Lão ngư Võ Mới và những chuyện cũ ở Hoàng Sa
Hoàng Sa, Trường Sa từ bao đời đã là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam Thuyền trưởng Hồ Đình Thủy quả quyết: 'Ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa từ đời tiên tổ đã là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam...' |
Những cuộc chia ly ở Trường Sa Không phải ruột thịt, không phải người yêu nhưng những cuộc chia tay ở Trường Sa bao giờ cũng thấm đẫm tình người... |
Xuân Cổ Lũy
Cứ mỗi chuyến tàu có băng qua quần đảo Hoàng Sa, lão ngư Võ Mới (ngụ xã Nghĩa An nằm bên bờ sông Phú Thọ dẫn ra cửa Đại Cổ Lũy, Quảng Ngãi) lại ghé đảo Tri Tôn thuộc quần đảo này để lên thắp hương cho mộ người cháu xấu số.
Ngày cuối năm 2020 cũng vậy, trước khi trở về đất liền ông cũng lên đảo, tới góc có mấy ngôi mộ có ngôi mộ làm dấu là mộ chôn người Việt, để thắp hương. Chuyện mà ông Mới kể, dù là chuyện cũ, nhưng lại là chuyện mới khiến tôi giật mình.
Trong lần vượt biển trên chiếc tàu gỗ nhỏ vào năm 1987, người con trai bị ốm nặng, không qua khỏi. Thuyền trưởng con tàu khi ấy thấy mờ nhạt phía chân trời có một hòn đảo nên cố cho tàu tiến đến để chôn cất người chết, rồi mới tiếp tục hải trình. Sau này, cha của người con trai đó là ông Nguyễn Ẩn gởi gắm ông Mới mỗi lần “ra đảo cố gắng đến vun lại mộ và thắp hương cho cháu nó đỡ lạnh lẽo”. Ông Mới luôn mang theo lời gởi gắm đó mỗi khi dong tàu đi Hoàng Sa.
Làng chài ở cửa đại Cổ Luỹ nổi tiếng một thời nay bị bồi lấp nặng. |
Tôi từng nghe vài thuyền trưởng nói câu cửa miệng “từng đi với ông Mới” như lời khẳng định được học nghề từ ngư dân kỳ cựu và nổi tiếng nhất nhì vùng. Ở xã Nghĩa An, Võ Mới thuộc thế hệ kình ngư nổi tiếng, nhất là việc dù tàu không có thiết bị dẫn đường nhưng ông cùng đám bạn chài vẫn ra Hoàng Sa, Trường Sa, tới tận vùng chồng lấn giữa Philippines và Việt Nam để đánh lưới.
“Chỗ đó toàn là cá lâu đời”, ông Mới nói và tôi bật cười khi nghe từ “cá lâu đời”. Đó là những vùng có cá lớn, như con cá cờ nặng tới 400kg, dài gần nửa chiếc tàu, phải cưa làm 3 khúc mới nhét vừa hầm tàu; có đêm lại câu được 40-60 con hay thậm chí 100 con cá mập.
Tết 2021, ông Mới bước qua tuổi 64 nhưng vẫn sở hữu cặp tàu làm nghề giã cào cao tốc (5 người con trai cũng làm biển). Sự chật vật, ngày đêm lo lắng làm lụng để sớm trả nợ vay ngân hàng tiền đóng tàu khiến lão ngư thường chong mắt nghĩ về những vùng biển xa xôi thời trẻ từng đến, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa. “Nếu cá nhiều như hồi trước thì 2 năm là dứt nợ”, ông Mới nói với vẻ suy tư.
Ông kể vào tháng 3.1991, ông đã lái tàu QNg 2049 TS mang theo 3.200 lít dầu về hướng Trường Sa. Tàu chỉ dài 13,5m, công suất máy 52 mã lực (tàu đi Trường Sa hiện dài khoảng 19-21m, công suất máy 700 mã lực trở lên). Sau này, 9 ngư dân đồng hành cùng ông đã trở thành những thuyền trưởng giỏi ở làng chài cửa Đại Cổ Lũy, tiếp tục truyền dạy cho các ngư dân khác.
Lần đầu ra Trường Sa đánh cá, con tàu lang thang khắp các đảo rồi cập vào các nhà giàn. Bộ đội trên chốt giơ tay vẫy chào, tỏ ý mừng rỡ khi nhìn thấy tàu cá treo cờ Việt Nam. Ông Mới trèo lên nhà giàn, chỉ vào tờ hải đồ giấy ra hiệu cho biết tàu đã đi từ Quảng Ngãi vô Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa rồi bật ra Trường Sa hết 4 ngày 4 đêm và đã đi hết các đảo nổi. Anh em bộ đội đa số là người miền Bắc đã thốt lên: Bác đi thế là giỏi hơn chúng em rồi!
