Hiệp định Pari và những bài học quý cho ngoại giao Việt Nam
Tọa đàm do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Tọa đàm có sự tham dự của ông Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cùng đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương…
PGS. TS. Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam; ông Phan Anh Sơn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đồng chủ trì Tọa đàm.
Tại tọa đàm, các nhà khoa học uy tín là các nhà lãnh đạo, quản lý giàu kinh nghiệm trong công tác ngoại giao của các ban, bộ, ngành đã cùng đánh giá sâu sắc vị trí, vai trò quan trọng của Hiệp định Pari và Hội nghị Pari trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nhất nước; khẳng định đây là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.
Đại biểu phát biểu tham luận tại Tọa đàm (Ảnh: Hải An). |
Theo nhiều chuyên gia, nhà khoa học, có thể rút ra nhiều bài học quan trọng, nghiên cứu vận dụng vào việc xử lý các vấn đề đối ngoại trong giai đoạn hiện nay. Đó là: Kiên định quan điểm độc lập, tự chủ trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao; Giữ vững các nguyên tắc đối ngoại trên tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến”; Nắm bắt thời cơ giành thắng lợi từng bước và từ thắng lợi từng bước đi tới thắng lợi quyết định. Giành thế chủ động trong đàm phán, kiên trì mục tiêu đấu tranh. Đàm phán để tranh thủ dư luận, tập hợp lực lượng quốc tế và tác động vào nội bộ đối phương nhưng phải dựa vào sức mình là chính; Kết hợp đấu tranh ngoại giao với đấu tranh quân sự, chính trị, vận dụng phương thức “vừa đánh vừa đàm”; Tôn trọng các cam kết nhưng luôn cẩn trọng, nâng cao tinh thần cảnh giác để chủ động đối phó với mọi tình huống;Xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao đủ tâm, đủ tầm để hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.
Khẳng định những thành tựu của Hiệp định Pari và Hội nghị Pari, ông Vũ Khoan - nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết có 4 bài học đúc rút được từ thắng lợi của Hiệp định, đó là: kết hợp, kiên quyết, kiên trì, khôn khéo.
Tọa đàm cũng giới thiệu bài trả lời phỏng vấn báo chí của Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị 4 bên tại Pari. Bà Nguyễn Thị Bình cho biết: Những bài học về công tác ngoại giao đúc rút, tích lũy được từ quá trình đàm phán Hiệp định Pari đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là phải giữ vững nguyên tắc độc lạp tự chủ, phải xuất phát từ lợi ích quốc gia, biết rõ lực lượng mình như thế nào, đối phương ra sao để quyết định từng bước đi và luôn luôn có sự kết hợp giữa chiến trường và trên mặt trận ngoại giao. Phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế nhưng phải dựa vào sức mình là chính.
Ông Phan Anh Sơn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phát biểu kết luận (Ảnh: Hải An). |
Phát biết kết luận, ông Phan Anh Sơn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho biết: Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết là mốc son lịch sử của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định là sự kiện lịch sử quan trọng với lịch sử dân tộc. Đây là dịp quan trọng để nhìn lại quá trình đàm phán Hiệp định, rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình đàm phán để vận dụng sáng tạo cho thực hiện đường lối đối ngoại hiện nay.
Sự kiện cũng là dịp quan trọng để tôn vinh và tri ân công lao, đóng góp của các thành viên phái đoàn đàm phán, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, những người đã tham gia đàm phán Hiệp định lịch sử này và các tầng lớp nhân dân đã làm nên thắng lợi vẻ vang của nền ngoại giao Việt Nam nói riêng, của cách mạng Việt Nam nói chung, trong đó có bạn bè quốc tế.
Ông Sơn cho biết: Tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày Ký kết Hiệp định Pari, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ chủ trì đón 22 bạn bè quốc tế - những người đã tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào quá trình đàm phán ký kết Hiệp định.
Đánh giá cao giá trị tham khảo, ý nghĩa lý luận và thực tiễn các bài tham luận của các đại biểu, nhà khoa học dự Tọa đàm, ông Phan Anh Sơn cho biết sẽ có những tọa đàm tiếp theo được tổ chức để làm nổi bật ý nghĩa, giá trị lịch sử cũng như bài học đúc rút được từ quá trình đàm phán Hiệp định Pari. Trên cơ sở đó nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào đường lối đối ngoại hiện nay, nhất là trong bối cảnh thế giới và khu vực đang đối mặt nhiều thách thức với những diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường.