáy sụt giảm, kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều tác động khi tốc độ tăng trưởng GDP quý II tăng 0,36%, 6 tháng đầu năm tăng 1,81%, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua đối với nước ta nhưng so với khu vực và thế giới thì lại là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương. Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên thoát ra khỏi dịch bệnh, thiết lập trạng thái bình thường mới. Theo các chuyên gia kinh tế, điểm đáng chú ý là GDP quý II/2020 ước tính chỉ tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2020 bởi đây là giai đoạn Chính phủ chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ các giải pháp nhằm giãn cách xã hội... |
-Nếu vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất của Ban chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế là gì?
Như tôi đã nói ở trên, điều cần thiết nhất bây giờ là chặn đà suy thoái thì đây chính là công việc quan trọng nhất của Ban chỉ đạo này. Ban chỉ đạo có thể sẽ là nơi "kết nối" những đầu mối liên quan để giúp nền kinh tế giữ được những chỉ số cần thiết.
Tôi cũng đồng ý với phương châm “chống suy thoái kinh tế như chống giặc” được bộ trưởng Dũng nêu ra.
Thực ra việc chống suy thoái kinh tế này cũng sẽ như chống dịch COVID-19 vừa rồi cần sự tham gia của cả 3 bên gồm: Chính quyền, doanh nghiệp và người dân.
Ban chỉ đạo sẽ là nơi tiếp nhận các thông tin liên quan và xử lý những thông tin này để có kết quả tốt nhất.
Ban chỉ đạo cần được thành lập sớm và dần đi vào hoạt động để tháo gỡ khó khăn, ngăn chặn sự suy thoái của nền kinh tế.
Cần tận dụng tốt lợi thế trong nông nghiệp để giúp chặn đứng suy thoái kinh tế - Ảnh minh hoạ |
- Theo ông, đâu sẽ là mũi nhọn để giúp chặn đà suy thoái?
Dư địa để phát triển kinh tế nước ta vẫn còn nhiều. Tuy nhiên, theo tôi mũi nhọn kinh tế quan trọng nhất ở thời điểm này là nông nghiệp.
Chúng ta có nền nông nghiệp đủ tiềm lực để phát triển. COVID-19 cũng là cơ hội để chúng ta thay đổi tư duy làm nông nghiệp, phải đưa phương thức sản xuất công nghiệp vào trong nông nghiệp.
Tôi muốn nhấn mạnh ý này, đây không chỉ là đưa máy móc vào trồng lúa hay nuôi heo. Cần có giải pháp tổng thể cho nền nông nghiệp từ những bước đi đầu tiên như cần có giống tốt, cần liên kết các đơn vị sản xuất để có những cánh đồng những trại chăn nuôi lớn....
Ngoài ra, nhà nước cũng cần hỗ trợ về chính sách , công nghệ cũng như các giải pháp cần thiết để tối ưu hoá mô hình sản xuất giúp đủ sức cung cấp sản phẩm và cạnh tranh với các đơn vị nước ngoài.
Một lần nữa tôi nghĩ rằng COVID-19 có thể trở thành tiền đề cho cuộc cách mạng đối với nền nông nghiệp Việt Nam. Hơn lúc nào hết chúng ta cần thay đổi để vượt qua khủng hoảng và phát triển mạnh mẽ hơn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định, ngành gạo đặt mục tiêu xuất khẩu 6,7 triệu tấn trong năm 2020, con số này có thể lên 8 triệu tấn. Với mức giá xuất khẩu trung bình 480 USD/tấn, kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2020 của Việt Nam có thể đạt 3,9 tỷ USD. Riêng tháng 5/2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng 11,7% về lượng và 35,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, đạt 750.000 tấn, trị giá 395 triệu USD. Đáng chú ý, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 5/2020 tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua, bình quân đạt 527 USD/tấn, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2019. |
Chống suy thoái kinh tế như chống "giặc" Đây là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng tại hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ ... |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Muốn nghe hiến kế để có chính sách đặc biệt Sáng nay (2/7), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương, đây là sự ... |
Việt Nam trúng thầu xuất 30.000 tấn gạo sang Philippines Ngày 8/6 vừa qua, Tổng công ty Thương mại quốc tế Philippines (PITC) đã tổ chức đấu thầu nhập khẩu 300 nghìn tấn gạo vào Philippines. ... |