Hơn 100 nhà khoa học thế giới đến Việt Nam tìm giải pháp cho các thách thức về môi trường
Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Lê Công Thành; ông Olivier Brochet, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam; ông Hervé Conan, Tổng Giám đốc AFD Việt Nam và hơn 100 đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia đến từ 17 quốc gia trên thế giới tham dự Hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: ICISE) |
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Lê Công Thành nêu rõ: Vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí trọng tâm trong các chương trình nghị sự, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái.
Nhiệm vụ quan trọng Việt Nam cần tập trung thời gian gần đây là triển khai chủ trương, giải pháp chuyển đổi xanh, phát triển nền kinh tế các-bon thấp, giảm phát thải dựa trên nguyên tắc công bằng, công lý, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: ICISE) |
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cho rằng, hợp tác khoa học Pháp-Việt có từ lâu với sự hiện diện của các tổ chức nghiên cứu Pháp tại Việt Nam. Các tổ chức này đang tham gia hàng chục dự án khoa học góp phần vào sự phát triển của đất nước theo nhiều hình thức khác nhau. Thông qua các cơ quan nghiên cứu đang làm việc với các đối tác ở Việt Nam, Pháp hợp tác cùng Việt Nam để hiểu rõ hơn tác động chung của phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái, đa dạng sinh học, sức khỏe cộng đồng và an ninh lương thực.
Theo Giáo sư Hoàng Chung Thẩm, Đại học Auburn, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học, nhà quản lý và cơ sở sản xuất tư nhân, nhà máy công nghiệp để tìm ra giải pháp chung vừa bảo vệ được môi trường nhưng cũng đồng thời đảm bảo phát triển kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững.
Ông Dương Nguyễn - Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho biết, thời gian qua, USAID đã hợp tác chiến lược với Bộ Tài nguyên và Môi trường để cải thiện an ninh môi trường và hỗ trợ hành động tập thể nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chỉ tính từ 2021 đến nay, USAID đã hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tỉnh, thành phố, các nhà nghiên cứu địa phương hơn 30 triệu USD để giải quyết ô nhiễm môi trường. Để duy trì sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và môi trường, USAID sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với chính phủ Việt Nam và các bên liên quan ở địa phương trong thời gian tới.
Ban tổ chức trao giấy chứng nhận và giải thưởng cho 20 trường THPT trên địa bàn tỉnh Bình Định tham gia triển khai truyền thông cho dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa tại Việt Nam: Mô hình giáo dục cho các nhà giáo dục”.. (Ảnh: ICISE) |
Hội thảo gồm 3 chương trình đào tạo ngắn, 8 phiên hội thảo xoay quanh nhiều chủ đề, với gần 50 bài tham luận của các nhà khoa học và quản lý. Các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế dành nhiều thời gian chia sẻ, trao đổi thẳng thắn những khó khăn, thách thức trong công tác bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm tại Việt Nam hiện nay. Đồng thời, trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế cùng tìm ra giải pháp hiệu quả, phù hợp nhất với Việt Nam trong vấn đề xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững đất nước và triển khai cam kết của Việt Nam giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Trong khuôn khổ hội nghị cũng diễn ra phiên đối thoại giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các nhà khoa học trong nước và quốc tế, nhằm trao đổi thông tin về một số vấn đề môi trường nổi bật tại Việt Nam và thiết lập mạng lưới liên kết, hợp tác quốc tế bảo vệ môi trường.
Tại lễ khai mạc Hội thảo, Ban tổ chức đã trao giấy chứng nhận và giải thưởng cho 20 trường THPT trên địa bàn tỉnh Bình Định đã tham gia triển khai truyền thông cho dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa tại Việt Nam: Mô hình giáo dục cho các nhà giáo dục”. |