Hàng trăm người Việt di cư trái phép bị Úc trả về
“Nếu bạn lên thuyền mà không có thị thực, bạn sẽ không bao giờ đặt chân lên được đất Úc”. Ảnh minh họa
Sáng 25 và 26-6, tại phường Nghi Hải và phường Nghi Hòa (thị xã biển Cửa Lò, Nghệ An), Tổ chức Di cư Thế giới (IOM) tại Việt Nam phối hợp cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An tổ chức truyền thông cộng đồng về phòng, chống di cư trái phép từ Việt Nam sang Úc bằng tàu thuyền với thông điệp:
“Nếu bạn lên thuyền mà không có thị thực, bạn sẽ không bao giờ đặt chân lên được đất Úc”.
Chỉ tính riêng trong tháng 4-2015, có 46 người Việt Nam tìm cách đến Úc trái phép bằng thuyền và bị lực lượng chức năng Úc phát hiện, gửi trả về nước.
Theo báo cáo tại các buổi truyền thông, Nghệ An là tỉnh đứng đầu cả nước có nhiều người di cư trái phép sang Úc. Trong năm năm qua, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã khởi tố sáu vụ với 10 bị can do đưa hơn 70 người xuất cảnh trái phép sang Úc. Ngoài ra, tỉnh Nghệ An còn phối hợp với Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM xử lý hàng chục vụ đưa gần 300 người sang Úc.
"Nếu ai đó nói rằng họ có thể sắp xếp để bạn tới Úc mà không cần thị thực, người đó đang nói dối bạn. Đây là một cuộc chơi mà không bao giờ có người chiến thắng" - phát biểu của ông David Edwards - Bí thư thứ nhất, Bảo vệ Chính trực trong nhập cư, Đại sứ quán Úc. Theo thống kê, từ năm 2012 đến nay đã có hơn 1400 người sang Úc trái phép đã bị lực lượng chức năng phát hiện và trao trả về Việt Nam và Nghệ An là tỉnh có số người di cư trái pháp sang Úc đứng đầu cả nước (chiếm tới gần 90%) số người hỗ trợ về nước. (Theo báo Nghệ An)
Hiện nay, lợi dụng đời sống của một bộ phận người dân còn gặp khó khăn, nhu cầu tìm việc làm cao và trình độ nhận thức pháp luật còn hạn chế, bọn tội phạm đã lôi kéo, móc nối một số công dân Việt Nam ở tỉnh Nghệ An xuất cảnh trái phép, xuất khẩu lao động "chui" để thu lợi bất chính.
Australia là một trong những nước có điều kiện kinh tế, mức sống cao nhưng là nước mà Việt Nam không có hợp tác lao động nên các đối tượng thông qua con đường xuất cảnh hợp pháp như du lịch, du học, hội chợ thương mại và khi sang đến nơi thì trốn ở lại trái phép.
Nguy hiểm hơn, còn có nhiều trường hợp xuất cảnh trái phép bằng đường biển và đường hàng không sang Australia. Trong quá trình trốn sang Australia, số người di cư trái phép gặp rất nhiều rủi ro, nguy hiểm.
Dù mất rất nhiều tiền cho các đối tượng đưa người di cư trái phép, nhưng những người di cư vẫn bị bỏ đói nhiều ngày, bị đánh, bị bóc lột sức lao động và thậm chí mất tính mạng trên biển. Thực tế, hầu hết số người bị lôi kéo, lừa gạt xuất cảnh sang Australia trái phép đều bị các cơ quan chức năng của Australia phát hiện, bắt giữ và trả về Việt Nam.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, thị xã Cửa Lò và huyện Nghi Lộc là một trong những địa bàn của tỉnh Nghệ An có đông người di cư trái phép sang Australia và là tỉnh có số người di cư sang Australia đứng đầu cả nước, chiếm tới gần 90% số người hỗ trợ trở về nước.
Theo luật pháp của Australia, đối với những người sang Australia bằng tàu thuyền mà không có thị thực, danh tính của họ sẽ tự động bị liệt vào danh sách cấm nhập cảnh vào Australia.
Chương trình truyền thông là một trong những chuỗi hoạt động của công tác phòng chống di cư trái phép sang Australia mà Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và tổ chức IOM phối hợp triển khai thực hiện từ năm 2014 đến nay.
Thông qua những hình thức như tư vấn trực tiếp, xem tiểu phẩm, trả lời câu hỏi, chiếu phim, người dân được tiếp cận những thông tin bổ ích, từ đó cảnh giác hơn với những thủ đoạn lừa gạt và có quyết định đúng đắn, không mạo hiểm mạng sống và tiền bạc của mình để di cư trái phép từ Việt Nam sang Australia.
Trong chương trình truyền thông, người dân cũng được cung cấp thông tin về các quy định nhập cảnh của Australia và những hậu quả sẽ xảy ra đối với người di cư trái phép sang Australia bằng đường biển.
Theo PLO-Vietnam+