Ngư dân Võ Mới nhận ra những hòn đảo nơi ông từng đến. |
Lên đảo Hoàng Sa
Ở cửa Đại Cổ Lũy, vào mùng 3 Tết là bà con ngư dân làm lễ xuất hành đầu năm, cử các tàu làm ăn khá nhất dẫn đoàn. Nhiều năm trước, tàu cá của ngư dân Võ Mới luôn được nhắc đến với vẻ kính nể.
Ông Mới lại nhìn ra cửa biển, nói về thời vận của làng chài lúc này gặp khó và tiếp tục kể về năm tháng xuôi từ Trường Sa về Hoàng Sa. Hòn đảo đầu tiên tàu cập vào là Tri Tôn.
Các nhà nghiên cứu biển Đông mà nghe ngư dân cập tàu vào đảo này thì đều sửng sốt. Vì hòn đảo giống như lỗ châu mai của cướp biển, lính Trung Quốc bắn vào tất cả tàu cá đi qua, mà trong Hoàng Sa thì đảo này nằm gần Việt Nam nhất nên bọn lính luôn cảnh giác và hung hăng.
Cập tàu vào, các ngư dân lên đảo và lang thang trên bờ cát trắng. Sau đó, tàu tiếp tục ra đảo Phú Lâm, nơi hiện Trung Quốc đã xây đường băng và biến thành tiền đồn nguy hiểm trên biển Đông. Nhưng khi ấy, lính Trung Quốc thấy ngư dân Việt Nam thì đến xin cá, luộc xong bê đĩa cá để sát mặt ngư dân ra hiệu ăn trước rồi mới dám ăn. Hóa ra bọn lính sợ bị đầu độc rồi cướp súng, chiếm đảo.
Làng chài ở Quảng Ngãi vào xuân mới. |
Lính Trung Quốc trên đảo đa phần là đói kém nên xin đủ thứ để ăn và để lộ xuất thân từ vùng cao, lạc hậu, thiếu thốn. Các ngư dân và ông Mới lấy lòng bằng cách cho vài xâu cá để yên thân, đánh cá quanh các đảo nổi ở Hoàng Sa.
Những hòn đảo khác của Hoàng Sa như Đá Hải Sâm, Quang Ảnh, Xà Cừ ông Mới cũng đặt chân đến rồi. Ông kể lúc Hoàng Sa mới bị chiếm, ngư dân Việt Nam vẫn đi lại tự do vì hải quân Trung Quốc chưa bao quát hết các đảo nổi. Nhưng từ năm 2000 trở đi, việc chạy vào các đảo Hoàng Sa tránh gió bắt đầu khó khăn, các tàu cá bị bắt giữ, thu cá và phạt tiền.
Trong khi ông dong tàu trên biển thì ở làng chài, bà Minh - vợ ông - khấp khởi chờ chồng về với chiếc tàu đầy cá và toan tính bí mật.
Sau nhiều năm, ông Mới hồi kể bí mật này. Đó là làm biển thời đó trúng đến mức đổ được 10 cây vàng mỗi phiên. Một mức thu nhập kinh khủng. Cứ bán cá - mua vàng, hai vợ chồng chờ trời tối lên nóc nhà, nhét vàng vào ống tre. Vàng nhét khắp mái nhà là lúc ông Mới đóng tàu công suất lớn giá trên 100 cây vàng.
Sau khi thoát nạn từ cơn bão Chan Chu năm 2006, ông Mới giã từ nghề biển. Cách đây 4 năm, ông hâm lại thời trai trẻ, vay vốn đóng tàu giã cào cao tốc. Nhưng cả làng đóng tàu cao tốc nay đều lâm cảnh nợ nần.
Vậy mà trong những ngày đầu năm 2021, ông Mới vẫn kể về hào quang nghề biển một thời, với chiếc tàu giăng cờ tổ quốc, dắt đầy hoa, băng băng dẫn cả đoàn tàu trong lễ xuất hành chào đón mùa biển mới.
Triển lãm bản đồ, trưng bày tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu với chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại Nhà văn hóa huyện Hàm Thuận Bắc. |
Trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam” Triển lãm trưng bày các tư liệu, văn bản, ấn phẩm là một phần bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên Biển Đông. |