Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam với các nhà nhập khẩu đồ uống Trung Quốc
Thực hiện Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2022, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đồ uống tăng cường quảng bá, tìm kiếm đối tác, kết nối các cơ hội kinh doanh và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phối hợp với Thương vụ, các chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc và Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) tổ chức “Hội nghị giao thương trực tuyến đồ uống Việt Nam - Trung Quốc 2022”.
Tính đến nay, đã có gần 60 nhà nhập khẩu đồ uống Trung Quốc đăng ký giao thương trực tuyến với các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp Trung Quốc tham dự hội nghị đến từ Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Côn Minh và Nam Ninh.
Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu cà phê, trà sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Lao động |
Trong khuôn hội nghị, tại phiên toàn thể, đại diện Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam sẽ giới thiệu cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư trong lĩnh vực cà phê, ca cao và đồ uống Việt Nam trong bối cảnh mới.
Về phía Trung Quốc, ông Trương Tế Đông – Chủ tịch Hiệp hội Đồ uống Thành phố Trùng Khánh và ông Dư Cường, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Thành phố Toại Ninh, Tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) sẽ thông tin thị trường và nhu cầu thị trường Trùng Khánh, Tứ Xuyên đối với sản phẩm đồ uống… Ngoài ra, ông Lý Trung Hải – Giám đốc Phát triển Kinh doanh thị trường Trung Quốc của Công ty Cà phê Trung Nguyên sẽ chia sẻ với các doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội nghị kinh nghiệm hoạt động tại thị trường Trung Quốc.
Sau phiên toàn thể sẽ diễn ra các phiên giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc. Đây chính là cơ hội tốt để doanh nghiệp đồ uống Việt Nam quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng từ thị trường tỷ dân này.
Là quốc gia có dân số lớn nhất thế giới, Trung Quốc là thị trường rất tiềm năng cho nhiều mặt hàng của Việt Nam trong đó có nhóm hàng đồ uống. Trà và cà phê của Việt Nam giữ một vị trí quan trọng tại thị trường Trung Quốc.
Hiện nay, trà vẫn đang là thức uống truyền thống của Trung Quốc, tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ cà phê của Trung Quốc đang có xu hướng tiếp tục tăng, đặc biệt là ở các khu vực thành phố phát triển. Tại thị trường Trung Quốc, cà phê hòa tan đang chiếm thị phần lớn nhờ sự tiện lợi trong việc sử dụng. Bên cạnh đó, xã hội phát triển, lối sống thay đổi và sự chấp nhận các xu hướng văn hóa mới của người tiêu dùng Trung Quốc cũng góp phần làm tăng nhu cầu tiêu thụ cà phê hòa tan tại nước này.
Theo Hiệp hội Cà phê Trung Quốc (CCAB), tiêu thụ cà phê tại nước này đang tăng với tốc độ trung bình hàng năm là 15%. Mặc dù Trung Quốc là nước gánh chịu hậu quả đáng kể từ đại dịch Covid-19 nhưng điều này không làm giảm nhu cầu tiêu thụ cà phê của người tiêu dùng.
Thị trường cà phê của Trung Quốc có nguồn cung đa dạng từ gần 80 nước cung cấp. Các thị trường cung cấp cà phê chính cho Trung Quốc là Guatemala, Ethiopia, Việt Nam, Malaysia, Brazil…
Ngoài trà, cà phê, Trung Quốc còn nhập khẩu nhiều loại đồ uống khác như nước hoa quả, sữa…
Theo Cục Xúc tiến thương mại, Trung Quốc là một thị trường lớn nhưng lại có tính cạnh tranh cao. Chính vì vậy, để xuất khẩu đồ uống Việt Nam sang thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực xúc tiến thương mại, đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm và nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dung Trung Quốc hiện nay. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu đồ uống cần tập trung đẩy mạnh việc truyền thông sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp.