Ban sáng ở Ngư Thủy, khi ánh mặt trời chưa lên, mọi người chưa nhìn rõ mặt nhau, bà con vùng biển đã ra bến đợi thuyền. Loanh quanh ở vùng biển đầy truyền thống này, may mắn sẽ gặp những cựu nữ pháo binh năm xưa. O Lâm, cựu pháo binh hỏi han tíu tít. Hỏi rồi, o nói ăn sáng chưa. Không kịp trả lời, o đã nói về nhà, o nấu cháo cho ăn. O Lâm đãi bữa cháo cá biển tươi rói. Cháo ngon, con cá biển ngọt, các o Ngư Thủy nghèo nhưng giàu tình cảm. O Lâm nấu cháo cũng đơn giản, cỏ rười đốt lên, gạo vo qua, sôi đến nở bung, bỏ muối rồi cho cá vào. Đưa xuống, múc từng bát, bưng cho từng đứa ăn, rải chút ớt bột cùng nước mắm Ngư Thủy, ngọt rêm người. |
Người Ngư Thủy có tấm lòng giản dị, nhưng hiếu khách. Tiếng nói mộc mạc mà chân tình. Ban sớm, tàu cá vào bờ, việc đầu tiên không phải cân cá để bán mà chia cá cho những người nghèo. Mỗi thuyền cho vài ba con cá nục, nhiều thuyền thì người nghèo khó có chút cá ra chợ bán hoặc làm cá khô, ướp mắm ăn dần. Ngư dân Trương Thuyền nói: “Đó là tục chia biển. Vì người khỏe mới đi biển, người đau ốm, khó khăn ở nhà. Lỡ người đi biển bị sóng to, bão tố cướp đi mạng sống thì trên bờ, những bà con lối xóm như thế đến sẻ chia khó khăn. Con cá khô cũng san sẻ, củ khoai vùi trên cát cũng chia sớt thành ra lệ tục đã tồn tại từ khi lập làng, lập xóm đến nay”. |
Ngày nay, để thêm kế mưu sinh, người dân dùng cá biển nuôi cá lóc trên cát đưa lại thu nhập cao. “Cá nục, cá trích được mùa bà con mua, cắt ra cho cá lóc ăn. Con cá lóc ăn cá biển sạch, dễ bán ra thị trường. Bữa nay đến vụ, thương lái đến đặt mua tận hồ, vì cá lóc ăn cá biển chắc thịt, người dân ưa dùng”, ngư dân Trương Thuyền cho biết. Về Ngư Thủy mới biết từ 3 xã nay đã nhập thành 2 xã với địa danh Ngư Thủy Bắc và Ngư Thủy. Cả vùng Ngư Thủy là không gian văn hóa đậm bản sắc vùng biển bãi ngang. Nơi đây trong ký ức dân gian có nhiều di tích lịch sử như chùa Liêm Bắc, chùa Liêm Nam, đình Tây Thôn, đình Nam Tiến, đình Liêm Tiến… Làng biển Nhân Trạch cách thành phố Đồng Hới 10km, thuộc huyện Bố Trạch. Đây là một trong những làng biển lâu đời, được liệt kê trong nhiều sách cổ. Có một danh tướng từ Nghệ An vào sinh cơ lập nghiệp đã tạo nên truyền thống rạng danh cho vùng đất này, ấy là danh tướng Hồ Cưỡng. |
Gia phả họ Hồ nơi đây còn lưu truyền, Hồ Cưỡng tên thường gọi là Hồ Hồng, tên húy là Hồ Cưỡng. Ông sinh vào khoảng niên hiệu Đại Trị (1358 - 1369), đời vua Trần Dụ Tông. Ông từng làm Giám quân Tả Thánh Dực và làm Đại trị châu lộ Diễn Châu (thuộc Châu Hoan - Nghệ Tĩnh), nơi từng là hậu cứ quan trọng của nhà nước Đại Việt trong mọi cuộc kháng chiến chống xâm lăng. Hồ Cưỡng xuất thân trong một dòng họ có danh tiếng. |
Trong những năm cuối thời Trần, mảnh đất phên dậu phía Nam của Đại Việt không yên ổn, chiến tranh giữa Đại Việt và Chiêm Thành thường xuyên xảy ra. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Quý Dậu năm thứ 6 (1393), mùa xuân tháng giêng lấy Hồ Cưỡng làm Giám quân tả thánh dực (Cưỡng người ở Diễn Châu, Lê Quý Ly (tức Hồ Quý Ly) ngầm tìm được dòng dõi họ Hồ định đổi theo họ cũ mới đem Cưỡng làm người tâm phúc)". |
Hồ Cưỡng được Lê Quý Ly, lúc bấy giờ với tước Đại vương của triều đình phong làm Chánh đội trưởng chỉ huy một đạo quân trên hai ngàn người vào đánh Chiêm Thành, trấn giữ miền Thuận Hóa. Ngoài việc đánh giặc giữ yên biên cõi, ông còn chiêu dân lập ấp, khẩn hoang, mở mang sản xuất, trở thành thần tổ của họ Hồ khai canh vùng đất ven biển Quảng Bình như Hải Trạch, Lý Trạch, Nam Trạch, đặc biệt là Nhân Trạch (huyện Bố Trạch). |
