Hành trình tiếp lửa cho bác sĩ trẻ sống thực vật sau tai nạn trên đường đi tình nguyện
Bác sĩ trẻ đang trên đỉnh cao sự nghiệp phải sống đời thực vật
Bác sĩ Nguyễn Khắc Thái (SN 1991, quê Thanh Hóa) từng là một trong những gương mặt ưu tú của bệnh viện nhi Trung ương (Hà Nội). Tốt nghiệp ĐH Y loại giỏi, Ielts 8.0, năm 2015, anh thi đỗ vào lớp nội trú, khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện này.
Tương lai phía trước đang rộng mở. Vị trí của anh lúc bấy giờ, có lẽ cũng là niềm mơ ước, mục tiêu phấn đấu của rất nhiều bạn trẻ, nhất là những ai có niềm đam mê với y học.
Bác sĩ Thái khi còn khỏe.
Không chỉ vậy, từ khi còn nhỏ, anh Thái đã là hình mẫu để nhiều bạn bè cùng trang lứa phải học tập. Trong suốt 12 năm cắp sách tới trường, anh luôn là học sinh xuất sắc. Ngày thi ĐH, anh Thái đạt 29,75 tổng điểm khối B và 29,5 khối A... Tất cả những điều đó từng khiến bố mẹ, người thân của anh hết lòng tự hào. Họ đã đặt cho anh rất nhiều kỳ vọng và tin rằng trong một tương lai không xa, người con trai ấy sẽ trở thành vị lương y tài năng, chữa bệnh, cứu giúp nhiều người.
Gia đình anh Thái có tất cả 3 người con, bố anh vốn là thương binh còn mẹ mắc bệnh Parkinson nên kinh tế không hề dư dả. Thế nhưng, mang trong mình sức trẻ, tấm lòng nhân từ của người thầy thuốc nên mỗi khi thấy ai khó khăn, bản thân có thể giúp được gì, anh đều dốc sức, hết lòng. Bệnh viện Nhi Trung ương đã nhiều lần tổ chức các chuyến đi tình nguyện... và lần nào, anh Thái cũng hăng hái xung phong.
Hiện tại, anh Thái vẫn trong tình trạng sống thực vật...
Tay chân co cứng...
Và không nhận thức được điều gì về thế giới xung quanh.
Nhưng rồi chuyện không may đã xảy đến. Tháng 10/2016, trong chuyến đi từ thiện đến miền Trung, khi trở về, anh vô tình gặp nạn ở bãi biển Cửa Lò (Nghệ An) và cũng bắt đầu từ đây, cuộc đời anh dường như đã lật sang một trang khác - u ám và đau buồn hơn.
Theo lời ông Nguyễn Khắc Ngó (bố ruột anh Thái), khi đang chạy bộ trên bãi biển, anh Thái và đồng nghiệp đi qua khu vực có tàu bị mắc cạn. "Người ta hút cát để cho tàu ra khơi và không may, Thái bị hụt chân xuống chỗ cát lún, bị đuối nước. May có người dân cứu vớt và các bác sĩ sơ cấp cứu kịp thời ngay tại bãi biển nên giữ được mạng sống. Tiếc là não vì thiếu ô-xy lâu quá nên đã chết, Thái rơi vào tình trạng chết lâm sàng, sống thực vật từ đó đến nay".
Đó là một câu chuyện buồn, không một ai trong gia đình ông Ngó muốn kể lại. Vào buổi sáng khi nghe tin con bị đuối nước, ông Ngó thầy bầu trời trước mắt như tối sầm lại. "Nhưng ngay lúc đó, nỗi đau chưa thấm sâu vào tôi như bây giờ. Thậm chí, nghe đến cụm từ sống thực vật, tôi cũng không thể tưởng tượng là nó sẽ khủng khiếp đến thế này", ông Ngó rưng rưng nước mắt.
Bên giường bệnh của bác sĩ Thái luôn có người cha già ngày đêm chăm sóc.
Ông luôn hy vọng một ngày nào đó con trai có thể hồi phục.
