Hoàn thành thủy đình hỗ trợ rối nước dân gian phát triển
Thủy đình do các nghệ nhân đến từ làng Chàng Sơn và Sài Sơn (Hà Nội) khởi công từ tháng 6/2015 và hoàn thành vào tháng 10/2015. Thủy đình là nhà biểu diễn múa rối nước, gọi theo dân gian là buồng trò và là một trong bốn yếu tố quan trọng tạo nên nghệ thuật múa rối nước: quân rối, người điều khiển con rối, dàn nhạc và thủy đình.
Buổi biểu diễn rối nước đầu tiên tại nhà thủy đình mới thu hút đông đảo công chúng trong và ngoài nước
Thủy đình tại bảo tàng được xây dựng dựa trên cơ sở nghiên cứu kỹ hệ thống thủy đình cùng các công trình kiến trúc dân gian hiện có ở đồng bằng Bắc Bộ, cũng như ý kiến và yêu cầu của các phường rối nước dân gian. Công trình được mô phỏng theo kiến trúc thủy đình chùa Thầy – kiểu kiến trúc thủy đình cổ nhất còn lại ở Việt Nam được xây dựng vào thời hậu Lê (1533 – 1788).
Đây không chỉ là nơi biểu diễn lý tưởng của các phường múa rối nước dân gian mà còn là điểm đến để du khách thưởng ngoạn vẻ đẹp của một công trình kiến trúc đặc sắc trong khuôn viên khu trưng bày ngoài trời Bảo tàng Dân tộc học.
Trong nhiều năm qua, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thường xuyên tổ chức những chương tình trình diễn rối nước, giúp các phường rối dân gian có một sân khấu biểu diễn để phục vụ công chúng trong và ngoài nước.
Nghệ nhân Nguyễn Bá Thắng, phó phường rối nước Nguyên Xá (xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, Thái Bình) khẳng định: “Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chính là nơi khuyến khích, động viên, thúc đẩy các phường rối dân gian duy trì và bảo tồn rối nước thường xuyên”.
Ông cũng bày tỏ mong muốn, bảo tàng sẽ tiếp tục làm cầu nối để các phường rối có cơ hội được làm việc, trao đổi kinh nghiệm nâng cao chất lượng phục vụ công chúng.
Cùng với việc khánh thành nhà thủy đình mới, chương trình biểu diễn rối nước của 16 phường rối nước dân gian sẽ được khởi động lại tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vào các ngày thứ 2, chủ nhật hàng tuần.
Ngay sau lễ khánh thành, du khách trong và ngoài nước được thưởng thức buổi biểu diễn đầu tiên trong nhà thủy đình mới của phường rối nước Thanh Hải, Hải Dương.
Mạnh Phúc