Hiến kế xây dựng mô hình bộ máy Liên hiệp hữu nghị ở địa phương
Tọa đàm nhằm ghi nhận những đóng góp, hiến kế về mô hình tổ chức bộ máy khả thi, hiệu quả và phù hợp nhất với địa phương. Ảnh: Hải An |
Ngày 17/6, tại thành phố Hải Phòng, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp với Thành ủy, UBND thành phố, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hải Phòng đã tổ chức Tọa đàm mô hình tổ chức bộ máy liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phương.
Đại biểu tham dự Tọa đàm. Ảnh: Hạnh Bùi |
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho biết hiện đã có 52/63 tỉnh, thành phố trên cả nước có liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phương. Tuy nhiên hoạt động của liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phương chưa đồng đều. Nhiều liên hiệp địa phương hoạt động hiệu quả, có vị trí quan trọng, được cấp ủy chính quyền đoàn thể đánh giá cao nhưng một số liên hiệp địa phương còn khó khăn về tổ chức bộ máy biên chế, điều kiện, phương tiện làm việc. Trong đó tổ chức bộ máy liên hiệp các tổ chức hữu nghị còn chưa có sự thống nhất ở các địa phương.
Ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phát biểu đề dẫn tại Tọa đàm. Ảnh Hải An. |
Thực trạng này đặt ra yêu cầu xây dựng, hoàn hiện mô hình tổ chức bộ máy chuyên trách của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phương đảm bảo tinh gọn, triển khai các nhiệm vụ đối ngoại nhân dân với phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả” góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã đề xuất 3 mô hình tổ chức, bộ máy các liên hiệp hữu nghị ở địa phương. Trên cơ sở đặc thù của địa phương (quy mô tổ chức, mức độ hoạt động của Liên hiệp Hữu nghị, tình hình nhân sự...), các địa phương có thể quyết định tổ chức cơ quan thường trực liên hiệp theo hình thức quy mô phù hợp với các phòng, ban chuyên môn, đơn vị sự nghiệp và các hội thành viên trực thuộc.
Tại Tọa đàm đại diện liên hiệp các tổ chức hữu nghị của nhiều địa phương đã đề xuất hiến kế những mô hình khả thi, hiệu quả và phù hợp nhất hoặc một số thay đổi được cho là phù hợp với địa phương.
Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Chủ tịch Thường trực - Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bắc Giang cho biết: Tổ chức, biên chế cơ quan liên hiệp hữu nghị tại địa phương hiện chưa tương xứng là tổ chức chính trị - xã hội, chuyên trách công tác đối ngoại nhân, là đầu mối trong công tác viện trợ phi chính phủ nước ngoài…
Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Chủ tịch Thường trực – Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Hải An |
Ông Trọng đề xuất phải có bộ máy chuyên trách với tổ chức, biên chế phù hợp. Người đứng đầu liên hiệp các tổ chức hữu nghị ở địa phương phải là Thường vụ cấp ủy tỉnh, thành phố, cán bộ chuyên trách làm công tác đối ngoại nhân dân phải có tâm, có tầm và thực sự tâm huyết với công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.
Ông Nguyễn Song Hoan, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Hải An |
Theo ông Nguyễn Song Hoan, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Thanh Hóa, hiện Bộ Nội vụ chưa có hướng dẫn xây dựng mô hình tổ chức quản lý Liên hiệp các tổ chức hữu nghị theo hướng thống nhất với mô hình tương tự Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Sở Nội vụ các địa phương vẫn phải chờ để hướng dẫn xây dựng mô hình tổ chức liên hiệp địa phương.
Để vận hành mô hình tổ chức bộ máy liên hiệp, các địa phương xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển liên hiệp; xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể trong tuyển chọn cán bộ chuyên trách, các vị trí việc làm, huy động và tranh thủ được các vị thế, kinh nghiệm của các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực đối ngoại, thu hút lực lượng trẻ có kiến thức, ngoại ngữ tham gia các hoạt động liên hiệp.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hải Phòng đề xuất tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức bộ máy chuyên trách của Liên hiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên trách và cơ quan tham mưu; các nội dung trong các quy chế, quy định của Trung ương về công tác đối ngoại nhân dân, tổ chức bộ máy của Liên hiệp địa phương cần được tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, rõ ràng, đặc biệt quan tâm tới các tổ chức hữu nghị ở cấp quận, huyện, cơ sở.
Theo Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Văn Doanh, Liên hiệp sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành đánh giá, tổng kết mô hình tổ chức bộ máy liên hiệp địa phương, có kiến nghị, đề xuất Bộ Nội vụ báo cáo Ban Cán sự Đảng, Chính phủ hướng dẫn thống nhất về mô hình tổ chức bộ máy của các liên hiệp địa phương. |