Hoa Kỳ phối hợp với TPHCM, công bố kế hoạch hành động để giảm ùn tắc tại cảng Cát Lái
Cảng Cát Lái là nơi diễn ra các hoạt động giao thương nhộn nhịp nhất tại Việt Nam và có ảnh hưởng mạnh mẽ tới hoạt động xuất nhập khẩu. Tại buổi hội thảo có 70 đại biểu đến từ các bộ ngành, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan hải quan để đưa ra những ý kiến thảo luận và đóng góp về kế hoạch hành động trong thời gian tới.
Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ phối hợp, hỗ trợ Cục Hải quan TPHCM trong việc nghiên cứu giảm ùn tắc tại cảng Cát Lái, quận 2 nhằm giảm 70% thời gian thông quan hàng hóa, tiết kiệm khoảng 5.000 tỉ đồng mỗi năm.
Tại hội thảo, các đơn vị chức năng liên quan đã công bố 21 khuyến nghị được đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cảng để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng. Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, cảng đã hoạt động hết công suất, trong khi đó nhu cầu tính theo lượng container được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030.
Trước đó, ngày 16/9/2020, Cục Hải quan TPHCM cho biết, cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa phối hợp đánh giá kết quả sơ bộ khảo sát “Đề án Cát Lái” và cam kết sẽ hợp tác, hỗ trợ Cục Hải quan TPHCM cùng các bên liên quan thực hiện đề án, đẩy mạnh thương mại song phương giữa Mỹ và Việt Nam.
Ghi nhận nỗ lực của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh qua việc triển khai đề án giảm ùn tắc tại cảng Cát Lái, ông Michael Greene, Giám đốc USAID Việt Nam hy vọng đề án sẽ được triển khai nhân rộng; đồng thời cam kết sẽ hợp tác và hỗ trợ với Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh thực hiện đề án, góp phần nâng cao tăng trưởng thương mại của Việt Nam.
Được biết, 21 khuyến nghị trên là kết quả của nghiên cứu tiền khả thi về chống ùn tắc và tạo thuận lợi trong hoạt động logistics tại cảng Cát Lái được thực hiện bởi Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ từ tháng 5-2020 đến tháng 3-2021. Nghiên cứu đã xem xét một cách toàn diện các hoạt động của cảng trên diện tích 160ha nhằm đánh giá hiệu quả vận hành, các điểm nghẽn và vướng mắc trong quá trình tăng cường năng lực xếp dỡ của cảng.
Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đã đưa ra kế hoạch hành động để chính quyền và các cơ quan hữu quan tại địa phương cân nhắc. Những khuyến nghị này bao gồm từ việc tận dụng các giải pháp công nghệ thông tin để tăng cường luồng thông tin và thông quan hàng hóa đến việc bố trí hoặc mở rộng hạ tầng cảng và cải thiện hiệu suất hoạt động.
Cát Lái là cảng biển xếp hạng thứ 34 thế giới về quy mô khai thác với công suất đạt hơn 5 triệu teus vào năm 2019, chiếm 50% tổng sản lượng khai thác tại miền Nam và 77% tổng sản lượng khai thác tại TPHCM. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng tăng hơn 10%/năm, tuy nhiên các chính sách kiểm tra chuyên ngành, thủ tục liên quan đến giao nhận hàng hoá gặp nhiều hạn chế, cơ sở hạ tầng giao thông, kho, bãi, cảng chưa đáp ứng được công suất lưu thông hàng hoá.
Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM cho biết, nhằm giải quyết tình trạng ách tắc hàng hoá tại cảng Cát Lái, Cục Hải quan TPHCM đã thực hiện chương trình đột phá trong công tác tạo thuận lợi thương mại, chủ trì xây dựng và triển khai đề án tạo thuận lợi thương mại, thủ tục hải quan trong hoạt động Logistics và chống ùn tắc tại cảng Cát Lái.
