Khoảng 4 triệu người gồm người nước ngoài và Việt kiều muốn mua nhà ở Việt Nam
Số lượng nhà ở được người nước ngoài mua tại Việt Nam kể từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực chỉ chiếm khoảng 0,53% tổng lượng nhà ở trong cả nước giai đoạn 2018-2022, rất ít so với nhu cầu thực tế.
Các tổ chức, cá nhân nước ngoài đã mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội (1.765 trường hợp), TP. Hồ Chí Minh (850 trường hợp), Bắc Ninh (110 trường hợp), Bình Dương (210 trường hợp), Bà Rịa - Vũng Tàu (50 trường hợp)... Phần lớn là người Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Malaysia.
Xu hướng tăng mua nhà của người nước ngoài tại Việt Nam là một tín hiệu tốt, phản ánh tiềm năng của nền kinh tế đang phát triển ngày càng tích cực. Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi thu hút và thúc đẩy phát triển đầu tư, giữ chân một lượng lớn nhân sự trình độ cao đến Việt Nam làm việc, Luật Nhà ở cần được sửa đổi theo hướng minh bạch, chặt chẽ và phù hợp với quy định, thực tiễn.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam kiến nghị tiếp tục tăng nguồn cung nhà ở; cho phép cá nhân người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam (bao gồm cả nhà ở riêng lẻ và căn hộ chung cư), song cần quy định rõ yêu cầu về khoảng thời gian lao động tối thiểu còn lại tại thời điểm mua nhà.
Ngày càng nhiều người nước ngoài muốn mua nhà tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Cao Nguyên. |
Thực tế chứng minh, khi Luật Nhà ở quy định cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở với các điều kiện được mở rộng về phạm vi, đối tượng, loại nhà, số lượng nhà ở được mua… đã tạo điều kiện thuận lợi thu hút và thúc đẩy phát triển đầu tư, du lịch và dịch vụ, phát triển thị trường bất động sản, phù hợp với thông lệ quốc tế, thu hút dòng vốn FDI.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đất đai 2013 và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì cá nhân nước ngoài không thuộc đối tượng được mua, sở hữu đất ở tại Việt Nam. Nghị quyết số 18-NQ/TW cũng chưa đề cập đến việc sử dụng đất của cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Do vậy, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ cho phép giữ nguyên như dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) về việc cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam (bao gồm cả nhà ở riêng lẻ và căn hộ chung cư). Đồng thời, Bộ Xây dựng tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bỏ quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất thuê.
Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2005, số lượng lao động nước ngoài ở Việt Nam là 12.000 người nhưng đến năm 2019 là 117.800 người. Cùng đó, số lao động nước ngoài được cấp phép làm việc tại Việt Nam tính đến tháng 3/2022 là 100.000 người, tăng gấp gần 10 lần so với năm 2005.
Chủ tịch VARS Nguyễn Văn Đính nhận xét việc làm ăn lâu dài cũng như nhu cầu đầu tư trước sức hút từ tiềm năng đầu tư bất động sản tại Việt Nam chắc chắn sẽ nảy sinh nhu cầu sở hữu nhà ở, căn hộ.
Ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho rằng dự thảo Luật Nhà ở quy định về chế độ tiếp cận nhà ở của người nước ngoài ở Việt Nam theo hướng mở hơn là phù hợp. Việt Nam rất cần một lực lượng nhân sự trình độ cao mà một phần trong số đó chính là người nước ngoài đến Việt Nam làm việc. Muốn vậy thu hút và “giữ chân” thì phải cho họ được mua nhà.
“Tuy nhiên, trong khi dự thảo Luật Nhà ở đưa ra khung rộng rãi hơn trước đối với việc cho người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam thì dự thảo gần nhất của Luật Đất đai (sửa đổi) lại không cho phép người nước ngoài sử dụng đất. Như vậy, chúng ta chỉ bán cái xác nhà cho người nước ngoài chứ không bán đất thì cũng rất khó," ông Võ nhận định.
Phát huy vai trò cầu nối cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với đồng bào trong nước Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ III, nhiệm kỳ 2023 - 2028. |
“Tuổi trẻ kiều bào phát huy vai trò Đại sứ du lịch Việt Nam ở nước ngoài” Đó là tên gọi của Diễn đàn diễn ra sáng 1/8 (tại Đà Nẵng) nhằm giúp các thanh niên kiều bào hiểu hơn về du lịch Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng, qua đó tăng cường ý thức của các bạn trẻ trong việc kết nối, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế. |