Hơn 57 nghìn lao động nông thôn tại Quảng Nam được hỗ trợ đào tạo nghề
Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 19-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức quán triệt trong đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh; đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị - xã hội (CT-XH) tổ chức học tập, quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị.
Thời gian qua, xác định công tác ĐTN cho LĐNT là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành và xã hội nhằm nâng cao chất lượng LĐNT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) nông nghiệp, nông thôn; học nghề là quyền lợi và nghĩa vụ của LĐNT nhằm tạo việc làm, chuyển nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về ĐTN cho LĐNT theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý.
Ảnh minh hoạ |
Công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng được chú trọng, kịp thời chuyển tải nhiều thông tin phản ánh quá trình tổ chức quán triệt và kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW. Công tác tư vấn, hỗ trợ học nghề, ĐTN, giải quyết việc làm được thực hiện thường xuyên. Xây dựng và nhân rộng các mô hình ĐTN cho LĐNT có hiệu quả theo từng ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh xuất khẩu lao động. 2 Thường xuyên dự báo nhu cầu ĐTN theo thị trường. Không tổ chức ĐTN khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của người lao động sau khi học nghề.
Theo báo cáo số 236-BC/TU ngày 22/8, Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành nghị quyết, HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành đề án thực hiện chương trình đào tạo nghề cho LĐNT của tỉnh theo đề án của Chính phủ và theo yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh; xác định rõ các đối tượng ưu tiên cần ĐTN; ban hành các chính sách hỗ trợ học nghề, ĐTN; kiện toàn ban chỉ đạo ĐTN các cấp; phát huy vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, MTTQ, đoàn thể CT-XH, các cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp, cá nhân trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT; hệ thống cơ sở dạy nghề được đầu tư, chất lượng được nâng lên; đa dạng mô hình dạy nghề gắn với việc làm.
Thời gian qua, tỉnh đã thu hút nhiều dự án lớn tạo hàng ngàn việc làm cho người lao động. Tính riêng giai đoạn 2011 - 2022, toàn tỉnh đào tạo trên 57.000 LĐNT; trong đó, có gần 30.000 lượt nghề nông nghiệp, gần 19.000 lượt nghề phi nông nghiệp; xuất hiện nhiều mô hình dạy nghề hiệu quả; số lao động có việc làm sau đào tạo trên 70%. Tổng kinh phí thực hiện đề án đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011-2022 hơn 118 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu hằng năm, bình quân đào tạo, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi và các chương trình đào tạo nghề khác cho khoảng 5.000 - 7.000 lượt LĐNT. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70 - 75% ; trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khu vực miền núi đạt 50%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp từ 71 - 72%. Đào tạo nghề phi nông nghiệp chiếm khoảng 60%, đào tạo nghề nông nghiệp chiếm khoảng 40%. Tỷ lệ người lao động đào tạo mới có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn sau khi học nghề đạt trên 80%.