Không phải Mỹ hay Nhật, đây mới là quốc gia có sản lượng xe hơi nhiều nhất thế giới
Bắt đầu từ năm 2009, sản lượng sản xuất xe hơi tại Trung Quốc thậm chí cao hơn tổng sản lượng sản xuất của Mỹ và Nhật Bản cộng lại.
Điều khá thú vị là 4 ông lớn trong ngành xe Trung Quốc hiện nay đều là các hãng liên doanh như SAIC Motor, Dongfeng, FAW hay Chang’an.
Ông lớn tại Châu Á
Lịch sử ngành xe hơi của Trung Quốc có thể truy ngược về năm 1931 khi chiếc xe hơi đầu tiên được ra đời. Tuy nhiên, ngành ô tô tại đây chưa thể phát triển do những cuộc chiến tranh sau đó.
Đến thập niên 1950, những nhà máy sản xuất xe hơi tại Trung Quốc được thành lập với sự giúp đỡ khá nhiều từ phí Liên Xô. Dẫu vậy, sản lượng xe hơi tại thời kỳ này còn khá thấp với chưa đến 100.000-200.000 chiếc/năm.
Sang thập niên 1990, kinh tế phát triển đã làm bùng nổ ngành xe hơi tại đây. Đến năm 2014, tổng sản lượng xe hơi tại Trung Quốc đạt 23,270 triệu chiếc, chiếm 26% tổng sản lượng ô tô toàn thế giới.
Doanh số bán xe hơi tại Trung Quốc tăng đều bất chấp ảm đạm ở nhiều thị trường
Xét riêng về mảng xe có trọng tải dưới 3,5 tấn, sản lượng của Trung Quốc đã tăng mạnh từ 8 triệu chiếc năm 2006 lên 27 triệu chiếc năm 2016, chiếm 30% tổng sản lượng toàn cầu, đóng góp 10% nguồn thu thuế và 10% tổng số việc làm toàn quốc.
Trong mảng xuất khẩu, Trung Quốc bán ra khoảng 814.300 chiếc xe năm 2011. Hầu hết số xe hơi sản xuất được tiêu thụ tại thị trường trong nước nên quốc gia này vẫn chưa có tên trong 10 nước xuất khẩu ô tô nhiều nhất thế giới.
Năm 2009, khoảng 62 triệu chiếc xe đã được đăng ký tại Trung Quốc nhưng con số này dự kiến tăng lên đến 200 triệu chiếc năm 2020. Hãng tư vấn McKinsey cũng nhận định ngành xe hơi tại Trung Quốc sẽ tăng trưởng gấp 10 lần trong khoảng 2005-2030.
Hiện nay, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ xe hơi lớn nhất thế giới và đã giữ vị trí này trong gần 10 năm qua. Riêng trong năm 2016, Trung Quốc tiêu thụ 28 triệu chiếc xe mới, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2015, cao hơn rất nhiều so với mức 17,5 triệu chiếc tại Mỹ.
Bảo hộ ngành xe
Trong khi nhiều thị trường ô tô trên thế giới như Brazil, Nga gặp khó trước bất ổn về kinh tế, chính trị thì thị trường xe hơi Trung Quốc vẫn tăng trưởng đều. Theo hãng tin Bloomberg, nguyên nhân chính cho sự tăng trưởng này là hậu thuẫn của chính phủ Trung Quốc.
Cho đến trước năm 1985, nhu cầu xe hơi cao trong nước đã khiến lượng ô tô nhập khẩu tăng đều bất chấp mức thuế đặc biệt 260%. Ban đầu, những dòng xe của Nga chiếm ưu thế nhưng dần dần, các thương hiệu của Nhật bắt đầu chiếm lĩnh thị trường. Đến giữa năm 1985, Trung Quốc đã trở thành thị trường nhập khẩu xe hơi lớn thứ 2 của Nhật Bản sau Mỹ.
Tính riêng trong năm 1985, Trung Quốc đã nhập khẩu 3 tỷ USD xe hơi từ Nhật Bản. Trước tình hình này, chính quyền Bắc Kinh đã áp mức thuế siêu cao cho các sản phẩm ô tô nhập khẩu cũng như giới hạn quota cho từng dòng ô tô.
Những hãng xe liên doanh có doanh số nhiều nhất tại Trung Quốc
Thêm vào đó, Trung Quốc cũng buộc các nhà sản xuất nước ngoài phải liên doanh với các hãng trong nước nếu muốn tiếp cận thị trường này. Cổ phần của các hàng nước ngoài tại những liên doanh này chưa bao giờ vượt quá 50%. Mục tiêu của quy định này là giúp các hãng sản xuất trong nước có thể học tập được công nghệ và kỹ thuật.
Số liệu của Bloomberg cho thấy trong năm 2014, các hãng liên doanh đã kiếm được khoảng 9,7 tỷ USD nhờ những chính sách bảo hộ này của chính phủ.
Dẫu vậy, những chính sách này không giúp nền công nghiệp xe hơi nước nhà khá hơn bởi chúng giới hạn sự sáng tạo. Bằng chứng là những thương hiệu xe nội địa chỉ chiếm 34,6% thị phần, còn lại là các liên doanh lắp ráp với thương hiệu quốc tế.
Hệ quả là chính quyền Bắc Kinh buộc phải có những biện pháp nhằm bảo hộ thêm ngành ô tô trong nước bằng cách thực hiện những cuộc điều tra đối với các hãng xe quốc tế, qua đó buộc họ phải cắt giảm sản lượng và chịu thiệt hại. Bất chấp những lời tuyên bố của giới truyền thông rằng đây là những cuộc điều tra theo thông lệ, những hãng xe quốc tế cho rằng họ đang bị đối xử bất công tại đây.
Trong hội nghị APA của các nhà sản xuất xe hơi, chuyên gia về ngành công nghiệp ô tô, ông Micheal Dunn cho biết dù mức thuế đặc biệt với dòng xe nhập khẩu tại Trung Quốc đã giảm trong thời gian qua nhưng những khoản thuế và lệ phí khác vẫn đang ngáng đường các tập đoàn ô tô. Theo ông Dunn, các khoản phí này sẽ khiến những chiếc xe nhập khẩu vào Trung Quốc đắt hơn 50%, buộc họ phải tham gia các liên doanh với hãng xe nội địa.
AB