IPU 147: hành động thiết thực vì hòa bình thế giới
Chủ đề kỳ họp IPU147 “Hành động của Nghị viện vì hòa bình, công lý và các thể chế vững mạnh” gắn với việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững 16 (SDG16), trong đó đề cập đến việc thúc đẩy các xã hội hòa bình và hòa nhập để phát triển bền vững. Điều này bao gồm việc cung cấp khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người và xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm và toàn diện ở tất cả các cấp. Qua đó khẳng định vai trò, hành động của các cơ quan lập pháp trên thế giới cùng chung tay với cộng đồng quốc tế trong việc hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc và Chiến lược hành động của IPU vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững.
Với các cuộc thảo luận và sự kiện đa dạng, Đại hội đồng IPU147 nhấn mạnh vai trò quan trọng của IPU trong việc định hình quan hệ quốc tế và thúc đẩy đối thoại giữa các quốc gia.
Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 147 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU 147) tại Angola |
Bà Masiko Fikile Masiko - Đại biểu quốc hội Nam Phi cho biết: Nghị quyết 2250 về Thanh niên, Hòa bình, An ninh được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua tháng 12/2015 đã khẳng định vai trò quan trọng của thanh niên trong duy trì và thúc đẩy hòa bình và an ninh quốc tế. Giới trẻ với tư cách là một phần của xã hội phải thường xuyên được mời tham gia vào các sáng kiến của Nghị viện, chẳng hạn như các phiên điều trần công khai, Thông điệp liên bang và các chương trình tiếp cận cộng đồng...
Theo bà Carolina Cerqueira - Chủ tịch Quốc hội Angola: Đoàn kết xã hội và viện trợ cho các cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa bao giờ cấp bách hơn để cứu sống hàng triệu người. Chỉ bằng cách tuân thủ và thực thi nguyên tắc này thì công lý mới được thực hiện và chỉ có công lý mới dẫn đến hòa bình.
Ngày 27/10, kỳ họp Đại hội đồng IPU147 đã thông qua Tuyên bố Luanda nhấn mạnh vai trò quan trọng của quản trị tốt như một phương tiện để đạt được sự phát triển bền vững. Trong Tuyên bố, các nhà lãnh đạo nghị viện hoan nghênh các Chỉ số IPU dành cho Nghị viện Dân chủ, công cụ mới được thiết kế để củng cố nghị viện nhằm thực hiện sự phát triển bền vững.
Bà Tulia Ackson được bầu là tân Chủ tịch IPUNgày 27/10, bà Tulia Ackson (46 tuổi) - Chủ tịch Quốc hội Tanzania đã được bầu làm Chủ tịch thứ 31 của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU).
Bà Ackson đã giành được 57% số phiếu bầu chỉ trong vòng 1, vượt qua 3 ứng cử viên khác là bà Adji Diarra Mergane Kanouté đến từ Senegal, bà Catherine Gotani Hara từ Malawi và bà Marwa Abdibashir Hagi của Somalia. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử IPU, tất cả các ứng cử viên vị trí Chủ tịch đều là nữ nghị sĩ đến từ châu Phi. Bà Ackson là nữ Chủ tịch thứ ba của IPU sau bà Najma Heptulla đến từ Ấn Độ (1999–2002) và Gabriela Cuevas đến từ Mexico (2017–2020). Bà cũng là người phụ nữ châu Phi đầu tiên giữ chức vụ này. Bà cam kết sẽ tận lực trong việc thúc đẩy sự đoàn kết, hợp tác giữa các quốc gia nghị viện nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu, thúc đẩy hòa bình và thúc đẩy lợi ích của các quốc gia. IPU sẽ tạo thành một cơ chế quan trọng để can thiệp và vận động về các vấn đề chính được quan tâm toàn cầu, thông qua việc thực hiện ngoại giao nghị viện trong hệ thống Liên hợp quốc và các quốc gia thành viên. “Tôi tái khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ với tất cả để biến IPU trở thành tổ chức hiệu quả, có trách nhiệm và minh bạch nhất”, bà Ackson nói. |