Khi sao Việt làm nghề “gõ đầu trẻ”
Diễn viên Đức Hải
NSƯT Đức Hải là một trong những nghệ sĩ khóa đầu tiên của Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội), cùng với các diễn viên: Chí Trung, Ngọc Huyền, Lan Hương, Lê Khanh… Anh được khán giả nhớ đến qua các vai diễn hài hước, hóm hỉnh, tạo tiếng cười trên truyền hình và sân khấu.
Anh từng là giảng viên, trưởng khoa Đạo diễn sân khấu điện ảnh, trường Cao đẳng Sân khấu điện ảnh TP. HCM. Trái ngược với hình ảnh diễn viên hiền hậu trên phim, thầy Đức Hải trên bục giảng lại khá nghiêm khắc.
Nghệ sĩ Đức Hải tự nhận mình là một giáo viên nghiêm khắc
“Trong công tác giảng dạy, tôi hơi nghiêm khắc nhưng rất tận tâm, “rút ruột” mình ra truyền đạt lại cho học trò những kinh nghiệm mà mình được học và tích lũy. Chính tình yêu dành cho học trò cho tôi sức mạnh gắn bó với nghề giáo. Ngược lại, môi trường giảng dạy cho tôi nhiều niềm vui và ngày càng hoàn thiện hơn tư cách người nghệ sĩ”, nghệ sĩ tâm sự.
MC Thanh Bạch
Năm 1985, sau khi tốt nghiệp đại học tại Liên Xô, MC Thanh Bạch trở về Việt Nam và được bổ nhiệm vào vị trí trợ giảng bộ môn kỹ thuật biểu diễn của lớp diễn viên kịch nói, trường Nghệ thuật Sân khấu 2.
Thầy giáo Thanh Bạch được lòng học trò vì sự vui tính
Rất nhiều sinh viên của lớp thành danh sau này như: Huỳnh Phúc Điền, Phước Sang… MC của chương trình Hoán Đổi cũng được biết đến là giáo viên giảng dạy môn nghệ thuật nói trước công chúng tại trường quốc tế John Robert Powers ở TP. HCM.
Thanh Bạch nổi tiếng là một thầy giáo vui tính, được học trò rất yêu quý.
Ca sĩ Ngọc Anh
Không chỉ một ca sĩ nổi tiếng, Ngọc Anh còn là giáo viên thanh nhạc. Có mẹ cũng là giáo viên nên nghề giáo đã ăn sâu vào tâm trí cô từ lúc nhỏ. Học trò thành công nhất của nữ ca sĩ chính là giọng ca đạt giải nhất Sao Mai 2009 Hà Hoài Thu.
Ca sĩ Ngọc Anh hỗ trợ ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hướng dẫn thí sinh Giọng Hát Việt
Giọng ca “Thế giới tuyệt vời” kể lại kỷ niệm khó quên về ngày Nhà giáo Việt Nam: "Có một lần đến ngày 20/11, tôi rất muốn mua hoa để tặng mẹ nhưng không có nhiều tiền. Biết nhà thầy hiệu trưởng trồng cả một vườn hoa nên tôi quyết định đi tới nhà thầy giáo mua hoa. Nhà thầy nhiều hoa đẹp lắm, nhưng cuối cùng tôi chọn hoa mắt rồng để tặng mẹ. Bởi lúc đó tôi chỉ có 500 đồng trong túi".
Kiện tướng dancesport Khánh Thi
Bên cạnh việc làm giám khảo cho các cuộc thi nhảy nổi tiếng trên truyền hình, Khánh Thi còn được biết đến là giáo viên giảng dạy bộ môn dancesport. Khánh Thi cùng với những người bạn của mình mở trường dạy khiêu vũ tại TP. HCM.
Khánh Thi luôn tận tình với học trò
Nữ hoàng dancesport từng chia sẻ với báo chí: "Dạy kiến thức đã khó, dạy nghệ thuật có lẽ còn khó hơn nhiều. Đây là một bộ môn cảm tính nên sự truyền đạt và tiếp thu cũng phải tùy thuộc vào nhận thức, sự cảm ngộ của mỗi người. Chưa kể, đây còn là một nghề có thể đào tạo ra những ngôi sao...".
