Hỗ trợ các hoạt động tôn giáo gắn với việc giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc cho kiều bào
Kiều bào Ba Lan đón mừng Đại lễ Phật đản. |
Mặc dù theo các tôn giáo khác nhau và chịu tác động, ảnh hưởng từ môi trường sống, điều kiện sống khác nhau nhưng đa số kiều bào là tín đồ các tôn giáo luôn có tinh thần hướng về quê hương, giữ gìn và phát huy truyền thống của dân tộc.
Chia sẻ tại Hội thảo khoa học trực tuyến với chủ đề "Hỗ trợ các hoạt động tôn giáo gắn với việc giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài", Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết hiện nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam có các Hội Phật tử, Trung tâm văn hóa Phật giáo của cộng đồng người Việt Nam ở 33 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hàng năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều tổ chức nhiều đoàn hoằng pháp đi thăm các nước, thuyết giảng Phật pháp và tổ chức các lễ cầu an, Tết cổ truyền của dân tộc, Lễ Phật đản, Lễ Vu Lan phục vụ bà con Việt kiều.
Mục sư Trần Thanh Truyện, Hội trưởng Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm Việt Nam cho rằng, cần mở các Trung tâm văn hóa Việt Nam để dạy tiếng Việt, dạy nấu ăn, làm bánh, thủ công… cho người Việt sinh sống ở nước ngoài để giao lưu, thăm hỏi, tìm hiểu về những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Chính phủ Việt Nam về đầu tư, du lịch, tín ngưỡng, tôn giáo.
Theo bà Trần Thị Minh Nga, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ, thời gian tới, Ban Tôn giáo Chính phủ sẽ đề xuất, tham mưu các chủ trương, chính sách phù hợp trong việc hỗ trợ đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt Nam ở nước ngoài trên các phương diện như dạy tiếng Việt, mở các Trung tâm văn hóa Việt Nam; hỗ trợ các chức sắc, chức việc các tôn giáo ra nước ngoài cũng như người Việt Nam ở nước ngoài về nước tham gia các hoạt động tôn giáo.