Lãnh sự Kim: 1/4 thế kỷ thủy chung cùng nước Việt
Lãnh sự viên Hàn Quốc Kim Jae Chon . Ảnh Thanh Nhã
Giấc mơ Việt Nam
Tốt nghiệp phổ thông, năm 1986, cậu thanh niên Kim Jae Chon chọn thi vào Khoa Tiếng Việt của Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc. Bạn bè và người thân ngỡ ngàng bởi trong mắt mọi người đó là đất nước nghèo khó và lạc hậu, chưa thoát khỏi ám ảnh của cuộc chiến. Hàn Quốc lúc đó đã là một trong những con rồng châu Á vươn mình trỗi dậy. Giới trẻ Hàn Quốc chỉ muốn học tiếng Nhật và tiếng Hoa. Nhưng ba của Kim – một mục sư Tin lành – đã luôn khuyến khích và động viên: “Đó là nơi con cần đến. Ba sẽ luôn cầu nguyện cho con và nơi đó…”
Ra trường, Kim vào làm việc tại tập đoàn Samsung – nơi làm việc mơ ước của bao thanh niên Hàn. Nhưng Kim chỉ làm việc được một năm và quyết định thực hiện giấc mơ của mình: đến Việt Nam!
Tháng 5/1992, lần đầu tiên Kim đến TP.HCM theo thỏa thuận làm việc cho một công ty nhỏ của Hàn Quốc trên đường Nguyễn Thái Sơn ở Gò Vấp. Hình ảnh Việt Nam lúc đó thật tệ hại. Ngồi trong văn phòng của Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM, lãnh sự Kim nhớ lại những kỷ niệm của Sài Gòn thời đó. Ông nói bằng tiếng Việt: “Giống như thời nguyên thủy, lạc hâu vô cùng. Đứng trước Bến Nhà Rồng nhìn về Thủ Thiêm mà cứ ngỡ mình đang ở một vùng quê hẻo lánh nào đó. Bên kia sông là nhà ổ chuột. Đường phố lúc đó chỉ có xe đạp và rất ít xe máy…”
Hồi đó, trong hồi ức của lãnh sự Kim, người dân không có tủ lạnh mà xài, không đi siêu thị. Nhà nào kín đáo lắm thì có cửa kéo sắt, không có cửa kính như bây giờ. Người dân sử dụng chổi để quét vôi tường, không dùng con lăn với sơn nước Nippon như giờ. Ông Kim cười: “Nhưng hồi đó thành phố cũng ngập dữ lắm, như bây giờ thôi. Đi trên đường Ba Tháng Hai vào mùa mưa là sợ lắm…”
Nhưng một Việt Nam lạc hậu vẫn không làm anh thanh niên Kim từ bỏ giấc mơ Việt Nam.
Tháng 12/1992, Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao. Năm sau, Kim thi vào Bộ Ngoại giao Hàn Quốc. Lúc đó, không có một viên chức ngoại giao Hàn Quốc nào có thể kiểm tra khả năng tiếng Việt của anh. Kim kể: “Họ không thể nhờ giáo sư dạy cho anh để kiểm tra anh. Để khách quan, bên bộ nhờ phu nhân của Đại sứ Nguyễn Phú Bình – đại sứ Việt Nam đầu tiên.”
Năm 1995, Kim trở lại Việt Nam nhưng với thân phận là viên chức lãnh sự phụ trách văn hóa, giáo dục và thể thao tại Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc. Thành phố lúc này đã khác trước. Ông nói: “Đường phố nhiều xe máy hơn. Xe taxi đã xuất hiện mà Vinasun là hãng đầu tiên. Đầu tư của các công ty Hàn Quốc vào Việt Nam có sự chuyển biến đáng kể.”