Để ghi nhớ công lao của vị thần tổ họ Hồ đối với các thế hệ con cháu ở Quảng Bình, trong miếu thờ khuôn viên lăng mộ họ Hồ ở vùng Lý - Nhân - Nam có câu "Thần hiển khai khẩn Lý- Nhân - Nam". Hồ Cưỡng là một vị tướng tài, chỉ huy đánh thắng nhiều trận. Các thế hệ con cháu họ Hồ vùng Lý - Nhân - Nam của huyện Bố Trạch vẫn truyền tụng những trận chiến thắng huyền thoại trên vùng cửa sông Nhật Lệ với các trận đánh như Bàu Tró, Phú Hội... Làng biển Nhân Trạch ngày nay hiếu khách, sản vật phong phú, lòng người thuận hòa. Hải sản tươi mới, ngư dân cất trữ bằng cách làm khô, chắt cá thành nước mắm hoặc làm mắm cá dùng vào mùa đông. Ngày nay, những kiến thức bản địa ấy bà con Nhân Trạch đưa ra đãi đằng khách khứa, trở thành đặc sản ngon nức tiếng. Theo “Bổn xã khai khẩn truyện ký”, làng Cảnh Dương được thành lập vào năm Quý Mùi (1643), do những cư dân xứ Nghệ An trên đường đi tìm nơi lập nghiệp đã chọn dải cát ven sông Roòn dừng chân và lấy ngày Đông chí khai hội lập làng. Trải qua 380 năm, đến nay Cảnh Dương có hơn 2.000 hộ, gần 10.000 nhân khẩu. Cuộc sống ngày mỗi sinh sôi, làng biển ngày một phát triển. |
Trong từng ấy năm, người dân Cảnh Dương có một nghề truyền thống, câu cá hố. Vùng Roòn ở Bắc Quảng Bình xem dân xã Cảnh Dương là những người chinh phục "rồng". Bởi con cá hố dài, khỏe, bơi nhanh, da có ánh bạc lấp lóe dưới ánh trăng, con nước nên họ ví đó là cá rồng. Người Cảnh Dương điêu luyện câu chúng với cần câu bằng tre già được tôi luyện qua lửa, con cá nặng 2-3kg khi dính câu, vùng vẫy dưới nước, trọng lượng lên hơn 10kg cũng không gãy cần. Từ 380 năm trước, cha ông họ câu bằng tre thì nay con cháu cũng câu bằng tre. Mỗi cần câu có 2 cụm câu, mỗi cụm có 2 lưỡi câu và cục chì nặng 1kg. Cục chì nặng là để ghì con cá hố lại, không để nó chạy quá mạnh và quá xa. Cục chì 1kg vậy nhưng có con cá trên 3 ký, nó bơi như rồng bay dưới biển, bà con phải để nó kiệt sức mới thu câu. |
Nơi đây còn được biết đến là “làng cá voi" từ trăm năm qua. Người dân xã Cảnh Dương thờ phụng 2 bộ xương cá voi có kích thước lớn, họ tôn kính gọi là đức Ông, đức Bà. Hai bộ xương cá voi khổng lồ được thờ tại Ngư Linh miếu, xã Cảnh Dương. Theo gia phả của một dòng họ lớn ở Cảnh Dương, 2 bộ xương cá voi khổng lồ này đã được thờ phụng hàng trăm năm. Gia phả Tây Trung Họ Trương (còn gọi là Trương Trung Tây gia phả) có đoạn viết: "Năm Kỷ Tỵ (1809), đời Gia Long thứ 9, đức Bà vào, các dòng họ trong làng tổ chức đón linh đình. Năm Đinh Mùi (1907), đời Duy Tân thứ 16, đức Ông vào, các dòng họ tổ chức đón linh đình". |
Người dân Cảnh Dương hàng trăm năm nay làm nghề đánh bắt hải sản, xem Ngư Linh Miếu là linh hồn của làng. Vì vậy, Ngư Linh Miếu thờ đức Ông, đức Bà luôn được hương khói cầu mong đánh bắt thuận buồm, xuôi gió". |
Ở xã biển Cảnh Dương còn có một khu nghĩa địa dành riêng để an táng và thờ phụng hàng chục cá voi chết rồi dạt vào bờ biển (người dân hay gọi là cá voi lụy bờ). Từ một khu mộ nhỏ, theo thời gian có nhiều cá voi chết dạt vào nên người dân đã đóng góp rồi xây dựng thành nghĩa địa trang nghiêm làm nơi thờ phụng, cúng viếng. |
Hiện, nghĩa địa cá voi có 24 ngôi mộ, trong đó có 18 ngôi mộ đã được xây cất và lắp đặt bia mộ, 6 ngôi mộ còn lại do mới chôn cất nên đang được đắp bằng cát biển. Những ngôi mộ được xây trang trọng, trước mỗi bia mộ đều có bát hương. Trên bia mộ ngư dân khắc tên cá do dân làng đặt và thông tin về ngày, tháng cá "lụy" bờ. Ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết, tục an táng cá voi tại Cảnh Dương đã có từ rất lâu đời. Ngư dân coi cá voi là vị thần hộ mệnh cho họ giữa biển khơi, giúp họ có những chuyến đi an toàn, may mắn. Việc mai táng và thờ cúng cá voi được tổ chức trọng thể như một cách đền ơn đáp nghĩa của bà con vùng biển nơi đây. Minh Phong - Hữu Vi Theo Báo Sài Gon giải phóng https://www.sggp.org.vn/hon-bien-bao-doi-post697142.html |