Hỗ trợ trực tuyến giúp bệnh nhân yên tâm chữa trị tại địa phương
Bệnh nhi là N.P.S. (2 tháng tuổi, Nghệ An). Gia đình cho biết, bé S. chào đời khỏe mạnh khi được 38 tuần tuổi. Tuy nhiên, chỉ 7 ngày sau đó, bé xuất hiện một số biểu hiện bất thường: nôn nhiều sau bú, chậm đi ngoài phân su.
Cháu bé được gia đình đưa vào Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Tại đây, các bác sĩ đã cho cháu sử dụng kháng sinh, nuôi dưỡng tĩnh mạch, thụt tháo hàng ngày kết hợp chiếu đèn tuy nhiên tình trạng bệnh nhi không tiến triển.
Hình ảnh 2 đầu cầu Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. (Ảnh: BV Nhi Trung ương)
Ngày 20/02, cháu được các bác sĩ chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị chuyên sâu. Qua thăm khám, chụp Xquang khung đại tràng, sinh thiết đại tràng, các bác sĩ Ngoại khoa của Bệnh viện Nhi Trung ương kết luận bé S. mắc phình đại tràng vô hạch.
Phình đại tràng bẩm sinh là bệnh tổn thương đại tràng ảnh hưởng tới quá trình tống xuất phân gây táo bón. Nguyên tắc của điều trị bệnh này là cần phẫu thuật. Bé S được chỉ định phẫu thuật 2 thì. Sau khi phẫu thuật lần thứ 1, nhận thấy sức khỏe bệnh nhi đã đủ điều kiện chuyển về theo dõi tại địa phương trong khi chờ phẫu thuật lần 2.
Ngày 12/4, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành hội chẩn từ xa với các đồng nghiệp Bệnh viện Sản Nhi trao đổi về tình trạng sức khỏe của bé đồng thời cùng các đồng nghiệp lên kế hoạch chăm sóc nuôi dưỡng và điều trị cho cháu S. tại địa phương.
Trước khi bàn giao cho các bác sĩ tuyến tỉnh, bé được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đặt một đường truyền tĩnh mạch lâu dài để nuôi dưỡng tĩnh mạch và hạn chế phải lấy lại ven nhiều lần.
Trong quá trình cháu S. được chăm sóc tại bệnh viện tỉnh, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn thường xuyên theo dõi sự tình trạng sức khỏe của bệnh nhi và trao đổi hỗ trợ chuyên môn cho các đồng nghiệp.
Ngày 17/4, bệnh viện Nhi Trung ương nhận được thông tin từ các đồng nghiệp Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An về sự cố đường truyền tĩnh mạch của cháu S. Đặc biệt, trong lần hội chẩn này có sự tham gia của cha mẹ cháu S. Nhờ vậy, gia đình nắm bắt được diễn biến tình trạng sức khỏe của con mình, được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương giải thích cặn kẽ kế hoạch điều trị để yên tâm chữa bệnh cho bé tại địa phương.
Cuộc trao đổi chuyên môn giữa lãnh đạo 2 bệnh viện đi đến kết luận: cử 2 cán bộ điều dưỡng kinh nghiệm vượt 300km xuống địa phương hỗ trợ bệnh viện tuyến đặt lại tĩnh mạch cho bệnh nhi.
Cuộc hội chẩn thứ 3 diễn ra ngày 20/4. Theo thông tin trao đổi với các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, tình trạng sức khỏe của cháu S. vẫn ổn định và được các bác sĩ tích cực theo dõi.
Hình thức hỗ trợ lâm sàng trực tuyến này thực sự nối dài cánh tay cho các bác sĩ tại các Bệnh viện tuyến Trung ương. Giúp các nhà chuyên môn tiết kiệm được thời gian, công sức di chuyển trong quá trình hỗ trợ bệnh viện tuyến, tạo điều kiện để người dân yên tâm chữa bệnh tại địa phương…
Hải Yến