Anh thanh niên Kim Jae Chon trong những ngày đầu đến TP.HCM năm 1992. Lúc đó, ngoài đường chỉ có xe đạp và vài xe gắn máy, ít thấy bóng dáng xe hơi
Sự ngẫu nhiên và món quà vô giá…
Hằng ngày, anh viên chức trẻ đến cơ quan làm việc bằng xe đạp. Người bảo vệ tại tổng lãnh sự quán lại là cháu của ông chủ nhà mà Kim thuê trên đường Phạm Văn Hai. Lãnh sự Kim nói: “Mọi cái ngẫu nhiên thật bất ngờ. Tôi thuê nhà ở số 107 Phạm Văn Hai, Tân Bình thì cơ quan ở 107 Nguyễn Du, Q1. Cũng không nghĩ mình sẽ gặp lại người thân của ông chủ nhà ở lãnh sự quán…”
Sự tình cờ ngẫu nhiên không dừng lại đó. Năm 1998, Kim tham gia vào quá trình xây dựng trường học cho con em của cộng đồng Hàn Quốc tại TP.HCM. Vợ tương lai của Kim là cô giáo dạy tiếng Hàn tại đây. Năm 2001, cả hai làm đám cưới và đưa nhau về Hàn Quốc theo nhiệm kỳ công tác của Kim. Rồi Kim quay lại Hà Nội làm việc, rồi trở lại Hàn Quốc và từ năm 2010 Kim chính thức làm việc tại TP.HCM. Ông Kim kể: “Tôi về nhà lúc bốn giờ sáng. Cảm giác nôn nao lắm, như trở về nhà. Sáng sớm đã bắt xe đến nhà hàng Tân Hải Vân trên đường Nguyễn Trãi để ăn bằng được món mình thích – hủ tiếu xào bò…”
Hồi Kim mới đến Việt Nam tóc dày và mượt. 25 năm sau, giờ đầu Kim lãnh sự không còn tóc. Nhưng tình cảm của Kim lãnh sự với Việt Nam ngày càng dày và sâu đậm hơn. Kim ăn gì cũng được, từ nặng mùi như mắm tôm đến các món cuốn có rau sống cần sự khéo léo của người ăn. Cái gì Kim cũng nhuyễn. Ông Kim sử dụng tiếng Việt tế nhị và giàu tình cảm. Xưng anh gọi em nếu người đối diện nhỏ tuổi hơn, nhưng một hai cái gì cũng “dạ”. Ông cười: “Nó thấm vậy rồi, làm sao được…”
Câu chuyện đang vui thì Kim lãnh sự bỗng nghẹn lời khi nhắc đến cha mình. Ông nói: “Ba tôi mất 2011. Ngày ba mất tôi nhận ra rằng ba đã trao cho tôi một món quà vô giá. Đó là Việt Nam! Nếu không có sự khích lệ và hỗ trợ của ba thì tôi đã không chọn học tiếng Việt và gắn bó với Việt Nam!”
Dạy con yêu Việt Nam…
Hằng ngày, ông Kim thức giấc 6 giờ sáng. Cùng vợ lo ăn sáng cho hai con trai xong thì đưa con đi học. Sau đó thì ông Kim lãnh sự đến cơ quan ở Q1.
Cộng đồng Hàn Quốc hơn 100.000 người tại Việt Nam luôn cần có nhiều việc cần giải quyết. Tương ứng với điều đó là hơn 100.000 lao động Việt và 60.000 cô dâu Việt đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc. Ông Kim nói kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Hàn là thời điểm bận rộn nhất… Người Hàn Quốc phong phú tình cảm, giống như người Việt. Vai trò của quân đội Hàn Quốc trong cuộc chiến tại Việt Nam giờ đã là quá khứ. Chúng ta bước sang một giai đoạn hợp tác mới!
Lãnh sự Kim nói nếu được thì ông sẽ tiếp tục làm việc ở Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho đến khi về hưu. Sau đó, ông sẽ vui hưởng tuổi già tại Việt Nam. Nếu không làm việc ở Bộ Ngoại giao thì ông sẽ làm việc ở Trung tâm Hàn Quốc học tại Đại học Sư phạm TP.HCM hay Đại học Cần Thơ – nơi ông đã góp công lớn trong việc hình thành.
Gắn bó với Việt Nam, ông Kim đã được UBND TP.HCM trao tặng bằng khen nhân dịp 20 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2012. Sắp tới, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) sẽ chính thức trao tặng kỷ niệm chương cho ông vào cuối tháng 7 hay đầu tháng 8/2017. Nhưng với ông, món quà mà ba ông trao tặng là lớn nhất. Ông nói: “Khi mất, ba không cho tôi tài sản gì cả, nhưng Việt Nam là món quà quý nhất mà ba tặng. Tôi muốn tặng lại món quà cho hai con trai của mình. Tôi dặn các con dù sau này có đi đâu hay làm công dân của nước nào thì mỗi năm phải về Sài Gòn để thăm cha, thăm quê hương của mình!”
Hồ Nguyên Thảo