Khắc phục hậu quả chiến tranh gắn liền với phát triển bền vững
Chủ trì Hội thảo có Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Trưởng Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 701 và bà Asako Okai, Trợ lý Tổng thư ký LHQ, Trợ lý Tổng giám đốc UNDP, Giám đốc Vụ Hỗ trợ giải quyết khủng hoảng.
Tham dự và phát biểu tại Hội thảo có ông Đặng Đình Quý, Đại sứ Việt Nam tại LHQ và bà Caitlin Wiesen, Quyền Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam. Ngoài ra, đại diện các cơ quan ban ngành liên quan của Việt Nam, phái đoàn và các tùy viên quân sự các nước ASEAN; đại diện các tổ chức LHQ và các tổ chức quốc tế, các phái đoàn thường trực tại LHQ và các tổ chức hợp tác và phát triển quốc tế cũng tham dự Hội thảo này.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh, công tác khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam trong hiện tại không chỉ mang ý nghĩa nhân đạo mà còn mang ý nghĩa phát triển, khoa học công nghệ, môi trường... Phía Việt Nam coi mục tiêu của hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh không chỉ để giảm bớt những tác hại do chiến tranh để lại, mà còn góp phần thực hiện thành công các mục tiêu Thiên niên kỷ của LHQ.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: QĐND
“Khắc phục hậu quả chiến tranh không chỉ để khép lại quá khứ mà còn mở ra một cánh cửa cho tương lai hợp tác quốc tế, kể cả các nước trước đây từng tham chiến tại Việt Nam”- Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định.
Bà Asako Okai, Trợ lý Tổng thư ký LHQ, Phó tổng giám đốc UNDP, Vụ trưởng Vụ hỗ trợ giải quyết khủng hoảng /UNDP trong bài phát biểu khai mạc hội thảo cho biết: Tháng 6/2017, UNDP và Trung tâm rà phá mìn nhân đạo quốc tế Geneve (GICHD) đã thực hiện nghiên cứu với chủ đề “Không để ai bị bỏ lại phía sau: Hành động bom mìn và Mục tiêu phát triển bền vững” cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa hành động bom mìn và một loạt các mục tiêu phát triển bền vững.
Cùng với sự hỗ trợ của quốc tế, Việt Nam đã đạt được một số kết quả quan trọng trong khắc phục hậu quả chiến tranh, một điều kiện tiên quyết để hướng tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và chương trình Nghị sự 2030. Tuy vậy, nhìn về phía trước vẫn còn rất nhiều việc phải làm nhằm giảm bớt những rủi ro, xây dựng tương lai phát triển cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi bom mìn, tăng cường sự hợp tác ở cấp độ quốc gia và quốc tế nhằm đạt các mục tiêu Thiên niên kỷ.
Trong tham luận tại hội thảo, bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đã nêu bật những thành tựu từ hợp tác của UNDP với chính phủ Việt Nam trong giải quyết hậu quả bom mìn sau chiến tranh và mối liên hệ giữa hành động bom mìn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Hàn quốc (KOICA), dự án “Hàn Quốc Việt Nam khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” có cách tiếp cận toàn diện trong hành động bom mìn bao gồm các hoạt động khảo sát, rà phá, giáo dục nguy cơ bom mìn, hỗ trợ nạn nhân và quản lý thông tin cũng như xây dựng chính sách.
Bà Caitlin Wiesen cho biết khoảng 20.000 ha đất ở hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định của Việt Nam đã được làm sạch với mục tiêu đưa vào phát triển kinh tế xã hội. Dự án sẽ tiếp tục loại bỏ ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh để đảm bảo an toàn cho người dân và cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, như phòng khám y tế và trường học, cũng như đất đai để canh tác và phát triển sinh kế. UNDP cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu về các nạn nhân bom mìn, cũng như tham gia các hoạt động Gìn giữ hòa bình của LHQ.
Rà phá bom mìn tại Vị Xuyên, Hà Giang. Ảnh: TTXVN
Tại Hội thảo, các đại biểu Việt Nam đã trình bày tham luận với chủ đề xoay quanh việc tái thiết và xây dựng hòa bình, các nỗ lực của Việt Nam trong khắc phục hậu quả bom mìn và dioxin, cũng như sự tham gia của Việt Nam vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.
Các tham luận cũng nêu lên các khó khăn và thách thức Việt Nam đang phải đối mặt, nhất là trong điều kiện nguồn lực trong nước hạn chế. Do đó, để giải quyết triệt để hậu quả chiến tranh, việc huy động các nguồn lực từ bên ngoài là vô cùng cần thiết.
Tại hội thảo, các đại biểu quốc tế đã đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh và tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình LHQ thời gian qua; ghi nhận sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế trong việc khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, cũng như trong lĩnh vực hành động bom mìn nhằm hướng tới phát triển bền vững giữa chính phủ Việt Nam và UNDP.
Các đại biểu cũng bày tỏ thiện chí sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới để giải quyết hậu quả chiến tranh, mang lại cuộc sống bình yên, ấm no cho các cộng đồng bị ảnh hưởng và góp phần xây dựng hoà bình, phát triển thịnh vượng, bền vững trên thế giới.
Bên lề hội thảo, Ban Chỉ đạo 701 và UNDP trưng bày các hình ảnh về các thành tựu trong khắc phục hậu quả sau chiến tranh và Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc.
Trong năm 2019, Ban chỉ đạo 701 sẽ tiếp tục khởi công dự án xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa, và dự kiến sẽ xử lý được 35% khối lượng đất nhiễm dioxin và rà soát 100% số người tham gia kháng chiến và con cháu có liên quan đến phơi nhiễm từ nay đến hết năm 2020. |
P.Y