Ký kết 42 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa doanh nghiệp Hàn - Việt
Hội nghị giao thương, kết nối xuất khẩu hàng hóa giữa các doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên với doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2024 có sự tham gia của 29 doanh nghiệp Hàn Quốc và 74 doanh nghiệp trong nước, chủ yếu đến từ các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông. Chương trình diễn ra trong 1 ngày với 2 phiên: Tổ chức giao thương trực tiếp theo hình thức 1-1 giữa các doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên và doanh nghiệp Hàn Quốc và phiên Hội nghị giao thương kết nối xuất khẩu hàng hóa khu vực Tây Nguyên với doanh nghiệp Hàn Quốc.
Quang cảnh Hội nghị giao thương, kết nối xuất khẩu hàng hóa giữa các doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên với doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2024 - (Ảnh: Hoàng Oanh/dangcongsan.vn). |
Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch song phương năm 2023 đạt 76 tỷ USD, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 32 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 10,2 tỷ USD, tăng 10,9%, chiếm 6,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Theo các chuyên gia kinh tế, các tỉnh khu vực Tây Nguyên cần phải có các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất khẩu theo quy mô chuyên nghiệp để phát huy tối đa các nguồn lực, thực thi hiệu quả các chương trình hành động mang tính đột phá để tạo ra bước chuyển biến mới, phát huy tối đa vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh mình.
Cũng tại hội nghị, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương khu vực Tây Nguyên đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương sang thị trường Hàn Quốc nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho các nhà sản xuất, xuất khẩu.
Hoạt động nhằm hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh của Vùng ở thị trường trong nước và thị trường quốc tế với chủ trương đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, chú trọng khai thác các kênh trực tuyến, thương mại điện tử cho hàng Việt Nam. Đồng thời, thúc đẩy và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho sản phẩm Việt Nam với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam tại tất cả các khu vực trên thế giới.
Theo ông Bùi Xuân Lịch - Trưởng đại diện Văn phòng Cục Xúc tiến Thương mại tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên chia sẻ, hiện nay, Việt Nam đã ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với khoảng 10 nền kinh tế lớn của thế giới, tạo ra xu hướng tất yếu trong hợp tác, giao thương quốc tế để phát triển bền vững. Vì vậy, doanh nghiệp phải chú ý các quy định của các Hiệp định để thực hiện cho đúng…
Doanh nghiệp các tỉnh Tây Nguyên ký kết hợp tác với nhiều đối tác Hàn Quốc - (Ảnh: BTC). |
Chương trình Kết nối giao thương trực tiếp giữa các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam đã hứa hẹn giai đoạn phát triển giao thương giữa khu vực Tây Nguyên với một thị trường quốc tế mới. Đã có 42 Biên bản ghi nhớ hợp tác của 18 doanh nghiệp Hàn Quốc ký kết với các doanh nghiệp Việt Nam (Lâm Đồng 25, Đắk Lắk 11, còn lại là của các tỉnh khác) - chủ yếu sản xuất kinh doanh các mặt hàng nông sản, như: cà phê, macca, sinh tố trái cây, rau củ sấy, atiso, nấm, trà, hạt điều…