Đề án này nhằm cắt giảm thủ tục, ứng dụng CNTT để rút ngắn hơn nữa thời gian làm thủ tục, giảm chi phí đi lại cho doanh nghiệp; Giảm ùn tắc hàng hóa tại Cảng Cát Lái và giao thông xung quanh cảng; Nâng cao mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với quá trình thực hiện thủ tục hải quan; Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo nguồn thu ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế bền vững; Nâng cao thứ bậc về Chỉ số hiệu quả Logistics, chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam.
"Với những ưu điểm trên, đề án xây dựng hệ thống dịch vụ tiện ích về hải quan, mục tiêu giảm 70% thời gian thông quan hàng hóa, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và xã hội ước tính 5.000 tỉ đồng/năm. Đồng thời, nâng cao khả năng liên kết vùng, gia tăng khả năng lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu từ cảng Cát Lái đến khu vực vành đai và các tỉnh lân cận", ông Thắng nói.
Ngoài ra, thông qua dự án nghiên cứu này, USAID đang phối hợp với Cục Hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải để xem xét những lĩnh vực có khả năng hợp tác công-tư, một phương thức hiệu quả để huy động đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.
Nhiều đại biểu trao đổi giải pháp giảm ủn tắc tại cảng Cát Lái, TPHCM |
Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, mỗi năm có khoảng 4,9 triệu container 20 feet (TEU) được xếp dỡ tại TPHCM, tương đương với khoảng 3 triệu xe tải, hoặc hơn 8.000 xe tải mỗi ngày qua lại trong và xung quanh thành phố. Do vậy, khi thương mại quốc tế dần phục hồi sau tác động của Covid-19 thì việc giải quyết ùn tắc tại cảng Cát Lái lại càng được ưu tiên. Các giải pháp chống ùn tắc đã được nghiên cứu kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế, góp phần giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.
Ông Michael Greene, Giám đốc USAID Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Cục Hải quan TPHCM trong việc triển khai đề án giảm ùn tắc tại cảng Cát Lái, hy vọng đề án sẽ được triển khai nhân rộng, đồng thời cam kết sẽ hợp tác và hỗ trợ với Cục Hải quan TPHCM thực hiện đề án qua đó góp phần nâng cao tăng trưởng thương mại của Việt Nam.
USAID sẽ xem xét một cách tổng thể các hoạt động và nghiệp vụ hải quan tại cảng nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động, các nút thắt/vướng mắc, thời gian lưu bãi, đồng thời đề xuất các chiến lược và giải pháp dưới hình thức một kế hoạch hành động.
Bên cạnh đó, USAID cam kết phối hợp cùng các bên liên quan thuộc Chính phủ Việt Nam hoàn thành khảo sát và xây dựng các giải pháp chiến lược nhằm giảm bớt thời gian và chi phí thương mại, từ đó đẩy mạnh hơn nữa thương mại song phương lành mạnh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Ở góc độ đơn vị nghiên cứu, bà Ann Marie Yatishock, Giám đốc USAID Việt Nam nhấn mạnh, giảm bớt tắc nghẽn tại các cảng của Việt Nam sẽ ngày càng trở nên quan trọng khi thương mại dần phục hồi hậu Covid-19. Nghiên cứu tiền khả thi tại cảng Cát Lái do USAID thực hiện đã đề xuất một kế hoạch hành động cho cảng container nhộn nhịp nhất Việt Nam này với mục tiêu giúp cảng có thể xử lý lượng container dự kiến sẽ tăng cao. Nỗ lực này tái khẳng định cam kết của chúng tôi trong việc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Với tinh thần cầu thị, luôn luôn lắng nghe và liên tục cải tiến, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh sẽ củng cố thêm các luận chứng mang tính khoa học để phục vụ cải cách hành chính, tạo thuận lợi thương mại một cách triệt để, mạnh mẽ hơn nữa.