Cái ngày định mệnh ấy đã cướp đi tất cả, ngay cả hy vọng về tương lai tốt đẹp phía trước của gia đình anh. Điều họ hy vọng nhất, điều họ đã phải đánh đổi bằng rất nhiều thời gian, công sức, tiền của... giờ đây có lẽ chỉ đơn giản là được nhìn thấy anh Thái đứng dậy, bước ra khỏi giường bệnh và lại nói cười vui vẻ như ngày nào.
"Nhưng cứ mỗi khi nhìn con mắt nhắm nghiền, tay chân không cử động, mất hết nhận thức, tôi lại đau đớn vô cùng, đau đớn vì việc cứu con gần như nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi. Cảm giác bất lực ấy rất tồi tệ đối với một người đàn ông", ông Ngó trải lòng.
Lòng tốt của cộng đồng đã tiếp lửa hy vọng cho bác sĩ trẻ
Trong khi cả gia đình vẫn đang đau buồn và chưa biết phải làm gì, nhờ sự chung tay của cộng đồng, anh Thái đã được đưa đến bệnh viện Vinmec để thực hiện việc cấy ghép tế bào gốc.
Theo chia sẻ của ông Ngó, kinh phí ghép mỗi lần hết khoảng 305 triệu đồng chưa kể hàng loạt phụ phí đi kèm. Hiện tại, anh Thái đã trải qua 2 đợt ghép tế bào gốc, tất cả đều nhờ có phía bệnh viện hỗ trợ và tấm lòng từ các nhà hảo tâm.
"Mỗi một tháng nằm viện ở tỉnh Thanh Hóa, gia đình tôi đã tiêu tốn hết 15 triệu đồng. Trong khi thu nhập vợ chồng tôi cộng lại mới chỉ có 3 triệu đồng. Ngoài được giúp đỡ, gia đình chủ yếu phải đi vay nợ khắp nơi".
Theo bác sĩ Lê Huy Cường (Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Trung ương - Thanh Hóa, nơi anh Thái đang nằm điều trị), hiện tại sau 10 ngày điều trị PHCN tại bệnh viện bằng các thuốc dưỡng não, giãn cơ chống co cứng, sinh tố, lăn trở, xoa bóp, tập vận động thụ động tứ chi (hơn 3 tuần sau cấy ghép tế bào gốc lần 2) điểm Glasgow nâng từ 6 lên 9 điểm (mở mắt tự nhiên, đã đáp ứng vận động khi kích thích ), tự thở qua Canyl khí quản tốt, đỡ co cứng và gồng cứng tứ chi nhiều.
Bác sĩ Cường chia sẻ, người nhà bệnh nhân mô tả anh Thái có thể nhắm mở mắt theo lệnh. "Tuy nhiên qua các lần thăm khám cho bệnh nhân tôi thấy dấu hiệu này chưa thực sự rõ ràng".
Hành trình để anh Thái từ một bệnh nhân sống thực vật...
... Trở lại khỏe mạnh như ngày nào vẫn còn rất dài và gian nan.
Dù vậy, bác sĩ Cường cũng cho rằng, sức khỏe anh Thái đang có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực. Trước đó, khi cấy tế bào gốc lần 2 được 2 tuần, anh Thái nhập viện Điều dưỡng và PHCN Trung ương trong tình trạng hôn mê, điểm Glasgow 6 điểm... ít xuất tiết, co cứng và gồng cứng xoắn vặn tứ chi nhiều (chủ yếu hai tay), co rút một số cơ tứ chi.
Theo ông Ngó, anh Thái hiện đã tự thở, mắt bắt đầu có phản xạ khi được gọi tên, khi trị liệu, các cơ co cứng bắt đầu giãn khiến anh rất đau đớn, có khi chảy nước mắt. "Mỗi lần nhìn vào mắt Thái đã bắt đầu có biểu hiện nhận thức được một chút, gia đình tôi lại rất vui, nhưng hành trình chạy chữa cho con, có lẽ vẫn còn rất dài".
Mọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, xin vui lòng gửi về STK 0781 000 455 913, chủ TK: Nguyễn Khắc Ngó, ngân hàng Vietcombank, chi nhánh tỉnh Thanh Hóa.
Thu Hường