Hơn 733 triệu tấn hàng thông qua cảng biển Việt Nam trong năm 2022
Hoạt động bốc xếp hàng nhập khẩu tại cảng biển Hải Phòng. Ảnh minh họa: An Đăng/TTXVN |
Trong đó, hàng xuất khẩu đạt 179,07 triệu tấn, giảm 3%; hàng nhập khẩu đạt 209,26 triệu tấn, giảm 2%; hàng nội địa đạt 342,79 triệu tấn, tăng 12% so với năm 2021. Khối lượng hàng container thông qua cảng biển năm 2022 ước đạt 25,09 triệu TEUs, tăng 5% so với năm 2021.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, 4% là mức tăng trưởng thấp nhất so với vài năm trở lại đây mặc dù Việt Nam đã bước sang tình hình mới sau dịch COVID-19. Đặc biệt, hàng hóa nhập khẩu đã giảm 2% so với năm ngoái.
Đại diện lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, mức độ tăng trưởng chậm của hàng hóa qua cảng do nhiều yếu tố; trong đó nguyên nhân chính là hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu thời gian qua của các doanh nghiệp trong nước chưa thực sự phục hồi trở lại. Ngoài ra, chính sách Zero COVID của Trung Quốc - thị trường xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam cũng gây ảnh hưởng ít nhiều tới các doanh nghiệp tham gia thị trường này; trong đó có các doanh nghiệp vận tải biển. Còn công suất của các cảng biển và vận tải biển vẫn hoạt động tăng cường và tích cực.
Tuy nhiện, hoạt động cảng biển cũng có những điểm sáng đáng ghi nhận. Cụ thể các cảng biển Việt Nam tại Hải Phòng, Tp. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu đã lọt vào danh sách 50 cảng biển có lưu lượng hàng hóa thông qua lớn nhất thế giới năm 2022.
Các bến cảng cửa ngõ như Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho phép tiếp nhận các tàu container lớn nhất thế giới hiện nay (trên 200.000 DWT). Hàng hóa thông qua các cảng biển, đặc biệt các cảng biển phát triển mới như Bà Rịa - Vũng Tàu được các tạp chí hàng hải quốc tế đánh giá là một trong những cảng có tốc độ tăng trưởng lớn nhất trong khu vực.
Điều này cho thấy dịch vụ cảng biển tại Việt Nam ngày càng được cải thiện nâng cao hiệu quả thông qua hàng hóa và hỗ trợ cho hoạt động vận tải biển, đặc biệt là vận tải biển quốc tế.
Liên quan đến hoạt động vận tải biển, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang cho hay, đội tàu Việt Nam hiện tại đã đáp ứng 100% nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường biển nội địa. Điều này là kết quả bước đầu để đội tàu Việt Nam vươn ra quốc tế.
Cụ thể, năm 2022, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vận tải quốc tế do đội tàu biển Việt Nam vận tải đạt khoảng 1,29 triệu tấn, tăng 10% so với năm 2021. Đây là mức tăng trưởng cao. Các tuyến vận tải chủ yếu đi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á và một số tuyến châu Âu. Nhiều doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam đã ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuận tăng do nguồn hàng vận tải và giá cước tăng trong đầu năm 2022. Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý III/2022, Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco) có lãi trước thuế lũy kế 566 tỷ đồng, vượt 45% so với kế hoạch cả năm và đã bù được hết số lỗ lũy kế. Công ty cổ phần Gemadept 9 tháng năm 2022 đã gần cán đích kế hoạch lợi nhuận cả năm khi đạt 806 tỷ đồng.
Các chuyên gia cho rằng, trong 2 năm qua, các doanh nghiệp vận tải đã có được kết quả kinh doanh thuận lợi. Đặc biệt, doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp đều tăng một phần do cước vận tải tăng, phần khác là do chất lượng đội tàu cũng được tiếp tục cải thiện, cơ cấu đội tàu ngày càng hợp lý.
Việt Nam được bầu làm Chủ tịch luân phiên điều hành của Hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á Mới đây, tại Hội nghị Hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á (APA), Việt Nam được bầu làm Chủ tịch luân phiên điều hành và Tổng thư ký của Hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á nhiệm kỳ 2023-2024. |
Kinh tế Việt Nam năm 2022 phản ánh khả năng ổn định và phát triển trong bối cảnh khủng hoảng Đài Sputnik dẫn ý kiến phân tích từ Giáo sư-Tiến sĩ kinh tế Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện nghiên cứu Trung Quốc và châu Á hiện đại, đánh giá nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 đã ghi nhận những chỉ số tích cực, phản ánh khả năng ổn định và phát triển trong bối cảnh diễn ra các cuộc khủng hoảng chồng chéo. |