Học trò của cô cũng rất đa dạng, có thể là những người trung niên, thanh niên hay cả các em nhỏ. Từng lớp học trò của cô trưởng thành, gặt hái những thành công nhất định, điển hình như Phan Hiển – người đạt được rất nhiều giải thưởng trong và ngoài nước.
Trong quá trình giảng dạy, Khánh Thi không chỉ là thầy mà đôi khi còn là người mẹ, chăm sóc cho học trò của mình từng đường đi nước bước. Kiện tướng dancesport tâm sự: "Nhiều lần đang học, các em 3, 4 tuổi bỗng dưng tè ra ngay trên lớp. Nếu cho người khác vào dọn chắc chắn các bé sẽ khóc, thế nên Khánh Thi phải vừa là người dọn vệ sinh vừa là người dỗ dành. Như thế các con mới gắn bó với mình và nghe lời mình dạy".
MC Lê Anh
Lê Anh được biết đến là một MC nổi tiếng của Đài Truyền hình Việt Nam, nhất là những chương trình như: Robocon, Hoa Hậu Việt Nam... Từ ngày còn là sinh viên, anh đạt được nhiều thành tích học tập đáng nể. Sau khi tốt nghiệp, Lê Anh theo học và hoàn thành học vị Thạc sĩ du lịch tại trường Đại học Khoa học, Xã hội & Nhân văn Hà Nội.
MC Lê Anh trong chuyến thực tế cùng các sinh viên
Từ năm 2001 đến nay, MC Lê Anh là giảng viên bộ môn Kinh tế và Nghiệp vụ du lịch tại khoa Du lịch học ở trường cũ. Anh ví giáo viên là một nghề âm thầm và không dễ tỏa sáng như MC. Hiện tại, Lê Anh mong muốn trở thành một giáo viên thỉnh giảng theo hướng tự do để không bị gò bó về thời gian và muốn tiếp tục học tiến sĩ ở nước ngoài.
MC Thanh Vân
Không chỉ xinh đẹp, MC Thanh Vân có thành tích học tập đáng nể. Ít ai biết, cô từng tốt nghiệp Học viện Ngoại giao và học thạc sĩ ngành Quản lý sự kiện tại Thụy Sỹ.
Thanh Vân mở trường với mong muốn tạo môi trường học tập thân thiện cho học trò
Năm 2012, Thanh Vân cùng những người bạn mở trường mẫu giáo Green World, với mong muốn tạo cho cậu con trai của mình và các trẻ em khác môi trường học tập thực sự thân thiện, hữu ích. Cô giảng dạy bộ môn Kỹ năng mềm (phát triển hành vi, ngôn ngữ), lên lớp hàng tuần cho các bé từ 4 đến 6 tuổi.
Với Thanh Vân, ngày 20/11 luôn là dịp vô cùng đặc biệt. Năm nào, cô cũng về trường cũ cùng bạn bè và hàn huyên với các thầy cô giáo.
Ca sĩ Hồ Trung Dũng
Trước khi theo đuổi đam mê ca hát, Hồ Trung Dũng từng có 5 năm làm giảng viên khoa Ngữ văn Đức của trường Đại học Khoa học, Xã hội & Nhân văn TP. HCM. Thậm chí, ngay cả khi trở thành ca sĩ chuyên nghiệp và xin nghỉ dạy ở trường nhưng Hồ Trung Dũng vẫn không quên những ngày tháng đứng trên bục giảng.
Ca sĩ Hồ Trung Dũng mong muốn truyền cho học trò tư duy và lối sống tích cực
Hiện tại, anh đứng lớp 1 buổi mỗi tuần ở trường. Trước giờ lên lớp, nam ca sĩ đều dành nhiều thời gian để soạn bài, nghiên cứu kỹ giáo án để có thể hỗ trợ tối đa cho sinh viên của mình.
