Hiệu quả thực thi chính sách chưa tương xứng khiến doanh nghiệp vẫn gặp khó
Theo số liệu về tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn với hơn 88 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, báo cáo kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp tháng 5/2023 cũng chỉ ra, doanh nghiệp đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn, với 82,3% doanh nghiệp (trong gần 10 nghìn doanh nghiệp điều tra) dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, những chính sách tới đây phải tạo ra được động lực thật sự cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Nếu không số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường sẽ tiếp tục tăng lên, điều này không chỉ năm nay mà tăng trưởng kinh tế những năm tiếp theo sẽ bị ảnh hưởng.
Nhiều quyết sách được ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp
Theo ông Phạm Hồng Việt, Chủ tịch Hội Da giày Hà Nội, thị trường xuất khẩu có dấu hiệu đi xuống từ tháng 7/2022 và đến quý 1/2023 thì mức cắt giảm đơn hàng diễn ra rất nghiêm trọng. Mức độ cắt giảm đơn hàng phổ biến từ 50-70%, thậm chí có doanh nghiệp trong nước hiện không có đơn hàng xuất khẩu và phải tạm dừng sản xuất từ quý 1 đến nay.
Đáng ngại hơn, thông tin về triển vọng, tín hiệu của thị trường vẫn chưa có gì tích cực. Hiện chỉ có một vài đoàn của doanh nghiệp nước ngoài đi khảo sát chứ chưa có đơn hàng nào, còn các khách hàng truyền thống đều thông báo không có nhu cầu đặt hàng.
“Vì vậy, giai đoạn nửa năm tiếp theo ngành xuất khẩu da giày vẫn rất khó khăn”, ông Việt quan ngại.
Trước khó khăn này, ông Việt cho biết, các doanh nghiệp đã bắt đầu cắt giảm thời gian làm việc, tuần chỉ còn làm việc 4 - 5 ngày và giảm quy mô như cắt giảm dây chuyền sản xuất. Tuy vậy, khi duy trì sản xuất, các doanh nghiệp không bán được hàng nên áp lực về vốn là rất lớn.
“Có những doanh nghiệp không có tiền trả lương công nhân, đóng phí bảo hiểm, phí công đoàn nên phải cắt giảm thời gian làm việc. Nếu không có biện pháp tháo gỡ sẽ có rất nhiều doanh nghiệp phải phá sản.”, ông Việt quan ngại.
Ông Phạm Hồng Việt, Chủ tịch Hội Da giày Hà Nội |
Nhìn nhận những khó khăn này, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho rằng, nguyên nhân của những khó khăn hiện tại đối với doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đến từ chu kỳ khó khăn của kinh tế thế giới mà còn do những vấn đề nội tại gây ra.
Trong bối cảnh đó, hoạt động điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thời gian qua được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận là rất quyết liệt, kịp thời, bám sát những khó khăn của doanh nghiệp và của nền kinh tế.
“Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy kinh tế xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp như như giảm lãi suất, giảm thuế, giãn thuế, tái cấu trúc nợ…. Đây là những chính sách đúng hướng, để tạo đà cho doanh nghiệp có thể phục hồi và phát triển, bà Thủy nhìn nhận.
Không chỉ vậy, nhiều kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và Ban IV gửi lên Chính phủ đều nhận được sự phản hồi rất nhanh.
Câu chuyện về visa, về phòng cháy chữa cháy, về hoàn thuế và mới đây là căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thì sự phản hồi của Chính phủ thông qua những chỉ đạo, cuộc họp,... được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là kịp thời.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Ban IV |
Hiệu quả thực thi chính sách hỗ trợ chưa tương xứng
Tuy vậy, bà Thủy cho rằng, vấn đề đặt ra ở đây là khâu triển khai chính sách, truyền thông chính sách và hiệu quả thực thi chưa tương xứng với quyết tâm và hành động của Chính phủ và Thủ tướng, cần có cải thiện mạnh mẽ trong thời gian tới để nỗ lực của Chính phủ và hệ thống hành chính thực sự đem lại giá trị cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Điều tra từ gần 10 nghìn doanh nghiệp của ban IV cho thấy, trong bối cảnh khó khăn đó, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn khi có đến 84% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả điều hành và hỗ trợ của chính quyền địa phương ở mức kém hiệu quả.
“Con số này cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp cảm nhận rằng, những hỗ trợ từ phía Nhà nước đã không đến đích” bà Thủy quan ngại.
Bà Thủy khẳng định, để thúc đẩy bất cứ 1 chủ thể, hoặc bằng áp lực hoặc bằng động lực. Tuy vậy, trong giai đoạn vừa qua, doanh nghiệp đối mặt với nhiều áp lực đến từ nhiều phía.
Do đó, những chính sách tới đây, không cần nhiều, ít cũng được nhưng phải tạo ra được động lực thật sự, tức là phải đi đến đích, phải thấu đáo, không thể là những chủ trương tuyên bố, mà doanh nghiệp không thể chạm được vào được.
Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Hồng Việt cho biết, Chính phủ đã có một số chính sách giảm lãi suất, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp như: Giảm tiền thuê đất, giãn nộp tiền thuê đất, hạ lãi suất. Tuy nhiên, theo ông Việt, mức giảm lãi suất này chưa tác động được nhiều đến các doanh nghiệp mà phải giảm xuống nữa.
“Chính phủ cần đẩy mạnh gói hỗ trợ 2% lãi suất cho nhóm doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, đồng thời giãn nợ, tái cơ cấu nợ để doanh nghiệp không bị nợ xấu, dễ dàng huy động vốn tín dụng khi có đơn hàng trở lại”, ông Việt kiến nghị.
Cần đồng bộ các giải pháp và quyết liệt triển khai
Còn theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực Cạnh tranh (CIEM), những khó khăn của nền kinh tế có thể tiếp tục kéo dài đến năm sau. Vì vậy, các bộ, ngành và địa phương cũng cần phải nắm bắt tình hình thông tin thống kê trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời để tìm ra những giải pháp linh hoạt phù hợp cho nền kinh tế.
“Nếu không đánh giá đúng tình hình thì sẽ không có giải pháp phù hợp hỗ trợ doanh, hỗ trợ an sinh cho người lao động, từ đó hỗ trợ tăng trưởng” bà Thảo nêu rõ.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực Cạnh tranh (CIEM) |
Về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bà Thảo cho rằng, các bộ ngành và địa phương cần quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, trước hết cần tháo gỡ ngay những rào cản sản xuất kinh doanh.
“Nếu chúng ta thực hiện các giải pháp cải cách một cách thực chất, mang lại môi trường kinh doanh an toàn cho doanh nghiệp thì trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, doanh nghiệp Việt rất có thể sáng tạo, tìm ra nhiều cách làm mới, từ đó phục hồi qua giai đoạn khó khăn; đồng thời có định hướng phát triển trong tương lai.
Đây được coi là động lực và là “chìa khóa” cho sự tăng trưởng trong năm 2023 và những năm tới”, bà Thảo tin tưởng.
Bên cạnh đó, chính sách tài khóa và tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác cũng phải có sự kết hợp linh hoạt – phù hợp để vừa đảm bảo hỗ trợ tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phát triển của doanh nghiệp.
“Đồng bộ các giải pháp và quyết liệt hơn trong năm nay là giải pháp vô cùng quan trọng”, bà Thảo nhấn mạnh.