Hậu World Cup, Nga sẽ động binh với Ukraine vì tranh chấp nguồn nước tại Crimea?
Năm 2014, không lâu sau kì Thế vận hội Mùa đông Sochi, Nga đã tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea dù bị nước láng giềng Ukraine và phương Tây phản đối kịch liệt. Tháng 6 năm nay, Nga lại là nước chủ nhà của World Cup - một sự kiện thể thao tầm cỡ - và trở thành tâm điểm chú ý không chỉ đối với người hâm mộ bóng đá, mà cả giới chính trị gia toàn thế giới.
Theo nhà báo James Brooke, có thể Tổng thống Vladimir Putin sẽ lại tung ra một nước cờ quyết liệt vào thời điểm hậu World Cup năm nay, giống như việc ông đã từng làm với Crimea sau Thế vận hội Mùa đông Sochi năm 2014.
Xung đột âm ỉ giữa Nga và Ukraine
Hiện nay, căng thẳng trên vùng Biển Đen - Biển Azov và khu vực lân cận đang ngày càng leo thang. Việc Ukraine xây đập cắt nguồn cung nước sạch tới Crimea, cùng đợt hạn hán kéo dài đã khiến bán đảo này lâm vào tình trạng khan hiếm nước ngọt trầm trọng.
Trong khi đó, Nga lại âm thầm siết chặt tuyến đường biển tới hai cảng Berdyansk và Mariupol - hai cảng lớn của Ukraine trên Biển Azov. Động thái này của Nga có thể khiến dẫn đến việc hai bên động binh nhằm giải quyết xung đột.
Đối với các quan chức Nga tại Crimea, việc Ukraine chặn nguồn nước sẽ là một cái cớ rất thuận lợi. Hiện tại người dân trên bán đảo này không thể canh tác do không có nguồn cung nước ngọt từ sông Dnipro (Ukraine) thông qua kênh đào Bắc Crimea.
Theo một báo cáo mới của Euromaidan, với tình hình hạn hán kéo dài như hiện nay, Crimea chỉ có đủ nước sạch để phục vu nhu cầu sinh hoạt của 1 triệu trong tổng số 2,5 triệu dân trên đảo, chứ chưa nói đến các hoạt động canh tác và sản xuất nông nghiệp.
Kênh đào Bắc Crimea (đường màu đỏ). Nguồn: Euromaidan Press
Tuy nhiên, thậm chí ngay cả trước khi Ukraine cắt nguồn cung nước ngọt tới Crimea, thì kênh đào Bắc Crimea vốn đã không còn hoạt động tốt như trước. Sau khi Liên Xô sụp đổ, việc tu sửa và bảo trì kênh đào này cũng đã ngừng lại. Đến năm 2013, lưu lượng nước chảy qua dòng kênh chỉ bằng 1 phần 3 mức lưu lượng lịch sử của những năm 1980.
Ngoài ra, hiện nay nguồn nước này còn được chia về nhánh kênh phục vụ cho việc tưới tiêu các đồng ruộng tại khu vực Kherson của Ukraine, nơi cũng đang phải chịu đợt hạn hán kéo dài.
Quân bài mặc cả mới của Nga
Ukraine đã khẳng định rõ ràng lập trường của mình: Nguồn nước sạch sẽ lại chảy về Crimea, nếu như bán đảo này quay lại với Ukraine. Nhằm giải quyết vấn đề này, Nga dường như đang tạo ra một quân bài mặc cả mới, đó là tự do hàng hải trên Biển Azov.
Ngày 15/5 vừa qua, ông Putin đã tham dự lễ khánh thành cây cầu mới bắc ngang qua eo biển Kerch, nối liền Crimea với Nga. Theo giám đốc cảng Mariupol, cây cầu mới này có gầm khá thấp, khiến 144 trong số các tàu thường xuyên cập cảng này trong vòng 2 năm qua không thể tiếp cận cảng như trước.
-
Cựu TT Ukraine: Dưới áp lực gia tăng của quốc tế, Nga sớm muộn cũng phải 'nhả' Crimea
Ngoài Mariupol, Nga còn chặn tuyến đường đến cảng Berdyansk. Đây là hai cảng giao thương của hai vùng sản xuất thép lớn của Ukraine - Donetsk và Zaporizhia.
Việc vận chuyển thép từ hai cảng này tới Kherson - cảng gần nhất của Ukraine trên Biển Đen - bằng đường bộ hay đường sắt đều tốn nhiều thời gian cũng như chi phí, và chắc chắn sẽ khiến mặt hàng thép đội giá rất cao. Chính quyền ông Putin biết rất rõ hạn chế này.
Cùng với việc siết chặt đường vận tải trên biển, gần đây Nga cũng tăng cường hiện diện quân sự trên Biển Azov bằng các tàu tuần dương. Đội tàu tuần tra Nga trên Biển Azov hiện nay bao gồm 6 tàu pháo, 6 tàu đổ bộ, và 2 tàu tên lửa nhỏ.
