Kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng trưởng 2 con số
Ảnh minh họa |
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 8/2024, xuất khẩu rau quả đạt 350,087 triệu USD, tăng 46,66% so với nửa đầu tháng trước, và đến 96,82% so với nửa đầu tháng 8/2023.
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/8, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt hơn 4,231 tỷ USD, tăng 29,71% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ước tính của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruite), kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 8 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 4,6 tỷ USD, dự tính mỗi tháng xuất khẩu rau quả đạt khoảng 600 triệu USD, 4 tháng còn lại của năm 2024 sẽ đạt 2,4 tỷ USD, đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả của năm 2024 đạt 7 tỷ USD.
Top 10 thị trường xuất khẩu rau quả chính của Việt Nam lần lượt là: Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan, Hà Lan, Úc, …
7 tháng đầu năm 2024, nhóm trái cây đạt giá trị xuất khẩu cao, gồm: Sầu riêng, thanh long và chuối, trong đó, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 1,602 tỷ USD, tăng 49,8%, thanh long đạt 324 triệu USD, giảm 19,4%, xuất khẩu chuối đạt 233,61 triệu USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 2,491 tỷ USD, tăng 24,9% và chiếm tỷ trọng 64,18%; thị trường Mỹ đạt 189,409 triệu USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ, chiếm tỷ lệ 4,88%, Hàn Quốc đạt 188,937 triệu USD, tăng 51,1%, chiếm tỷ lệ 5,87%, Thái Lan đạt 122,290 triệu USD, tăng 70,3%, chiếm tỷ lệ 3,15%, …
Với tốc độ xuất khẩu tăng trưởng 2 con số trong thời gian qua, cho thấy chất lượng rau quả của Việt Nam ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu cao về vệ sinh an toàn thực phẩm của các thị trường nhập khẩu.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Vinafruite cho biết, năm ngoái kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt hơn 5,60 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt gần 2,4 tỷ USD. 7 tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 3,881 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 1,60 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 49,8%, chiếm 41,30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước.
Mặt hàng trái cây có tốc độ tăng trưởng 2 con số là chuối. Trước đây, Philippines là thị trường cung cấp chuối chủ lực cho Trung Quốc, nhưng nay người tiêu dùng Trung Quốc giảm tiêu thụ chuối của nước này và quay sang dùng chuối của Việt Nam, nhờ vậy mà kim ngạch xuất khẩu chuối tăng trưởng tốt.
Nguyên nhân là do chuối của Philippines mắc bệnh Panama làm giảm sản lượng. Các chợ đầu mối tiêu thụ rau quả của Trung Quốc như Quảng Đông, Quảng Tây và Bằng Tường, ... chỉ cách biên giới Việt Nam khoảng 100 km nên chi phí vận chuyển tương đối rẻ. Trong khi đó, Philippines phải vận chuyển bằng tàu cập cảng Thẩm Quyến hoặc Quảng Châu, … sau đó vận chuyển bằng đường bộ vào các chợ đầu mối để phân phối, nên giá thành cao hơn nhiều so với Việt Nam.
Mặt hàng khác có giá trị xuất khẩu cao vào Trung Quốc là sầu riêng đông lạnh. Mặc dù, Việt Nam và Trung Quốc đã ký xong Nghị định, nhưng phải chờ phía Trung Quốc kiểm tra và các nhà máy chế biến đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, và cơ sở đóng gói phải được cấp mã số mới đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, vì vậy, nhanh lắm phải đến tháng 12/2024 thậm chí đầu năm 2025 sầu riêng đông lạnh mới đủ điều kiện xuất khẩu vào Trung Quốc.
“Nghị định thư tuy đã ký xong nhưng chúng ta vẫn phải chờ phía Trung Quốc kiểm tra các nhà máy chế biến, cơ sở đóng gói, nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến phải được thu hoạch từ các vùng trồng đã được cấp mã số, và phải trồng trọt theo hướng nông nghiệp tốt VietGAP hoặc GlobalGAP.
Khi sầu riêng đông lạnh chính thức xuất khẩu sang Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng có thể đạt 4 tỷ USD. Đưa tổng kim ngạch xuất khẩu ra quả của cả nước có khả năng đạt 7,5 tỷ USD. Với năng lực sản xuất và xuất khẩu như hiện nay dự đoán khoảng vài năm nữa kim ngạch xuất khẩu rau quả có khả năng bắt kịp kim ngạch xuất khẩu thủy sản”, Tổng thư ký Vinafruite lạc quan nói.