Nói về lý do duy trì song việc việc dạy học và đi hát, Hồ Trung Dũng cho biết: “Với tôi, 2 công việc này có nhiều điểm tương đồng và bổ trợ cho nhau. Cả 2 đều cần khả năng biểu đạt ngôn ngữ, nắm bắt tâm lý người nghe để truyền đi thông điệp nào đó. Với tôi, dạy học còn là liệu pháp tinh thần giúp cân bằng cuộc sống sau ánh đèn sân khấu. Lúc căng thẳng, mất cảm xúc, được gặp sinh viên, những người trẻ với suy nghĩ mới, cái nhìn lạc quan giúp tôi suy nghĩ đơn giản hơn, nhìn nhận cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Công việc dạy học còn mang lại ý nghĩa lớn, góp phần định hình nhân sinh quan cho các bạn trẻ. Tôi hay tưởng tượng rằng, khi dạy học mình là hướng đạo sinh còn khi đi hát, lại là bác sĩ tâm lý cho mọi người”.
“Với vai trò là người thầy, tôi quan niệm mình không chỉ truyền đạt kiến thức, mà quan trọng hơn hết là truyền đạt về cách tư duy và cả lối sống. Tôi muốn mang đến cho các bạn kinh nghiệm mà mình đúc kết được từ những công việc mình đã, đang làm, từ thành công và cả thất bại của bản thân… Tôi thật sự mong sinh viên của mình sau này dù có làm nghề gì thì cũng sẽ làm bằng chính con tim và trách nhiệm của họ. Điều đó quyết định rất lớn đến sự thành bại của một con người”, Hồ Trung Dũng tâm sự.
Ca sĩ Thanh Duy Idol
Thanh Duy được biết đến với danh hiệu Á quân của Vietnam Idol 2008 với giọng hát cao vút và phong cách trình diễn vô cùng tự tin. Mới đây, nam ca sĩ còn là người chiến thắng cuộc thi Gương Mặt Thân Quen 2015. Ngoài đi hát, Thanh Duy làm giáo viên dạy tiếng Anh tại Trung tâm Ngoại ngữ thuộc Bộ Ngoại giao. Nam ca sĩ từng tốt nghiệp loại giỏi khoa Sư phạm Anh, trường Đại học Cần Thơ.
Thanh Duy Idol giảng dạy môn học mà anh ưa thích là Tiếng Anh
Chia sẻ về công việc dạy học của mình, nam ca sĩ cho biết: "Thầy Duy trên lớp là lúc sống với một đam mê khác: được tự do khám phá và truyền đạt sự thú vị của môn học Tiếng Anh mà Duy rất thích. Mặt khác, lại được tiếp xúc với rất nhiều học trò thú vị khiến cho người năng động như mình thấy cuộc sống đầy màu sắc hơn".
Nam vương Tiến Đoàn
Tiến Đoàn là một người mẫu nam nổi tiếng của Việt Nam. Sau khi đăng quang danh hiệu Manhunt Việt Nam vào năm 2006, anh tiếp tục giành ngôi vị cao nhất của cuộc thi Mister International 2008. Ít ai biết anh còn là giảng viên bộ môn Kỹ thuật cơ khí, khoa Công nghệ, trường Đại học Cần Thơ.
Tiến Đoàn từng có thời gian là giảng viên tại Đại học Cần Thơ
Tiến Đoàn từng chia sẻ với báo chí về nghề nghiệp của mình: “Cả 2 công việc giống nhau ở chỗ xuất hiện trước nhiều người. Người mẫu thì xuất hiện trước khán giả yêu thời trang, còn giảng viên lại xuất hiện trước sinh viên. Cái thứ hai nữa là sự xuất hiện của mình đều phải thu hút. Người mẫu phải làm thế nào để mọi người chú ý đến trang phục và tạo được ấn tượng trong phong cách trình diễn. Người thầy phải lôi cuốn sinh viên vào bài giảng của mình, làm sao để các bạn luôn hứng thú mỗi khi mình lên lớp”.
“Với tôi, người thầy là một hình ảnh cao quý, tốt đẹp nên những ai đã và đang làm thầy giáo đều phải có trách nhiệm giữ vững hình tượng ấy. Đó là trách nhiệm và áp lực với tất cả những ai làm trong ngành giáo dục, chứ không riêng gì tôi”, anh bộc bạch.
An Vinh