Trong tháng 5 vừa qua, lực lượng Hải quân và Cảnh sát biển Nga đã tăng cường yêu cầu dừng các tàu thuyền của Ukraine trên biển Azov để "kiểm tra". Về mặt pháp lý, Nga có quyền làm điều này bởi Moskva và Kiev từng kí kết một văn bản đồng thuận coi Biển Azov là "tuyến đường thủy nội địa của hai nước".
Tuy nhiên, việc Nga dừng tàu đã khiến Ukraine chịu thêm một số tổn thất đáng kể về kinh tế. Kể từ tháng 4 năm nay, phía Nga đã yêu cầu dừng tàu kiểm tra gần 50 tàu, thuyền của Ukraine. Việc "kiểm tra" này có thể kéo dài hơn 20 giờ, khiến các chủ tàu không thể giao hàng đúng hẹn, và khoản bồi thường có thể lên đến 15.000 USD mỗi tàu, đại diện cảng Mariupol cho hay.
Các chuyến hàng vận chuyển tới hai cảng này đều sụt giảm, trong khi đó áp lực lại ngày càng tăng cao. Cuối tháng 5, số tàu hàng cập bến tại cảng Mariupol đã giảm 14% so với cùng kì năm ngoái. Các chủ tàu và doanh nghiệp hiện nay đều phải xoay sở tìm cảng khác, và một số chủ tàu cũng đã bắt đầu từ chối đến Biển Azov.
Hơn nữa, Ukraine không có tàu hải quân, mà chỉ có rất ít tàu tuần tra lưu thông trên vùng biển này.
Trước tình trạng leo thang căng thẳng, hơn nữa Nga và Ukraine không hề tương quan về lực lượng trên biển, một số nhà chiến lược học Ukraine đã đề ra giải pháp sử dụng "hạm đội muỗi". Cụ thể, theo chuyên gia quân sự Mykhailo Samus, Ukraine nên sử dụng các thuyền máy nhỏ được trang bị các tên lửa đối hạm vác vai trong vùng biển này.
Con tàu thuộc đội tàu Biển Đen của Nga. Ảnh: Sputnik.
Ông Putin sẽ gây bất ngờ hậu World Cup?
Hy vọng trong bối cảnh hiện nay, chính quyền ông Putin sẽ tiếp tục áp dụng chiêu cũ của Xô viết: Chủ động gây hấn, sau đó lại tự đưa ra giải pháp. Hai điều kiện trao đổi sẽ là nguồn cung nước ngọt tới Crimea và tự do hàng hải cho Ukraine trên Biển Azov.
Tuy nhiên Nga vẫn có thể đáp trả các động thái của Ukraine bằng các biện pháp quân sự.
Thứ nhất là quân đội Nga có thể dồn đòn tấn công vào bờ trái của Dnipro. Tuy nhiên, cách này sẽ gây ra nhiều tổn hại cả về người và của. Quân đội Nga sẽ phải di chuyển 350 km từ Donetsk và dàn trải lực lượng mỏng vì điều kiện đường xá không thuận lợi, do đó lực lượng của Nga sẽ dễ bị quân đội Ukraine mai phục và tấn công trên đường di chuyển.
Hơn nữa, Ukraine sẽ không thể nào bỏ qua một kịch bản tấn công kiểu Trân Châu Cảng như vậy. Kiev từng tập trận nhiều lần để thử các chiến lược phòng vệ trước kịch bản bị Nga tấn công bất ngờ. Ngoài ra, Mỹ và các nước đồng minh châu Âu cũng sẽ không dễ đàng nhắm mắt làm ngơ, mà họ sẽ gây áp lực tối đa cho Nga.
-
Tổng thống Trump để 'ngỏ cửa' công nhận Crimea thuộc lãnh thổ Nga
Nga có thể lựa chọn kịch bản dễ dàng hơn, đó là cho quân đội xuất phát từ phía Bắc Crimea về phía thượng nguồn sông Dnipro.
Kỳ World Cup 2018 sắp kết thúc vào ngày 15/7 tới. Có thể coi đây là hạn chót để Nga và Ukraine đưa ra những quyết định cần thiết cho những vấn đề hiện nay.
Trước hạn chót đó 1 tuần, tại hội nghị thượng đỉnh Ukraine-EU, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko dự định sẽ đề cập đến vấn đề Nga tăng cường hiện diện trên Biển Azov với các lãnh đạo EU.
Tuần trước, ông Poroshenko cũng nhắc đến vấn đề này trên Facebook: "Chúng tôi hy vọng EU sẽ có lập trường vững vàng trước những thách thức về an ninh của Nga trên Biển Đen và Biển Azov".
Một tuần sau đó, ông Putin sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Helsinki ngày 16/7. Vấn đề nguồn cung nước ngọt cho Crimea và tự do hàng hải trên biển Azov rất có thể sẽ được đưa ra thảo luận trong cuộc họp này.
* Bài viết được đăng tải trên trang The Atlantic, thể hiện ý kiến và quan điểm riêng của tác giả James Brooke, Tổng biên tập báo Ukraine Business. Trước đây ông Brooke từng là phóng viên của tờ New York Times.
Nga triển khai binh lực hùng hậu tới Crimea năm 2014.
Hồng Anh